Đầu tháng 8/2017, Esther Rantzen, thành viên của nhóm ‘Hỗ trợ những người lên chức ông bà’ ở Bristol (Anh) đã viết thư cho báo Daily Mail về thực trạng hàng nghìn người lớn tuổi ở Anh bị ngăn cản không cho gặp cháu ruột của mình.
Sau khi Daily Mail chia sẻ bức thư của Esther, bà lập tức nhận được vô số thư của các cụ ông, cụ bà khác kể về câu chuyện của họ.
Những bức thư chứng minh sự thật đáng kinh ngạc ở Anh: có rất đông các ông, bà bị ngăn cản, không cho gặp cháu.
Phần lớn nguyên nhân của các bi kịch này là do mối mâu thuẫn của các ông bà với con dâu hoặc tình trạng ‘cơm không lành, canh không ngọt’ giữa nhà chồng – con dâu sau khi các cặp đôi ly dị.
Cuộc chiến gia đình: khi một bên tay trắng, một bên đầy quyền lực
Khác với các gia đình Việt Nam, ở Anh thường cha mẹ không sống chung với các con khi họ đã lập gia đình.
Tuy nhiên, nhiều người già vẫn lựa chọn cách sống gần con cái, và rất sẵn lòng giúp đỡ việc chăm sóc các cháu. Bà Esther Rantzen, 77 tuổi, sống tại Bristol – Anh Quốc, là một trường hợp như vậy.
Bà kể về niềm hạnh phúc to lớn của mình khi được nắm bàn tay nhỏ xíu của hai đứa cháu ngoại sinh đôi vừa được 10 ngày tuổi, cũng như khi chơi đùa, chăm sóc những đứa cháu lớn hơn.
Chứng kiến nhiều người bạn già không có được hạnh phúc như mình, bà đã bị thôi thúc phải lên tiếng. Bà đã nói về ‘cuộc chiến’ mẹ chồng - nàng dâu: ‘Trong cuộc chiến tranh gia đình cay đắng này, một bên có tất cả sức mạnh. Ông bà thì hoàn toàn không có vũ khí. Nếu quyết định được đưa ra là không liên lạc với ông bà nữa thì, ok, thế là xong’.
Trong cuộc chiến tranh gia đình cay đắng này, một bên có tất cả sức mạnh. Ông bà thì hoàn toàn không có vũ khí. Nếu quyết định được đưa ra là không liên lạc với ông bà nữa thì, ok, thế là xong
Một số người cao tuổi nói với bà Esther rằng họ hoàn toàn không gây chiến, một số khác thì khẳng định cả họ và con dâu đều có lỗi khi để xảy ra mâu thuẫn.
Mối quan hệ giữa mẹ chồng – con dâu, ngay cả ở một nước tự do như ở Anh, vẫn luôn có những vấn đề nhạy cảm.
Và ngay cả trong những gia đình hạnh phúc nhất, mối quan hệ này cũng không suôn sẻ. Khi một đứa trẻ được sinh ra, đương nhiên mẹ sẽ là người quan trọng nhất. Tuy nhiên, người bà vẫn ở đó với mong muốn được chăm sóc, che chở.
Cả hai bên đều muốn ‘cạnh tranh tình cảm’, và cuộc chiến xảy ra lúc nào không biết.
Bà mẹ trẻ, được ‘vũ trang’ bằng vũ khí tối tân là ‘quyền từ chối’, đương nhiên lúc nào cũng là người chiến thắng.
Abbie, một người bà ở Anh, kể rằng gia đình con trai bà đã nhờ vả vào bà rất nhiều khi họ mới sinh một cháu trai.
Đó là những ngày vô cùng tươi sáng, hạnh phúc ngập tràn từng giây phút trong cuộc đời bà. Bà trở thành một người rất quan trọng trong 6 tuần đầu tiên khi đứa cháu nội mới chào đời.
Nhưng sau đó, mọi thứ đột nhiên thay đổi.
‘Con dâu tôi đã không trả lời điện thoại của tôi nữa. Tôi gọi cho con trai. Nó nói rằng vợ chồng nó muốn tự lo lắng mọi việc cho thằng bé’ – bà Abbie nói trong đau đớn.
Nhắc lại mọi chuyện, bà Abbie vẫn cảm thấy như có một cơn đau cấp tính trong ngực và nước mắt bà trào ra.
Bà nghĩ rằng, mọi chuyện tồi tệ như vậy có thể do một hiểu lầm nào đó với con dâu mình.
Bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại của hai vợ chồng bà Abbie, hai ông bà đã không có liên lạc với con cháu trong nhiều năm.
‘Không có một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến con và cháu trai mình. Tôi không thể nhớ lần cuối cùng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc là khi nào. Từng xương khớp trong cơ thể tôi nhói đau khi nghĩ về chuyện mình chẳng bao giờ còn được gặp con cháu nữa’ – bà Abbie nói.
Theo bà Esther Rantzen, chắc hẳn các bà mẹ chồng cũng có lỗi. Những bức thư mà bà nhận được có thể chỉ phản ánh một góc không đầy đủ của câu chuyện.
Đối với nhiều người cao tuổi ở Anh, con và cháu của họ giống như là ‘phao cứu sinh’ để họ thoát ra khỏi sự cô đơn. Nhiều người trong số họ cảm thấy ‘mất tất cả’ khi không được tiếp cận với các cháu.
Thế nhưng ước tính có hơn 1000 người già ở Anh hiện không được con cái cho phép gặp cháu. Nhiều người già rơi vào trầm cảm, thậm chí... tự tử vì lý do này.
Theo bà Jane Jackson, người sáng lập hội ‘Hỗ trợ những người lên chức ông bà’, trong 10 năm qua đã có 3 người già (2 cụ bà và 1 cụ ông) đã tự tử vì không được liên hệ với các cháu.
Bà Jane Jackson cho rằng việc bị cô lập đe dọa sự sống của người già theo đúng nghĩa đen. Những người góa bụa (chỉ còn ông hoặc còn bà) thậm chí còn khủng hoảng hơn nếu không được liên lạc với các cháu.
‘Tôi hi vọng lại được làm người chăm trẻ’
Bà Caroline viết thư chia sẻ về câu chuyện của mình:
‘Thật khó để không nhìn thấy đứa cháu gái lớn nhất của tôi vì tôi ở ngay gần nhà các con và từng tự tay chăm sóc cháu.
Hai năm trước, tôi đã bị ngăn không cho gặp đứa cháu lớn đó và đứa em vừa mới chào đời của nó.
Tôi đã gần như hét vào mặt con dâu tôi. Tôi biết điều đó là không đúng. Nhưng tôi cảm thấy như mình bị ‘mất tích’ khỏi cuộc đời này.
Đặc biệt là vào những dịp sinh nhật cháu hay Giáng sinh, khi ấy tôi mong được nhìn thấy bọn trẻ mở những món quà bà của chúng tặng’.
Bà Caroline mong ước một ngày nào đó lại được chấp nhận là một ‘vú em’ như bà đã làm cho đứa cháu lớn của bà.
Bà Gloria có 2 cháu nội, một cháu 5 tuổi và một cháu 21 tháng tuổi. Nhưng đã hơn 4 năm nay họ không gặp lại đứa cháu lớn và chưa bao giờ được gặp đứa cháu út.
Mặc dù gia đình bà đã từng sống gần gia đình con trai.
Theo bà Gloria, do mối quan hệ với con dâu không được tốt, nên mối quan hệ với con trai và các cháu cũng bị xấu đi.
Bà Gloria nhớ lại: ‘Khi đứa cháu nội đầu tiên của tôi chào đời, mối quan hệ của tôi với con dâu bắt đầu xấu đi. Tôi đã nói chuyện với con trai, nhưng nó bảo tôi đừng lo lắng, nó sẽ không bao giờ ngăn chúng tôi gặp bọn trẻ.
Khi đó cháu tôi khoảng 8 tháng tuổi, vợ chồng tôi sắp đi nghỉ xa vài tuần, nên tôi hôn thằng bé và nói 'Tạm biệt, hẹn gặp lại cháu sớm'. Thế mà, từ đó đến nay, tôi chẳng còn được gặp thằng bé lần nào nữa
Tuy vậy, thật khó để các con thu xếp thời gian nào phù hợp cho chúng tôi đến thăm cháu. Một ngày nọ, con trai tôi mang cháu nội đến chơi với chúng tôi vài giờ.
Khi đó cháu tôi khoảng 8 tháng tuổi, vợ chồng tôi sắp đi nghỉ xa vài tuần, nên tôi hôn thằng bé và nói Tạm biệt, hẹn gặp lại cháu sớm. Thế mà, từ đó đến nay, tôi chẳng còn được gặp thằng bé lần nào nữa’.
‘Khi trở về nhà sau kỳ nghỉ, chúng tôi gọi điện cho con trai để chúc mừng sinh nhật nó, thì chỉ thấy cuộc gọi bị chặn. Không một lời giải thích. Không gì cả’.
