“Trẻ con cũng nên biết nấu ăn. Nấu ăn sẽ khiến cuộc sống thay đổi và khác rất nhiều”.
Đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng được các tín đồ ẩm thực và những người yêu bếp biết đến và là tác giả của những cuốn sách nấu ăn được nhiều người yêu thích như "Trái tim của chef", "Đầu bếp chuyên nghiệp" và mới đây nhất là "Cỗ nhà nông".
Chef Nguyễn Mạnh Hùng cũng chính là nhân vật mới nhất tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018.
Từng là một đầu bếp chuyên nghiệp, anh Nguyễn Mạnh Hùng quyết định từ bỏ công việc của mình, về nhà chăm sóc con cái, chia sẻ công việc nhà với vợ.
Sau 15 năm làm đầu bếp chuyên nghiệp tại các khách sạn, anh quyết định trở về làm chủ căn bếp của gia đình mình. Anh không quên cảm ơn khoảng thời gian mình bươn bả ngoài kia, giúp anh nhận ra gia đình quan trọng với mình như thế nào.
Anh quan điểm, dù thế nào đi nữa thì đàn ông luôn phải là người gánh vác trong nhà, vì bản năng và quy luật tự nhiên là như vậy. Còn phụ nữ sẽ hướng đến những việc như quan tâm, vun vén, chăm sóc tổ ấm. Các con là nguồn cảm hứng và động lực của bố mẹ. Ai cũng quan trọng và ý nghĩa riêng đối với hạnh phúc chung của gia đình.
Lựa chọn lớn lên cùng các con
Thời điểm anh Hùng lựa chọn quay lại căn bếp gia đình là khi bạn lớn khoảng gần 6 tuổi, bạn nhỏ hơn 1 tuổi. Đó cũng là khoảng thời gian vất vả nhất của việc chăm sóc con cái.
Anh cho rằng, khoảng thời gian trẻ thơ của các con trôi qua rất nhanh và đó cũng là khoảng thời gian giá trị nhất. Vì vậy, anh muốn dành thời gian ở bên con càng nhiều càng tốt, muốn lớn lên cùng con.
Mọi người hay nói cuối tuần, cuối tháng cả gia đình sẽ đi chơi bù cho những ngày trong tuần bận rộn. Nhưng với anh, cuộc sống tiếp diễn mỗi ngày, nếu mình bỏ lỡ giây phút nào thì mình sẽ không lấy lại được nữa.
Điều này lại càng củng cố suy nghĩ nghỉ công việc đầu bếp ở khách sạn 5 sao để có thời gian dành cho gia đình, đặc biệt là được nhìn các con lớn lên mỗi ngày.
“Bố mẹ luôn biết cách chăm sóc con mình tốt nhất và trẻ con ảnh hưởng rất nhiều bởi vị bố mẹ nấu”, anh nhận định.
Các con của anh hay reo lên “Con thích ăn món bố nấu nhất!” hay “Bố nấu ăn ngon nhất!” mỗi lần tấm tắc trước món ăn anh chế biến. Anh so sánh, nấu ở nhà hàng cao cấp rất căng thẳng vì phải đảm bảo phong độ và sự ổn định của chất lượng món ăn, còn nấu cho các con thì rất thư giãn. Chính vì hiểu khẩu vị của các con nên anh mới có được sự thoải mái khi chế biến.
Các con học được nhiều điều từ công việc nấu nướng
Mỗi ngày, hai đứa nhỏ của anh Hùng đều được bố chào đón mỗi sáng bằng bữa ăn thơm nức mũi. Bố đưa đón đi học. Bố con cùng nhau đi chợ. Về nhà, trong lúc các con ăn bữa phụ thì anh nấu bữa tối. Rồi ba bố con cùng nhau đợi người phụ nữ duy nhất của gia đình về nhà.
Mỗi lúc ở nhà, mỗi người một việc, khi anh nấu cơm thì hai con sẽ tự chơi, giúp anh nấu, còn vợ anh làm việc của vợ.
Từ bản thân mình, anh nghiệm ra, “Trẻ con cũng nên biết nấu ăn. Nấu ăn sẽ khiến cuộc sống thay đổi và khác rất nhiều”.
Hai bạn nhỏ của anh lớn lên theo từng món ăn anh nấu mỗi ngày. Anh chủ động để các con biết được phần việc đó mỗi khi có cơ hội. Để chúng hiểu được để chế biến được một món ăn ngon, một bữa ăn hợp khẩu vị thì cần những gì.
“Trẻ con nhạy cảm hơn chúng ta tưởng nhiều. Chúng học hỏi rất nhanh. Nếu bạn đặt chúng trong một cái hộp hay một căn phòng với 4 bức tường trắng, chúng không học hỏi được gì cả. Nhưng chỉ cần vào bếp, chúng học bằng cách cảm nhận từ tất cả các giác quan. Vì vậy, khứu giác, bị giác, thị giác… của chúng phát triển nhanh”, anh Hùng thổ lộ.
Ngoài ra, anh bảo, việc tổ chức khoa học trong căn bếp cũng là thứ các con có thể học được. Căn bếp gia đình anh phải luôn được giữ sạch, đặc biệt là thùng rác. Anh dạy các con rằng, chúng ta phải giữ thùng rác là thứ sạch nhất, bởi thứ bẩn nhất mà mình còn giữ sạch được thì không có gì chúng ta không giữ sạch được.
Những bài học anh dạy con đến từ những điều bình dị trong không gia sống. Ví dụ, anh dẫn các con ra khu vực đổ rác của khu nhà, “Các con nhìn xem, chỗ đổ rác mà người ta còn giữ sạch được nữa là nhà mình”.
Anh đưa các con đi chợ cùng để chúng quan sát, lắng nghe, thưởng thức món ăn đường phố… giúp chúng cảm nhận được một phần cuộc đời thực ngoài kia.
Anh thường nói chuyện để con hiểu, có những công việc của chung cả gia đình, thì mọi người phải chia sẻ với nhau, ví dụ cùng nhau nấu ăn, thì sẽ cùng nhau đổ rác, nếu rác nặng thì con có thể chia nhỏ ra để đi đổ. Ở nhà có duy nhất mẹ là phụ nữ nên nhưng việc nặng ba bố con thường chia nhau làm hết.
"Nếu thời điểm này quay lại công việc của một đầu bếp chuyên nghiệp thì tôi cũng thấy yên tâm hơn so với trước đây. Các con đã có một nền tảng nhất định để tự phát triển lên được", anh chia sẻ.
Giờ đây, trong gian bếp nhỏ xinh của mình, anh chẳng bao giờ nguôi sự hứng khởi và niềm sáng tạo. Phần lớn những ý tưởng anh lấy cảm hứng từ chính cuộc sống gia đình và hai đứa con.
Âm nhạc vẫn vang lên mỗi lần anh đứng bếp. Một không gian chất ngất tình yêu thương mà ở đó, từng cử chỉ, dáng vẻ chuyên tâm của anh đều được lưu giữ cẩn thận bởi người vợ và hai đứa con.
Nguyễn Ngọc Linh