Để cải thiện nốt ban nhiệt cho trẻ, nhiều cha mẹ chọn cách tắm nước lá, đắp thuốc cho con theo bài thuốc dân gian đã khiến trẻ bị biến chứng nhiễm khuẩn.
Cậu bé H.N.L. (2 tuổi, ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) bị nổi mẩn đỏ trên da. Các nốt mẩn đỏ xuất hiện ngày càng nhiều khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, mệt mỏi.
Bà của bé L đã lấy các loại lá đun nước tắm cho bé với mong muốn giúp cháu mát da, sạch da, khỏi các nốt ngứa mẩn đỏ. Nhưng sau khi được tắm, kỳ cọ bằng nước lá, bệnh của bé L. ngày càng nặng hơn, viêm da mủ nặng và phải nhập viện điều trị.
Theo các chuyên gia da liễu, ban nhiệt là tổn thương da phổ biến ở trẻ em vào mùa hè. Ban nhiệt thường không nguy hiểm, song nếu không chăm sóc đúng cách sẽ làm bệnh lâu lành, thậm chí có biến chứng gây nhiễm khuẩn.
Ban nhiệt là tình trạng da bị phát ban do viêm tấy, nổi những hạt nhỏ li ti hoặc mảng màu hồng, xảy ra khi trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
Các nốt ban nhiệt xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thường gặp ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ vai, lưng, ngực, vùng tã lót, các nếp gấp của cơ thể gây ngứa nhiều từng cơn.
Nguyên nhân do các lỗ chân lông bị bít kín, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn do tế bào chết của da hoặc vi khuẩn. Bệnh xuất hiện trong vài ngày và hết nhanh khi nhiệt độ môi trường cải thiện, lúc trẻ ngừng đổ mồ hôi.
Nếu không được điều trị thích hợp tổn thương ở da sẽ lâu lành, lan rộng gây nhiễm trùng trở thành mụn mủ, gây biến chứng nặng toàn thân.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hương, phụ trách phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐK Đống Đa, khi trẻ bị ban nhiệt, nếu trẻ gãi ngứa nhiều, cha mẹ vệ sinh kém thì trẻ rất dễ bị viêm nhiễm, bệnh sẽ nặng hơn.
Đặc biệt, nhiều cha mẹ còn sử dụng các loại lá cây, củ, quả như mướp đắng, kinh giới, chè tươi, hỗn hợp nước lá tắm cho trẻ, điều này là không tốt và dễ gây hại cho làn da non nớt của trẻ.
3 loại ban nhiệt thường gặp ở trẻ
Ban hạt kê: Thường gặp ở trẻ sơ sinh, gồm những bóng nước trắng li ti xuất hiện từng đám, không viêm cũng không đỏ xung quanh. Ban hạt kê ít gây ngứa và thường biến mất trong vài giờ đến vài ngày.
Ban kê đỏ: Còn gọi là rôm sảy, là dạng thường gặp nhất ở trẻ em. Đây là loại ban ngứa xuất hiện phổ biến vào thời tiết nóng bức. Da đỏ lên, xuất hiện rất nhiều bóng nước rời rạc hoặc thành từng chùm dạng đốm lấm tấm đỏ trên da, gây cảm giác rát ngứa dữ dội từng cơn và làm trẻ khó chịu, hay quấy khóc.
Ban kê sâu: Xảy ra khi trẻ bị nhiều đợt rôm sảy tái đi tái lại. Nguyên nhân do sự tắc nghẽn phần sâu hơn của tuyến mồ hôi, da bị viêm sâu hơn, có tình trạng sưng viêm và nhiễm trùng.
Để giảm tình trạng ban nhiệt và phòng ngừa các biến chứng gây hại đến sức khỏe của trẻ, bác sĩ Thu Hương khuyến cáo, cha mẹ cần biết cách chăm sóc cho trẻ trong những ngày hè bằng cách giữ cho da trẻ mát, sạch và khô để giảm ngứa và giảm các kích thích ở da. Trong đó cần chú ý:
- Môi trường sống sạch sẽ: Cha mẹ phải đảm bảo môi trường sống của trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát để tránh ra nhiều mồ hôi và hạn chế chế vi khuẩn gây hại cho da.
Với những ngày thời tiết nóng, nên cho trẻ chơi và ngủ ở phòng có điều hòa, quạt mát, hạn chế để trẻ chạy nhảy quá nhiều ngoài trời nắng nóng.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ: Cha mẹ cần tắm rửa hàng ngày cho trẻ để giữ cơ thể luôn sạch sẽ. Chú ý vệ sinh sạch những vùng da cọ xát, các nếp kẽ như nách, cổ, bẹn...
Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ để trẻ không gãi ngứa gây trầy xước da. Đồng thời, cần chọn loại xà phòng kháng khuẩn, phù hợp với da trẻ để làm giảm lượng vi trùng lưu trú trên da.
- Trang phục đảm bảo thoáng mát: Cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, chất liệu mỏng và thấm mồ hôi. Với trẻ nhỏ vẫn phải phải sử dụng bỉm, tã, cần thay bỉm, tã thường xuyên và nên hạn chế đóng bỉm, tã trong những ngày nắng nóng.
- Dinh dưỡng đúng cách: Cho trẻ uống nhiều nước. Ăn đầy đủ các loại thực phẩm mát, giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, hoa quả, sữa chua…, tránh các loại đồ ăn cay, mặn, nóng.
- Sử dụng thuốc đúng chỉ định: Nếu trẻ bị ban nhiệt, cha mẹ cần thoa thuốc tại chỗ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không bôi phấn rôm lên vùng da bị tổn thương, không dùng các loại lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc, các loại củ quả tắm, bôi, đắp cho trẻ.
- Thăm khám bác sĩ kịp thời: Đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu khi có nghi ngờ bị bội nhiễm như: trẻ gãi ngứa nhiều hơn, vùng da phát ban lan rộng, có dấu hiệu sưng đỏ, đau, có mủ hoặc đóng vẩy, trẻ bị sốt, mệt nhiều hơn, hoặc ban nhiệt không giảm sau 3 ngày…