Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Phút thật lòng nói về việc... chỉ sinh được con gái

Sức ép từ xã hội và tâm lý của chính những bà mẹ đã khiến câu chuyện trọng nam kinh nữ trở nên trầm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ chính người mẹ

sinh con mot be_1

 Rất nhiều  bà mẹ "bán than" về chuyện không sinh được con trai

Từ câu chuyện ‘cũng được’ trên Facebook

Trên một diễn đàn Facebook của các bà mẹ có con sinh năm 2016, một mẹ đưa ra bàn luận về chủ đề trọng nam khinh nữ.

‘Các mẹ nghĩ sao vấn đề trọng nam khinh nữ ạ? Mình bức xúc lắm vì con em mình làm dâu mà không sinh con trai. Không được gia đình bên chồng tôn trọng... Sinh trai hay gái là do con trai họ chớ không phải do con em mình. Nhà đó từ ông nội rồi ba nó là trai duy nhất ạ’.

Đề tài muôn thuở này ngay lập tức được các mẹ bàn tán sôi nổi. Rất đông các bà mẹ than thở: ‘Khổ lắm, bao giờ đẻ được con trai mới hết khổ’…

Những bà mẹ này kể những câu chuyện rất đau lòng về chuyện: bố mẹ chồng ‘treo thưởng’ nếu đẻ được con trai thì ông bà cho tiền nuôi con đến lúc vào đại học, ‘không may’ đẻ con gái nên bị gia đình nhà chồng thờ ơ, không chăm sóc trong thời gian bầu bì, sinh con.

Những gánh nặng về tâm lý ‘phải sinh được con trai’ cũng đến từ các ông chồng.

Sau đây là câu chuyện một mẹ chia sẻ:

‘Mình đứa đầu là con gái. Đứa sau nhỡ. Mười hai tuần đi siêu âm bác sĩ bảo con gái. Gọi điện báo cho chồng. Tối chồng đi làm về mặt nặng như hàng trăm tấn chì trên mặt hỏi mình một câu ‘Đẻ mổ có đẻ được lần 3 không?’.

Nghe xong câu đấy mình khóc như mưa…

Ngồi ngoài đường khóc không cần biết ai luôn. Sau hôm đấy một tháng chồng cũng không thèm nói chuyện và hỏi xem con trong bụng như thế nào.

mum_24.07_1

 

Người ta có thể miễn cưỡng để làm nhiều việc, nhưng không được phép miễn cưỡng để yêu thương

Thời gian đấy mình khóc suốt. Mãi đến 16 tuần chồng đưa mình đi siêu âm trong sự khó chịu. Bác sĩ phán là con trai ông ý sướng quá thay đổi thái độ luôn’…

Để đối phó với chuyện bị phân biệt đối xử, các bà mẹ thậm chí còn bàn nhau giải pháp ‘canh trứng’, canh thời gian giao hợp… để cố gắng ‘tập ba’ đẻ được thằng cu cho nhà chồng ‘lác mắt’.

Các ý kiến theo chiều hướng ‘Giờ không quan trọng, trai hay gái cũng được’ rất yếu ớt.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Gia Đình Mới đã làm một cuộc khảo sát nhỏ, phỏng vấn ngẫu nhiên 20 người thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp về thái độ với việc sinh con gái. 

Kết quả phỏng vấn cho thấy 20/20 người đều cho rằng sinh con một bề toàn gái không phải là việc đáng buồn.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là vẫn có 3/20 người (tương đương 15%) cho rằng: ‘Nếu các bà vợ không đẻ được con trai, các ông chồng có thể quan hệ ngoài luồng để có con trai nối dõi tông đường’.

Trên mạng xã hội, phản biện các ý kiến này, là các bà mẹ suy nghĩ theo kiểu: ‘Họ không nói ra thôi chứ có thằng cháu trai đầu vẫn an tâm, thích hơn. Có thằng cháu cầm ảnh cho ông rồi’.

Đây là một diễn đàn mà gần như 100% người tham gia là các bà mẹ. Về lứa tuổi, họ đều là các bà mẹ 8X, 9X nên ảnh hưởng của suy nghĩ cổ hủ có lẽ không còn nhiều.

Thế nhưng, luồng ý kiến 'sinh được con trai mới tốt' vẫn chiếm đa số.

Ngay cả các bà mẹ trẻ, trong thâm tâm vẫn chưa mạnh mẽ bảo vệ đứa con gái mà mình sinh ra thì hỏi sao suy nghĩ trọng nam khinh nữ không lan tràn trong xã hội?

Suy nghĩ này sẽ còn ‘cắm rễ’ mãi mãi nếu các bà mẹ trẻ không quyết tâm thay đổi nó.

Mất cân bằng 

Bộ Y tế từng cảnh báo tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam có thể khiến khoảng 3 triệu nam giới khó tìm được vợ vào năm 2030.

Như vậy, nguy cơ các bé trai sinh năm 2005 – 2010 sẽ ế vợ khi đến tuổi kết hôn là hoàn toàn có thật.

Giữa năm 2017, 8 năm sau khi cảnh báo này được đưa ra, 1 năm sau đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tình trạng mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh vẫn ở mức 112,2 bé trai/100 bé gái.

Cá biệt, có tỉnh tỷ lệ mất cân bằng lên tới 120 bé trai/100 bé gái.

Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, tỷ số bình thường cần ở mức 102 – 106 bé trai/100 bé gái.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có thể dẫn tới một số vấn đề xã hội trong những năm tới như buôn người vì không có đủ cô dâu trong độ tuổi lấy chồng, phụ nữ kết hôn sớm và thậm chí bỏ học giữa chừng, nam giới không kết hôn hoặc kết hôn muộn.

Tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” cũng sẽ dẫn đến mại dâm gia tăng, thiếu hụt lao động trong các ngành cần nhiều nữ như: cô giáo mầm non và tiểu học, y tá, hộ lý…

Ông Bruce Campbell, Đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhận xét:

‘Trên thế giới, ở các nước hiện tượng mất cân đối tỉ lệ giới tính khi sinh gia tăng chọn lựa giới tính trẻ sơ sinh thường có ba nguyên nhân chính. Một là do thích có con trai. Thứ nhì là sức ép về sinh sản, làm sao để có gia đình ít con hơn, và thứ ba là việc khoa học kỹ thuật để có thể lựa chọn con trai,’ - ông Campbell giải thích - ‘Tại Việt Nam là sự kết hợp của cả ba yếu tố đó’.

sinh con mot be_top

 

Giải quyết nghịch lý trọng nam kinh nữ 

Trọng nam khinh nữ là quan niệm bị gắn mác ‘cổ hủ’, ‘lạc hậu’.

Thế nhưng, thật bất ngờ khi kết quả thống kê dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lại tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của các bà mẹ.

Nghĩa là, mẹ càng có học vấn cao thì tỷ số chênh lệch về giới tính khi sinh con càng tăng lên.

Cụ thể: mức chênh lệch từ 106 – 111 bé trai/100 bé gái (ở bà mẹ bậc tiểu học), đến mức 113 bé trai/100 bé gái (ở bà mẹ bậc trung học phổ thông) và lên đến 115/100 ở nhóm bà mẹ học vấn bậc đại học trở lên.

Như vậy, khi vẫn còn suy nghĩ ‘có con trai vẫn thích hơn’ thì càng có điều kiện sống tốt, các bà mẹ càng có xu hướng lựa chọn sinh con trai, từ đó áp dụng các kiến thức, biện pháp để sinh con trai ‘hiệu quả’ hơn.

Để thay đổi suy nghĩ của cả xã hội là vấn đề không thể ngày một ngày hai thực hiện được.

Trong khi phụ nữ còn chịu quá nhiều thiệt thòi trong công việc cũng như tại gia đình, thì rất khó chuyển suy nghĩ ‘sinh con gái cũng được’ sang ‘sinh con gái rất được’.

Do vậy, muốn thay đổi tư tưởng này thì trước tiên cần sự bình đẳng trong chính mỗi gia đình. Khi phụ nữ không còn cảm thấy bị phân biệt đối xử hoặc bị đè trên vai bởi nhiều gánh nặng, họ sẽ thấy rằng: con gái hay con trai đều như nhau. 

Những người nổi tiếng ở Việt Nam và niềm vui sinh toàn con gái

sinh con mot be_1

 

MC Quyền Linh: 'Sinh đứa thứ mười thì mình vẫn thích đó là gái'

MC Quyền Linh chia sẻ: ‘Con trai hay con gái đều quý. Nhưng giờ nếu sinh thêm đứa thứ... mười thì mình vẫn thích đó là con gái’ rồi kể chuyện không biết chán về các công chúa nhỏ.

Nào là con gái dễ thương lắm, mỗi lần cả nhà đi đâu thì các con xúng xính váy áo, đeo nơ, kẹp tóc duyên dáng, rồi thì ở nhà các con cũng chu đáo lắm, dù còn nhỏ nhưng đã biết chăm sóc ba mẹ, đứa lấy nước, lấy gối, tắt đèn, kéo màn, mở quạt...

Với Quyền Linh, hai cô con gái có ý nghĩa rất quan trọng nên dù bận rộn thế nào, anh cũng luôn tranh thủ giữa các giờ nghỉ quay chương trình để gọi điện về hỏi thăm tình hình vợ con và khi rảnh rỗi thì tắm rửa, đút cơm cho con hay dắt các con đi chơi.

Bản thân đã vượt qua được rào cản là những định kiến về chuyện sinh con trai, con gái, Quyền Linh mong muốn các bố mẹ khác cũng có được suy nghĩ đúng đắn.

Anh nói: ‘Mình muốn nhắn với những người chỉ muốn có con trai rằng, bạn hãy thử đẻ một đứa con gái đi, hãy thương yêu, chăm sóc nó, thì nó sẽ chăm sóc, thương yêu lại mình biết nhường nào. Còn chuyện nối dõi thì con cháu nào đều chẳng là máu mủ, ruột thịt của mình.

Ngày xưa, các cụ còn có tư tưởng là đẻ con trai thì được thêm con dâu, đẻ con gái thì mất về nhà người ta.

Nhưng bây giờ, dù đẻ con trai hay con gái thì có mấy đứa chịu sống chung với mình đâu. Kể cả rước dâu về thì cũng đi làm mất tiêu, đâu phải ở nhà để hầu hạ, phục vụ bố mẹ chồng’.

 

sinh con mot be_2

 

Nhạc sĩ Minh Khang: 'Dạy dỗ, giáo dục con tốt mới là quan trọng'

Nhạc sĩ Minh Khang đặt việc dạy dỗ, giáo dục một người con tốt quan trọng hơn giới tính của con.

Ông xã của người mẫu Thúy Hạnh cho rằng, ‘Con cái là lộc trời ban cho mình mà, đã là con của mình rồi thì phải tự tay chăm sóc tôi mới yên tâm.

Để con cho người giúp việc chăm thì thành con của họ rồi. Hồi xưa tôi vất vả, tôi khổ nhiều rồi nên bây giờ tất cả tình yêu tôi đều dành cho các con và vợ’.

Suy nghĩ như vậy nên ngay từ khi Thúy Hạnh mang bầu bé đầu, bị động thai phải nằm một chỗ, Minh Khang đã không nề hà chuyện gì, tự tay chăm sóc vợ con chu đáo.

Chuyện dạy dỗ, giáo dục các con được vợ chồng nhạc sĩ Minh Khang coi trọng vì theo anh, ở thời đại này, nuôi một đứa con thật tốt không hề dễ dàng.

Hàng ngày, tuy không có nhiều thời gian đưa đón con đi học nhưng anh tự quy định cho mình rằng phải gác mọi việc lại trước giờ sum họp của cả nhà.

Phương Phương

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính