Trong trang phục dân tộc, nụ cười xinh xắn, chất giọng truyền cảm, Vương Anh khiến người ta quên đi hình ảnh “Ái nữ của CEO thành đạt”. Thay vào đó là một cô gái Việt đang nỗ lực để đem ẩm thực, du lịch, văn hóa Việt Nam đến thế giới.
“Tôi tự tin rằng tôi có đủ đam mê với ẩm thực Việt Nam và đủ niềm đam mê khám phá để đi đến hết mọi miền của tổ quốc. Tôi cũng rất tự tin về vẻ đẹp muôn màu của Việt Nam chúng ta. Cả êkip sẽ cố gắng hết sức để truyền tải những vẻ đẹp đấy đến thế giới”.
Vương Anh thổ lộ, nếu chỉ theo học lý thuyết ẩm thực thì rất tẻ nhạt, cô muốn đi thật nhiều nơi, học hỏi từ chính những nơi mình đến.
Sinh ra ở miền Tây, nhưng Vương Anh lại chọn Tây Bắc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình của mình. Trong chuyến đi 12 ngày với 10 tập phim được thực hiện, Vương Anh và êkip đã đến Hòa Bình, Mai Châu, Mộc Châu, Lai Châu.
Trong chuyến nghỉ hè vừa rồi, Vương Anh đi Miền Tây 5 ngày và thực hiện 4 tập phim về ẩm thực.
Cuối tháng 9, Vương Anh kết thúc chuyến hành trình 2 tuần đi cung đường Đông bắc Việt Nam. Từ Bắc Kạn, cả đoàn ngược lên Cao Bằng đến thác Bản Giốc, leo đỉnh đèo Mã Pí Lèng rồi sang cao nguyên đá Đồng Văn, rồi lên cột cờ Lũng Cú, đến Quản Bạ - Yên Minh, qua Hoàng Su Phì đến bản Phùng và kết thúc ở Tuyên Quang. Lần này, 10 tập phim giới thiệu về cảnh đẹp và ẩm thực của những vùng đất này sẽ được ra mắt công chúng.
Phong thái tự tin và biểu cảm của Vương Anh níu người xem ở lại đến tận giây cuối cùng của mỗi tập. Cô bảo, thật ra trong suốt chuyến đi cô đều rất run, vì lần đầu tiên một mình đứng trước ống kính. Hơn nữa, phải nói tiếng Anh nên cô rất áp lực trước việc nói sai ngữ pháp, sai từ thì bị mọi người chê cười.
Trong suốt chuyến đi, không có một kịch bản nào rõ ràng. Những điều cô nói đều được nghĩ ra vào thời điểm đó, nói sai thì nói lại. Khi dừng chân tại bất cứ vùng miền nào, cô đều tìm hiểu thông tin, tập tục, những nét đặc trưng nhất của vùng miền qua internet, viết ra tiếng Anh và cố nhớ những ý chính phải nói.
Nói về sự liều lĩnh, Vương Anh nhắc đến người mẹ của mình. Nhưng không vì thế mà mẹ đặt áp lực lên cô. Mẹ để cô tự học hỏi và trải nghiệm, chỉ nói cô cứ là bản thân mình là được.
“Tuổi đời còn quá trẻ và chưa có đủ kinh nghiệm sống để có thể thực hiện những chuyến hành trình này một cách hoàn hảo. Nhưng vì mẹ tôi đã liều lĩnh đặt niềm tin vào tôi, nên tôi cũng phải liều một phen, cố gắng hết sức để có thể truyền tải ẩm thực Việt Nam đến người xem trong và ngoài nước”.
Mấy năm trước, khi được mẹ gợi ý làm một kênh riêng trên Youtube, Vương Anh nói: “Con chưa thấy tự tin”. Nhận được sự động viên của mẹ: “Con hãy thử đi, không khó đâu, hãy xem như là một sự trải nghiệm. Mẹ tin con làm được”. Rồi năm sau đó, cô bày tỏ: "Giờ con đã sẵn sàng!”
Rong ruổi suốt chuyến đi, Vương Anh thấy được cuộc sống khổ cực của bà con dân tộc thiểu số của các vùng núi. Cô học được rằng bản thân phải trân trọng những gì mình đang có.
Ngoài ra, cô học được sự phong phú của ẩm thực Việt Nam. Cô yêu tất cả những vùng đất mà mình đặt chân đến, cảm giác rất hạnh phúc khi được khám phá quê hương mình và tìm hiểu về điều mình đam mê cứ len lỏi trong từng tế bào.
“Tôi thấy Việt Nam mình đẹp đến nao lòng!”
Từ một cô bé nhút nhát trước đám đông, Vương Anh đã mạnh dạn đứng trước ống kính, nói năng mạch lạc và tự có những ý tưởng của riêng mình.
Khi thực hiện xong 10 số Tây Bắc đầu tiên, Vương Anh bắt tay cùng người thiết kế đưa ra một logo cá nhân và tên cho kênh youtube của mình. Cái tên Vuong Anh’s cooking journey tình cờ xuất hiện lúc cô xem chương trình khám phá của đài Discovery, cô thầm ước mình cũng có những chuyến khám phá ẩm thực như thế.
Thời điểm này, Vương Anh chưa có một đích đến cụ thể nào cho Vuong Anh’s cooking journey. Cô còn có ý định sẽ sử dụng những nguyên liệu của địa phương để sáng tác ra những món ăn của mình.
Trước mắt, Vương Anh muốn đi khám phá hết tất cả những vùng miền của Việt Nam và học cách nấu tất cả những món của Việt Nam mình và dự định đến cuối năm sẽ được thực hiện là 32 tập.
Khi chọn ngành thiết kế nội thất ở Mỹ, Vương Anh được mẹ phân tích, nếu muốn làm giàu, đây không phải là nghề có thể kiếm nhiều tiền. Học ngành này con sẽ cô đơn vì suốt ngày tìm ý tưởng và một mình với bản vẽ.
Cô nói: “Con muốn tự tay con xây dựng sự nghiệp của riêng con, con không muốn nhờ tới mẹ, vả lại đây là mơ ước của con từ nhỏ”.
Hai năm sau quay về, Vương Anh nói: “Con sai rồi, giờ con muốn học ngành khác, muốn học bếp vì con mê nấu ăn vậy có muộn không mẹ?”
Vương Anh bước vào trường Đại học Le Cordon Bleu (Tại Sydney, Úc) trong tâm thế đi du học để học cách vận hành gian bếp một cách chuyên nghiệp, học làm đầu bếp theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi trở về, cô muốn tất cả nhà hàng của gia đình được huấn luyện và vận hành một cách chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế.
Song song với điều đó, Vương Anh không quên học học thêm rất nhiều từ mẹ về ẩm thực Việt Nam - niềm đam mê của cô.
Vương Anh và mẹ của mình cùng đi con đường đam mê với ẩm thực nhưng cô giữ vững niềm tin độc lập, chỉ song hành với mẹ chứ không hề muốn dựa dẫm vào mẹ.
Vương Anh của những tháng ngày học để trở thành một đầu bếp giỏi ở Úc là một tuần đi học 3 buổi. 8 tiếng đứng bếp căng thẳng mỗi buổi, cô trở về nhà, nghỉ ngơi, nấu ăn, thư giãn.
Những ngày nghỉ còn lại, cô đi tập để rèn luyện bản thân, làm bài tập, tập làm những món mới, tự quay những video dạy nấu ăn của mình, chỉnh sửa video, đọc thêm và xem thêm những chương trình về ẩm thực để trau dồi thêm kiến thức. Hoạt động nào của cô cũng có bóng dáng ẩm thực trong đó.
Khi cùng mẹ rời quê hương Tiền Giang tới Sài Gòn, học tại trường Nam Sài Gòn, mẹ Vương Anh là người duy nhất đưa con đến trường bằng xe máy, còn lại toàn xe hơi. Tuy vậy, cô không bao giờ nhìn vào điều đó mà tủi thân hay so sánh cuộc sống của mình với bạn bè. Bởi lúc nào cô cũng vui vì hai mẹ con luôn có nhau.
Trong ký ức tuổi thơ quen với việc thiếu vắng hình bóng cha của mình, Vương Anh được ủ ấm bởi bàn tay dịu dàng và yêu thương từ mẹ - người luôn cố gắng để cô không phải chịu thiệt thòi.
Rồi cậu em trai xuất hiện, Vương Anh lạ lẫm bắt đầu cuộc sống có chị có em. Cô tập làm quen với vai trò “chị hai” một cách tự nhiên. Cuộc sống của hai mẹ con cô cũng thú vị hơn từ khi cậu em nhỏ xuất hiện.
Những năm tháng cậu em lớn lớn, đi học ở nước ngoài, Vương Anh không có cơ hội nhìn tận mắt sự lớn lên mỗi ngày của em trai. Cô cứ ngẩn ngơ tiếc mãi điều này. Thế nhưng, bù đắp lại, mỗi kỳ nghỉ, cả nhà đều dành thời gian bên nhau. Để cô thấu rõ “không đâu bằng nhà”.
Cô mỉm cười tự nhiên, có một người em trai rất thông minh, cá tính và sống cũng rất tình cảm là một niềm hạnh phúc nữa của mình. Hai tiếng “chị hai” khi nào cũng khiến cô rạo rực trong lòng.
Tuy không được mẹ chia sẻ những khó khăn trong quãng thời gian gian khó của cuộc đời nhưng cô gái nhạy cảm Vương Anh đã như hiểu được sự vất vả của mẹ từ tấm bé. Lớn thêm một chút, cô lại càng thấm hơn những giông gió cuộc đời mà mẹ mình đã trải qua, cô càng hiểu, yêu thương và trân trọng mẹ hơn. “Tôi biết ơn những cố gắng của mẹ để gia đình có được như ngày hôm nay”.
Có lẽ lúc nào hai mẹ con luôn cùng nhau nên ý niệm sống của mẹ đã ngấm Vương Anh từ lúc nào chẳng hay. Cô có gương mặt phúc hậu, mái tóc đen dài truyền thống và đôi bàn tay gân guốc. Đó là những nét di truyền từ người mẹ của mình.
Nhiều người bảo Vương Anh may mắn vì được là “con của đại gia” Đoàn Thu Thuỷ - Top 3 Masterchef 2014, chủ sở hữu của nhà hàng Bếp Nhà Xứ Quảng và L’Aura de NamKy, giám đốc một công ty xây dựng…, nhưng kỳ thực, cô lại thấy mình may mắn và hạnh phúc khi được làm con của một người có ý trí, độc lập và luôn cho cho cô những lời khuyên đúng lúc và dang rộng vòng tay ôm mỗi lần cô trở về.
Đó là những bài học: "Con đi làm phải dành 10% lương cất lại. Lương 5 triệu thì để 500 ngàn vô ống heo, cuối năm đập ra thêm tiền thưởng mua được 2 chỉ vàng để dành. Liệu cơm gắp mắn, nghèo lo kiểu nghèo, giàu lo kiểu giàu”, “Yêu ai đó là vì cảm xúc nhưng lấy ai đó là phải dùng cả lý trí”, “Không lấy thiếu gia, mấy thằng thiếu gia chỉ biết xài tiền cha mẹ”… mà Vương Anh nằm lòng trong từng quãng sống của cuộc đời mình.
Vương Anh chọn cho mình lối sống giản dị, hết mình với đam mê ẩm thực. Vì khi có đam mê, con người ta tự khắc nỗ lực và sáng tạo. Cô tự hứa với bản thân không để người khác nhìn và nghĩ rằng cô chỉ có thể dựa vào tiền của mẹ để sống cuộc sống sung túc, lại càng không muốn bị gán mác con nhà có điều kiện.
“Tôi cần một cuộc sống vừa vặn và tốt đẹp như mẹ, để mỗi tối có thể ngủ ngon và mỗi sáng thức dậy với thật nhiều tình yêu cuộc đời mà không phải nghĩ ngợi mặc gì cho thật sang, đeo túi gì cho thật chảnh, mang giày gì cho kiêu kỳ, bằng bạn bằng bè”.