Giáng sinh năm đó, vợ chồng bà Gloria đã đến cửa nhà con trai gửi lại một món quà và tấm thiệp chúc mừng cho cháu.
Thật quá đỗi bất ngờ, ngay đêm đó, món quà và tấm thiệp được trả lại ngay bậc thềm nhà ông bà với một dòng viết tay, nói rằng: ‘Ông bà không còn là một phần trong cuộc sống của gia đình con’.
Sau đó, khi đứa bé thứ hai chào đời, ông bà Gloria cố gắng gọi điện, gửi email – vẫn không hề có một câu trả lời.
Hai ông bà đã quyết định chuyển nhà, đến một nơi xa nhà con trai của họ, để hi vọng có thể nguôi ngoai đi nỗi buồn đau và mất mát quá lớn.
Đến giờ, họ vẫn đều đặn gửi thiệp sinh nhật, thiệp Giáng sinh cho bọn trẻ. Bà Gloria cho biết bà mới mua một cái bàn cờ bằng gỗ, có khắc tên cháu ở đằng trước. Bà còn viết nhật ký cho cháu.
Bà nói: ‘Tôi muốn bọn trẻ biết chúng tôi là ai... Trên hết, tôi muốn chúng hiểu rằng ông bà nội yêu chúng biết nhường nào, không ngày nào trôi qua mà ông bà không nhớ cháu...’
Con trẻ thành vũ khí để nàng dâu trả thù nhà chồng
Sau khi ly dị, nhiều nàng dâu đã coi những đứa trẻ như vũ khí để trả thù nhà chồng.
Bà Jane Jackson, người sáng lập tổ chức ‘Hỗ trợ những người lên chức ông bà’ chính là trường hợp tiêu biểu.
Bà có một đứa cháu nội đáng yêu đã 18 tuổi, và lần cuối cùng bà gặp cháu là 11 năm trước. Nguyên nhân là do sự đổ vỡ trong hôn nhân của con trai bà.
Khi mối quan hệ hôn nhân không còn, nàng dâu thường muốn cắt đứt quan hệ với gia đình nhà chồng cũ. Nhiều người thậm chí yêu cầu ông bà nội phải được con trai (tức là chồng cũ của họ) đứng ra bảo lãnh thì mới được gặp cháu.
Bà Mary, sống tại Lancashire nói rằng bà muốn gặp cháu, nhưng con - dâu – cũ luôn viện các lý do rằng cháu đang đi đá bóng hoặc đi bơi để bà không thể gặp được.
Bà còn cố gắng liên lạc qua Facebook với đứa cháu đã 10 năm không được gặp, nhưng bà nhận được hồi đáp, chắc chắn không phải từ cậu bé, nói rằng: ‘Cháu không muốn gặp bà’.
Cố gắng gửi thư cho cháu qua trường học, bà lại càng đau lòng hơn. Thầy hiệu trưởng, với thái độ xin lỗi chân thành, trả lời bà rằng con - dâu – cũ của bà yêu cầu ông không được đưa bức thư của bà nội cho cháu trai.
Bà Mary cuối cùng đành tự an ủi mình rằng đứa cháu sẽ tự tìm đến ông bà khi nào nó thực sự trưởng thành. Nhưng, thời gian cứ trôi đi, với những người già, chờ đợi là một điều thật kinh khủng.
Bà Florence, một người bà của đứa cháu gái 3 tuổi, đã kể về trường hợp của mình:
‘Tôi đã trót nói không tốt về sếp của con dâu tôi, mối quan hệ của chúng tôi trở nên tồi tệ từ đó. Con dâu tôi không cho tôi nói chuyện hay gặp đứa cháu gái của tôi nữa.
Tôi đã sai, nhưng cách ứng xử của con dâu tôi như vậy có quá khắc nghiệt hay không?’
Bà Jane Jackson nói rằng, khi những cô con dâu ‘khiêu chiến’ thì những người tổn thương nặng nề là bố mẹ chồng. Nhưng ngay cả những đứa trẻ cũng bị thiệt thòi.
‘Có rất nhiều sự chăm sóc và yêu thương, hỗ trợ từ những người ông, người bà mà bọn trẻ xứng đáng được hưởng. Bọn trẻ có quyền được có những mỗi quan hệ như vậy’ – bà Jane Jackson nói.
Xét cho cùng, trong cuộc xung đột gia đình cay đắng này, nạn nhân của cuộc chiến chính là những đứa trẻ.