“Ngoại tình tư tưởng” liệu có hoàn toàn vô hại như vẻ ngoài của nó? Trị liệu gia đình của Gia đình mới hướng dẫn 5 bước để “giải quyết hậu quả” của ngoại tình tư tưởng
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng những người thường vướng vào cảm giác day dứt vì “ngoại tình tư tưởng” lại thường là những người có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình.
Cuộc hôn nhân nào cũng sẽ có những vướng mắc và bất ổn của riêng, và để gìn giữ hạnh phúc gia đình, họ có thể không nhìn nhận rõ ràng hoặc muốn lảng tránh thực tế đó.
Nhưng đồng thời, họ cũng không chối từ được sức hút của một mối quan hệ “ngoài luồng” - dù chỉ là trong tưởng tượng đi chăng nữa.
Càng có một gia đình đáng mơ ước trong mắt nhiều người, thì cạm bẫy của ngoại tình tư tưởng lại càng nguy hiểm hơn bao giờ hết. Bởi bản thân “người trong cuộc” nhiều khi không hề nhận ra cho đến khi đã lún quá sâu.
Ban đầu, có thể chỉ là một vài tin nhắn hỏi han từ ai đó để cảm thấy một ngày dài bớt nhàm chán, để cảm thấy mình được quan tâm. Cũng có thể là một vài câu chuyện phiếm bông đùa hay những chia sẻ về vướng mắc trong công việc, ưu tư trong cuộc sống. Tất cả tưởng chừng như hoàn toàn vô hại.
Nhưng đến một lúc nào đó, khi sức hút giới tính xen lẫn vào mối quan hệ thì những tương tác “vô hại” kia sẽ dần nhen nhúm để tạo thành rạn nứt trong hôn nhân của bạn.
Bước 1: Nhận biết nguyên nhân của “ngoại tình tư tưởng”
Để giải quyết bất kỳ vấn đề nào, ta cũng cần tìm đến gốc rễ của nó đầu tiên. Chúng ta có thể nhận ra những xao động trong tim khi đối diện với một người khác giới, nhưng chỉ khi nhận thức rõ nguyên nhân của nó, ta mới có thể tìm ra “lối thoát” cho những cảm xúc không mong muốn ấy.
Sau đây là 4 nguyên nhân thường gặp nhất khiến phụ nữ vướng vào “ngoại tình tư tưởng”
1. Thiếu khoảng thời gian thân mật trong gia đình
Trong khi yêu nhau, các cặp đôi thường dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về đối phương, từ việc “người ấy” thích đọc sách gì, đang xem bộ phim nào cho đến việc ngày hôm nay ăn món gì… tất tật những chi tiết bé như con kiến đều liệt vào hàng “đáng chú ý” cả.
Nhưng khi đã trở thành vợ chồng, bạn có thấy sự quan tâm đến những điều nhỏ nhặt ngày càng ít đi?
Vì đã quá quen thuộc nhau nên cảm thấy không còn gì mới lạ, ta thường tự cho là mình đã hiểu hết về người kia nên chẳng còn gì cần tìm hiểu.
Một phần khác là do các cặp đôi sau khi đã trở thành vợ chồng thường tập trung vào “xây dựng gia đình” về khía cạnh vật chất nhiều hơn là tinh thần.
Các “bài toán” về cân đối chi tiêu, “sống chung với mẹ chồng”, nuôi dạy con cái… khiến các cặp vợ chồng ít dành thời gian riêng tư cho nhau hơn trước.
Khi điều đó đã trở thành một thói quen, thì đời sống tình cảm trở nên khô khan và thiếu thốn, dù cho không tồn tại mâu thuẫn nào đáng kể đi chăng nữa.
Trong lúc ấy, nếu có một người nào đó xuất hiện với những lời khen, những câu hỏi quan tâm đúng lúc hay sự “hợp cạ” về quan điểm sống, thì cảm giác “xiêu lòng” nảy sinh cũng là điều dễ hiểu.
2. Những tranh cãi liên tục từ ngày này qua ngày khác
Người bạn đời của bạn thường xuyên cau có chỉ vì món ăn mặn nhạt không hợp khẩu vị, ghen bóng ghen gió khi bạn hay phải đi gặp gỡ các khách hàng nam giới của công ty, khó chịu khi bạn phàn nàn về mấy tật xấu “rõ như ban ngày” của chồng…
Đó có thể chỉ là những tranh cãi vụn vặt tới mức ngớ ngẩn, nhưng nếu tích tụ mà không thể giải quyết, chúng có thể khiến thời gian ở nhà giống như địa ngục.
3. Muốn “đổi gió”
Đâu chỉ có nam giới mới “ham của lạ”! Quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ cần sự an toàn, ổn định là đủ khiến cho các cặp vợ chồng ít chịu khó “làm mới” mối quan hệ, trong khi thực tế mối quan hệ nào cũng cần những “luồng gió mới”.
Khi các tin nhắn giữa vợ chồng còn ngắn gọn hơn cả tin nhắn của tổng đài điện thoại, câu chuyện trong các bữa cơm dần trở nên giống các bản báo cáo định kỳ, thì sự thú vị đến từ mối quan hệ “ngoài luồng” đôi khi cũng được phóng đại hơn mức thực tế rất nhiều.
4. Chồng thì đầy khiếm khuyết, còn “người mới” là cả bầu trời ưu điểm
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận” – sau khi chung sống, ta mới hiểu được cả ưu điểm và những thói hư tật xấu của chồng mình. Trong khi với một người mới quen, “đối tượng” thường chỉ cho bạn thấy những mặt tốt nhất của họ.
Cùng với những khoảnh khắc mơ mộng về một hình bóng nào đó, liệu bạn có bao giờ thử nghĩ rằng “người mới” kia cũng có vô vàn khuyết điểm và rắc rối của riêng mình?
Bước 2: Phân biệt cảm giác thân thiết, hấp dẫn giới tính và tình yêu
“Tình yêu thì ít nhưng thứ giống với tình yêu thì có rất nhiều” – liệu cảm giác của bạn dành cho “đối tượng” có thật sự là tình yêu?
“Ngoại tình tư tưởng” có thể đem đến cho bạn những rung động và được đồng cảm không khác gì với tình yêu, nhưng việc đặt nó lên bàn cân so sánh với cuộc hôn nhân đã trải qua biết bao thăng trầm của bạn là một điều khập khiễng.
Bởi tình yêu thật sự không chỉ có những khoảnh khắc ngọt ngào, mà còn có những xung đột, hiểu lầm và cả những giai đoạn nhàm chán.
Trong khi đó, chàng đồng nghiệp cùng phòng lại luôn hỏi han mỗi khi bạn mệt mỏi vì công việc chồng chất, biết pha trò và cho bạn những lời khuyên trong công việc lẫn cuộc sống… Lúc này, sẽ thật khó để phân biệt đâu là mối tâm giao và đâu là tình yêu đích thực.
Một trong những lý do khiến người ta thường lý tưởng hóa một mối quan hệ “ngoài luồng”, dù chỉ là trong tâm tưởng, đó là vì quan niệm màu hồng về tình yêu.
Gail Saltz - nhà nghiên cứu tâm thần học của bệnh viện New York Presbyterian – chia sẻ quan điểm về “ngoại tình tư tưởng”: “Nó có thể bắt nguồn từ sự kỳ vọng thiếu thực tế rằng “người ấy” không chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu của ta, mà còn là người khiến ta hạnh phúc viên mãn mà chẳng cần cố gắng quá nhiều. Trong một mối quan hệ, sẽ có những lúc chẳng vui vẻ gì. Và điều đó hoàn toàn bình thường mà thôi”.
Chỉ khi đặt mối quan hệ “ngoài luồng” kia về đúng vị trí vốn có của nó mà không tô vẽ thêm bớt điều gì, ta mới có thể bắt đầu tìm ra “thuốc giải” cho nó.
Bước 3: Coi “ngoại tình tư tưởng” là cơ hội để xây đắp chính hôn nhân của mình
Một điều chắc chắn rằng nếu những xao động mới lạ kia khiến bạn phải đau đầu, thì tức là đang có vấn đề nào đó với cuộc hôn nhân của bạn mà có thể bạn không hề hay biết.
Hãy nhìn lại một lần nữa nguyên nhân dẫn đến “ngoại tình tư tưởng”, liệu bạn có cần dành thêm thời gian riêng tư với chồng bằng những buổi xem phim cuối tuần, bữa tối ở một nhà hàng mới, hay những cuộc nói chuyện thẳng thắn để giải quyết vấn đề khúc mắc giữa cả hai?
Trong nhiều trường hợp, chính “ngoại tình tư tưởng” sẽ giúp bạn nhìn nhận được các vấn đề đang tồn tại trong hôn nhân của mình và tìm cách khắc phục chúng.
Bước 4: Loại bỏ thái độ “chống đối ngầm”
Rất có thể giữa bạn và chồng không hề có xung đột gì to tát, nhưng những mâu thuẫn nhỏ ngấm ngầm mà không thể giải tỏa mới dễ khiến hôn nhân rạn nứt lúc nào không biết.
Những hành động “chống đối ngầm”, hay còn gọi là xung hấn thụ động – là khi một trong hai người “bức xúc” gì đó với đối phương nhưng không thể nói ra.
Thay vào đó, họ thể hiện bằng những câu như “Sao cũng được”, “Tùy anh”, “Em muốn làm thế nào thì làm”, hay nhiều khi là sự im lặng đầy bức bối.
Chỉ khi chia sẻ với nhau cả những nỗi thất vọng, các cặp vợ chồng mới có thể trải qua trọn vẹn nhất những khoảnh khắc ngọt ngào và hạnh phúc của hôn nhân.
Bước 5: “Cai nghiện”
So sánh “ngoại tình tư tưởng” với một cơn nghiện đồng nghĩa với việc ta hoàn toàn có thể chấm dứt nó, nhưng điều đó không đến trong ngày một ngày hai.
Việc cắt đứt đột ngột mối quan hệ đang đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ thoải mái rất có thể sẽ phản tác dụng – bạn sẽ càng nhớ nó đến cồn cào và tưởng rằng mình không thể sống thiếu nó.
Từng chút một, hãy tách dần khỏi người đang “gây thương nhớ” cho bạn và lấp đầy thời gian với những sở thích cá nhân hay tụ tập với bạn bè.
Hãy tự khiến cuộc sống riêng của mình đầy màu sắc, khi ấy, bạn sẽ không cần đến một “người đặc biệt” nào để tô điểm cho cuộc đời mình.
“Ngoại tình tư tưởng” thường xảy đến khi ta tập trung vào những gì mình cần hơn những gì mình đang có.
Trên tất cả, có lẽ “lối thoát” tốt nhất chính là học cách trân trọng người đang hiện hữu ngay bên cạnh ta.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trân trọng bản thân mình – vì ta biết rằng mình xứng đáng được tận hưởng một mối quan hệ đủ đầy và trọn vẹn.