Đạo Phật có một triết lý sâu sắc là “sắc sắc không không”. Vậy sắc sắc không không có nghĩa là gì? Nó có ý nghĩa thế nào?
Ý nghĩa của “sắc sắc không không"
Triết lý “sắc sắc không không” xuất phát từ kinh Bát-nhã.
Sắc sắc: nghĩa là có có, không không là “không có, không có”.
Chữ Sắc ở đây là chỉ cho Sắc uẩn. Dưới con mắt đức Phật, thân này do năm uẩn kết hợp thành. Sắc uẩn là phần vật chất; thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là phần tinh thần. Chẳng riêng gì sắc uẩn tức là không, mà thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế.
Bởi vì bản chất mọi uẩn không tự có, do duyên hòa hợp thành. Đã do nhân duyên hòa hợp thì làm sao cố định được.
Trước khi nhân duyên hòa hợp nó không có, sau khi nhân duyên ly tán, nó cũng không, chính khi duyên đang hợp phân tích ra cũng không có thực thể của nó.
Sắc uẩn không cố định nên nói “sắc tức là không”; không, khi đủ duyên hợp thành sắc nên nói “không tức là sắc”, sắc chẳng ngoài tính chất không cố định, không cố định chẳng ngoài sắc, nên nói “sắc tức là không, không tức là sắc”!
Thấu triệt lý các pháp tùy duyên biến chuyển, không đứng yên, không tự thành, là thông suốt câu “sắc tức là không, không tức là sắc”.
Ví như nắm tay, trước khi co năm ngón lại, không có nắm tay, sau khi buông năm ngón ra không có nắm tay, đang khi co năm ngón lại nếu phân tích từng ngón cũng không có nắm tay. Thế thì, nắm tay chỉ là cái tên tạm gọi khi co năm ngón lại, chớ không có thực thể cố định của nắm tay.
Nói một cách dân dã, ý nghĩa của từ này là “có có không không” để diễn tả sự ‘không’ và ‘có’, một quan niệm tương đối. Có mà không, không mà có, khó lường lắm thay.
Trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, không ai là có tất cả cũng như không ai là không có gì cả. Cái sự có không chỉ là tương đối. Nhiều khi không có gì tức là có tất cả, và có tất cả lại là không có gì cả. Chỉ là quan niệm suy nghĩ của mỗi người trước cuộc sống mới biết mình có hay không?
Tất cả cũng do nhân duyên tạm bợ nương gá nhau mà thành. Hết duyên thì tan rã rồi trở về với cát bụi hư vô. Không có gì là tự thân riêng biệt của chính nó cả.
Vậy, nếu hiểu được từ cái không mà do nhân duyên nương gá nhau để hợp lại thành cái có (ví dụ như là thân này, nhà cửa, xe cộ, sông núi) khi hết duyên mọi thứ tan rã, và từ cái có lại trở về với không, mỗi giây phút chúng ta đang sống thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang dần dần chết.. thì đã hiểu được ý nghĩa sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc là không, không là sắc.
Các giảng sư Phật triết, thường dùng hình ảnh biển và sóng để giải thích Sắc và Không. Sắc là hàng nghìn lượn sóng trên mặt biển. Những lượn sóng này nổi lên một chút rồi biến mất, để các sóng khác nổi lên và biến mất. Rất phù du. Tưởng là có mà là không.
Nhưng cái nền bên dưới sóng là biển (hay là nước) thì luôn có đó, dù sóng có biến hiện thế nào.
Đối với những người cố gắng sống tử tế, thì đây là chân lý sống, dù bạn thuộc tôn giáo nào, hay trường phái tâm linh nào, hoặc là không tôn giáo nào, kể cả vô thần.