'Có bạn làm trong xét nghiệm bệnh phẩm về vi rút dại, chỉ vô ý bắn dịch bệnh phẩm đó vào mắt… hơn 10 ngày sau lên cơn dại… Không ít trường hợp đi tiêm vắc xin dại cho chó, đi bắt chó chạy rông bị chó dại cắn rồi lên cơn dại…'
Liên quan đến vụ một nữ bác sĩ thú y mới 24 tuổi đã bị tử vong do chó dại cắn tại một phòng khám thú y tư nhân, theo PGS.TS Đinh Kim Xuyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh dại, đây không phải là trường hợp đầu tiên, mà đã từng có hàng chục bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ thú y, y tế, chế biến thực phẩm,…đã chết vì bệnh dại trong nhiều năm qua.
"Có bạn làm trong xét nghiệm bệnh phẩm về vi rút dại, chỉ vô ý bắn dịch bệnh phẩm đó vào mắt… hơn 10 ngày sau lên cơn dại…Không ít trường hợp đi tiêm vắc xin dại cho chó, đi bắt chó chạy rông bị chó dại cắn rồi lên cơn dại… Đặc biệt, những người thường xuyên làm thịt chó, chế biến thực phẩm từ chó đã bị nhiễm vi rút dại từ đờm dãi của chó… và thế rồi bị bệnh dại"- PGS Kim Xuyến cho hay.
PGS Kim Xuyến kể: "Tôi nhớ đã từng có một chú lính trẻ tử vong vì bệnh dại cũng chỉ vì nghịch ngợm và ham vui. Đơn vị đó có tường bao quanh khá vững chắc, mấy chú lính trẻ vừa là nghịch ngợm, vừa là cũng thích ăn thịt chó nên khoét một lỗ chỉ vừa đủ cho chó chui vào kèm theo chút mồi hấp dẫn để dụ những chú chó mắc câu.
Nhờ chiêu trò này mà các chú chó sập bẫy nhiều hơn và các bữa cải thiện với thịt chó cũng tăng lên. Nhưng, đến một ngày nọ, một chú lính có những biểu hiện rất khác thường từ ánh mắt, hành động sợ gió, sợ nước, sợ tiếng động,.. và được đưa đến bệnh viện thăm khám.
Kết quả chẩn đoán của các bác sĩ cho thấy, chú lính trẻ này bị bệnh dại và 2 ngày sau bạn ấy ra đi vĩnh viễn… Những người còn lại đã từng bắt, làm và ăn thịt các con chó đó thì luôn trong trạng thái lo lắng…"
"Đã gần 30 năm gắn bó cùng các bạn làm công tác phòng chống các bệnh truyền từ súc vật sang người như bệnh dại, bệnh than, bệnh cúm H5N1… tôi nhận thấy rằng, việc phòng bệnh cho những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn truyền bệnh chưa được chú ý đúng mức"- vị chuyên gia đầu ngành về phòng chống bệnh dại nhấn mạnh.
Cụ thể như không thực hiện tiêm vắc xin phòng dại theo phác đồ dự phòng 3 mũi cơ bản vào năm đầu và hàng năm tiêm nhắc lại một mũi như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới( OIE) đã khuyến cáo; Không có đầy đủ trang bị phòng hộ lao động cần thiết cho những người tiếp xúc với nguồn truyền bệnh; Không thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về bệnh, về kỹ thuật, về kỹ năng thực hành… trong quá trình thực hiện các công việc có liên quan đến nguồn truyền bệnh.
PGS Đinh Kim Xuyến khẳng định, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp cơ bản sau:
1. Hạn chế nuôi chó, mèo. Khi nuôi chó, mèo phải tiêm vắc xin phòng dại theo đúng quy định của thú y. Không thả rông chó để hạn chế chó cắn người và lây truyền bệnh.
2. Người bị chó, mèo cắn hoặc tiếp xúc với con vật nghi dại cần rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối, các chất sát khuẩn; Đến các cơ sở y tế Dự phòng để được khám, tư vấn và điều trị dự phòng theo phác đồ hợp lý và sớm nhất. Không chữa bằng thuốc nam.
3. Những người làm công tác thú y, y tế, các phòng xét nghiêm, giết mổ súc vật… liên quan đến nguồn truyền bệnh dại cần phải thực hiện tiêm vắc xin phòng dại theo phác đồ dự phòng: 3 mũi cơ bản vào ngày 0, ngày 7, ngày 21 hoặc 28; Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm 1 mũi như vậy sẽ có miễn dịch ngăn ngừa được bệnh dại khi bị nhiễm với vi rút dại.
4. Những con vật bị dại, nghi dại phải chôn sâu, dùng các chất như vôi để sát khuẩn, xử lý nơi con vật sinh sống. Tuyệt đối không giết mổ hoặc bán, di chuyển đi nơi khác để hạn chế việc lây lan dịch dại.
5. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức cơ bản về bệnh dại và biện pháp phòng ngừa để mỗi người trong cộng đồng biết thực hiện cho bản thân và những người xung quanh!
6. Có chế tài xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện quy định của thú y và y tế để gây thương tích và tính mạng cho người khác.