Bởi yêu vợ, muốn vợ được sướng nên tôi nhất quyết đòi… giữ quỹ trong nhà.
Xưa nay, tâm lý nhiều chị em rằng nếu lấy chồng thì họ phải quản lý chuyện tiền nong, chồng đi làm về đưa tiền vợ thì mới là chồng ngoan.
Tâm lý ấy có thể đúng, nhưng không đủ, nhất là khi cuộc sống ngày càng hiện tại và tư duy cũng như tâm lý ngày càng có nhiều thay đổi. Vì thế, bởi yêu vợ, muốn vợ được sướng nên tôi nhất quyết đòi… giữ quỹ trong nhà.
Ngay từ khi còn yêu nhau và cho đến khi chính thức về nấu cơm chung một nhà, tôi đã xác định tư tưởng cho vợ rằng, chuyện tiền nong tài chính trong nhà, vợ tôi sẽ không phải là người quyết định. Ban đầu, cô ấy cũng tỏ vẻ không đồng ý lắm dù không phản ứng gay gắt về chuyện này.
Vợ chồng tôi kém nhau 8 tuổi, cái duy nhất tôi hơn cô ấy là tuổi đời và những va vấp từng trải của mình. Còn về chuyện thu nhập, đúng là thu nhập của tôi nhiều hơn hẳn cô ấy đến 2- 3 lần, nhưng lại không được ổn định như vợ.
Cưới nhau khi đều đang trên con đường đi tìm tương lai, nên thành ra cả vợ cả chồng nhà chúng tôi đều gần như chưa ổn định chuyện nhà cửa, xe cộ và những thứ gọi là vốn liếng thì cũng không có gì là chắc chắn.
Vợ tôi là một cô gái có học vấn, nhưng kinh nghiệm cuộc sống thì chưa có nhiều, và chuyện để bắt đầu trở thành một người vợ với bao nỗi lo toan cuộc sống càng là một thử thách không nhỏ.
Khi còn con gái, vợ tôi cũng giống nhiều cô nàng khác, vừa ra trường, không bị nặng nền chuyện cơm áo gạo tiền lo cho gia đình, nên gần như cô ấy chỉ cần lo đủ cho cuộc sống của bản thân. Vì thế, chuyện chi tiêu với cô ấy cũng không cần quá khắt khe, cô ấy có thể bỏ ra cả vài triệu đồng chỉ để mua một bộ váy, hoặc sẵn sàng chi hai tháng lương chỉ để đi du lịch cùng bạn bè. Tất nhiên, chuyện ấy là bình thường với một cô nàng độc thân và tự do về tài chính.
Thế nhưng, nếu để lo toan vun vén cho một cuộc sống gia đình hôm nay và tương lai thì rất có thể đó sẽ làm một thử thách dễ thất bại với cô ấy. Vì cô ấy thực sự chưa thể lường trước được rằng trong cuộc sống của gia đình có nhiều khoản quỹ phải phân chia đến thế. Nào là quỹ nội trợ, nào là quỹ sinh hoạt thường ngày, nào là quỹ quan hệ gia đình nội ngoại, bè bạn, xã giao công việc. Rồi thì quỹ mua nhà, quỹ sắm xe; quỹ để bảo hiểm, hoặc các khoản quỹ dành để… trả nợ.
Khi cưới vợ, tôi vừa trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trong chuyện kinh doanh, vì thế quả thực bị phát sinh thêm một món nợ không nhỏ. Cộng với chuyện dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng thời điểm ấy, thành ra tôi biết sẽ phải đối mặt với sự khắc nghiệt vô cùng lớn nếu không thể quản lý và cân đối được chuyện tiền nong trong nhà. Thành ra, tôi càng quyết tâm chuyện sẽ là người quản lý tài chính gia đình.
Sau khi nghĩ kĩ mọi thứ, tôi và vợ ngồi nói chuyện với nhau rất nghiêm túc về chuyện này. Cuối cùng vợ chồng tôi đã thống nhất như sau:
Về phía vợ tôi: Lương được khoảng 7 triệu/tháng thì sẽ dành để lo chuyện cơm nước của 2 vợ chồng. Kỳ thực chúng tôi thường chỉ ăn ở nhà bữa tối và cả ngày chủ nhật, còn buổi trưa trong tuần thì chúng tôi đều chủ động ăn ở nơi làm việc.
Tôi bảo với vợ: Với khoản 7 triệu ấy, vợ tôi có thể thoải mái chi tiêu cho chuyện nội trợ, nếu khéo tính toán thì hoàn toàn có khoản tiền dư, số dư ấy vợ tôi có thể để mua linh tinh trên Shopee những gì cô ấy cần và mấy thứ cần dùng cho vệ sinh cá nhân, còn không thì để mua mỹ phẩm hoặc cất riêng đi một khoản, lâu lâu đi café hay ăn uống với bạn bè mà không cần hỏi tiền chồng.
Về phía tôi: Tôi nhận lo tất cả các khoản chi khác trong nhà, cho dù đó là tiền sửa đường ống nước, tiền điện hay tiền vệ sinh nộp cho khu phố. Ngoài ra, tất cả các khoản đầu tư lớn nhỏ khác trong gia đình, từ mua bếp, mua tủ hay các khoản lớn như chuyện mua nhà, mua xe, quan hệ cuộc sống của hai vợ chồng, nội ngoại hay bè bạn, cưới hỏi may ma chay… mọi thứ tôi sẽ có trách nhiệm lo toan. Kể cả món nợ trong nhà, chuyện trả lãi hay đến hạn trả gốc, tôi cũng sẽ chủ động tính toán và có trách nhiệm.
Ban đầu, vợ tôi “bằng mặt nhưng không bằng lòng” vì chả có cô vợ nào thích thú khi không bao giờ biết trong túi chồng có bao nhiêu tiền, lương chồng được bao nhiêu thì “chỉ nghe nói” chứ không được giữ.
Nhưng rồi, dần dần cứ thế, ngót 2 năm cưới nhau về, giờ thì cô ấy tỏ ra thích thú hẳn chuyện chồng quản lý tài chính trong nhà. Vì sự thật là cô ấy nhàn hơn hẳn, không còn quá phải đau đầu để tính toán chuyện tiền nong.
Còn về phía tôi, quả thực có những lúc cảm thấy mệt mỏi, bị áp lực khi liên tục các khủng hoảng tài chính xảy ra vì có quá nhiều việc cần đến tiền. Nhưng rồi vì đã xác định tư tưởng ngay từ đầu, và có thể chủ động điều khiển được các “nguồn quỹ trong nhà” để bù đắp cho nhau nên thành ra mọi chuyện rồi vẫn cứ ổn.
Cưới nhau được gần 2 năm, vợ chồng tôi thi thoảng cũng có tranh luận, xung đột nhưng tuyệt nhiên từ ngày cưới đến nay chưa bao giờ phải cãi nhau chỉ vì chuyện tiền bạc.
Thực ra, là những người của cuộc sống hiện đại thì chúng ta nên có những tư duy mới, tiến bộ và không quá lệ thuộc vào những lối mòn mang tính “từ xưa đến giờ là vậy”.
Chuyện tiền bạc trong gia đình cũng thế, cũng đừng quá quan trọng phải là vợ giữ hay chồng giữ như một quyền lực trong nhà, mà hãy tìm được một phương án phù hợp nhất với cuộc sống của chính các bạn.
Chuyện ai là người giữ tiền trong nhà, hãy quan trọng đến vấn đề ai là người có khả năng tốt nhất trong việc tính toán, phân bổ tiền bạc và tự điều tiết được bản thân trong cách tiêu tiền. Một người vợ mà tính không nghĩ trước nghĩ sau, không có kế hoạch cho mọi vấn đề trong nhà thì có giữ tiền thì cũng rất dễ bị thủng. Một người chồng mà có tính tiêu tiền như nước, ham ăn ham nhậu ham chơi thì có giữ tiền cũng như việc để “mỡ trước miệng mèo”, sớm muộn thì cũng xảy ra cảnh trong nhà không còn một cắc.
Chính vì thế, phụ nữ nếu muốn sướng, khi chọn một người để lấy làm chồng, hãy chọn cho mình một người mà bạn tin rằng sau này anh ấy giữ quỹ được. Bởi người chồng ấy thường là người luôn có kế hoạch cho mọi vấn đề của cuộc sống, họ bình tĩnh và sáng suốt được trong các cơn khủng hoảng tài chính gia đình.
Quan trọng hơn nữa, thường những người biết “giữ tiền” sẽ là người “làm ra tiền”, vì vậy hãy chọn cho mình một người đàn ông có thể làm ra tiền và họ sẽ chủ động gánh vác được gánh nặng của cuộc sống gia đình.
Bạn thử hình dung mà xem, khi chuyện tiền nong không còn quá là một gánh nặng của bạn, khi mà mọi chuyện trong gia đình, con cái, nội ngoại, mua bán… trong nhà bạn chỉ có việc duy nhất là suy nghĩ và cùng bàn bạc, còn tiền đâu để mua, làm thế nào để tiết kiệm tiền, phân chia khoản tiền như nào cho không bị hao hụt… thì lại là trách nhiệm của người chồng, có phải lúc đó bạn là người phụ nữ sướng nhất hay không?
Thay vì là một người được tự hào rằng cứ cuối tháng là chồng mang tiền về nộp lương nhưng bạn sẽ phải giữ chặt cái hầu bao ấy sao cho khỏi thâm hụt một cách khéo léo, thì các bạn vợ nên chọn cho mình cơ hội để có thể có được người đàn ông kiểu như: “Em chỉ cần yêu anh, còn thế giới cứ để anh lo!”
Người dự thi: Xuân Thời (34 tuổi, ở Hà Nội)
Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY