Nhớ Tết xưa...

Trái tim thơ trẻ của tôi đã cảm nhận rằng, sớm muộn gì rồi tất cả cũng sẽ trôi qua, sẽ không bao giờ còn có được những ngày Tết cùng với cha mẹ sum vầy ấm áp như vậy.

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển

Đã qua rồi nhưng những kỷ niệm từ ngày Tết xa xưa ấy. Ngày bé, tôi sống cùng gia đình ở phố Cầu Giấy, một trong 5 cửa ô của thành phố. Phố tôi nhỏ bé, nghèo khổ, ở đoạn cuối cùng của đường tàu điện chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm qua Cửa Nam, Văn Miếu, Kim Mã, Cầu Giấy. Nhà của dân phố tôi hầu hết là nhỏ bé, một tầng, mái tôn lẫn vào mái ngói. Tôi nhớ và yêu từng căn nhà, từng cái cây, bụi cỏ cháy nắng, đoạn đường ray xe điện cũ kỹ có rải các viên đá nhỏ màu trắng đục.

Nhiều lúc nhìn cái tàu điện già nua chậm chạp leo trên dốc qua công viên Thủ Lệ với tiếng kêu leng keng rộn rã tôi lại liên tưởng đến một ông già đang chống gậy còng lưng leo lên dốc của con đường dài vô tận phía trước. Khi đó, tàu điện không chỉ là chủ đề của thơ ca mà còn chính là phương tiện giao thông chủ yếu của chúng tôi suốt mấy chục năm. Lúc đó dân Hà Nội nghèo lắm, rất ít người có xe đạp. Xe máy đã là xa xỉ và không ai có ô tô riêng...

Sáng nào cũng vậy, khoảng 3 giờ đêm, các bà, các chị ở làng Láng và các vùng lân cận như Trung Hòa, Nhân Chính, làng Cót lại gánh rau đến chờ chuyến tàu điện đầu tiên để ra các phố Hà Nội bán. Họ ngồi đợi tàu, chuyện trò náo động cả con phố đang say giấc. Có hôm ồn quá không ngủ  được, tôi dậy đếm được hơn 140 gánh rau ngồi la liệt khắp đường tàu và cả đường nhựa.

Con phố xưa ở Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Phố tôi vẻn vẹn chỉ có hơn 60 nóc nhà nhưng cư dân lại rất hiền hòa, đầm ấm, thân thiết và có tính cộng đồng rất cao. Dân ở đây, người ta thường gọi là “nửa quê, nửa tỉnh” vì vừa có chút tính cách thị dân, lại vừa chất phác, thật thà như nông dân. Gần như 2 phần 3 dân trong phố mở cửa bán hàng nhưng vẫn giữ chất cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu làng xóm mà không hề tính toán, “buôn gian, bán lận”.

Dân phố hiểu hết hoàn cảnh của nhau và luôn chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn. Mỗi khi nhà ai có đám cưới, đám ma thì cả phố đến dự. Bọn trẻ con chúng tôi cũng biết rất rõ tên tuổi và gia cảnh, nghề nghiệp của từng người trong phố. Tết đến người dân kéo nhau đi chúc Tết từng nhà lần lượt cả phố rất vui.

Mỗi năm, gần đến ngày Tết Âm lịch, trẻ con bao giờ cũng là những người mong đợi nhiều nhất. Chúng đợi chờ náo nức trong niềm vui lâng lâng, ngọt ngào từ cả tháng trước Tết.

Nhà tôi thường ăn cỗ mừng xuân vào sáng 1 Tết. Mọi sự chuẩn bị cho 3 ngày Tết là thuộc về trước giao thừa. Do nhà đông con nên mỗi lần đi chợ Tết, mẹ tôi lại mua rất nhiều thực phẩm, gạo nếp, đậu xanh, lá dong, lạt, thịt lợn... Mẹ còn mua gà, chân giò, mộc nhĩ, nấm hương, miến dong, đậu Hà Lan để còn làm nem, nấu canh, làm món xào. Mẹ bảo không nên đi chợ ngày 30 Tết để tránh đông người.

Hình ảnh làm bánh chưng ngày xưa. Ảnh minh hoạ

Ngày Tết, ngoài cây đào là điều không thể thiếu, bao giờ mẹ tôi cũng mua một cây quất. Bà dạy, quất trĩu quả sẽ đem lại nhiều tài lộc cho gia đình. Nhà tôi hình ống, hẹp bề ngang nên cây đào thường được đặt gần cửa còn cây quất đặt lùi bên trong. Thời đó Hà Nội có ít loại hoa lắm, nên đối với tôi, hoa đào thật đẹp, thanh cao, quý phái với màu hồng nhạt, trông thật mong manh, nhưng cành lá thì lại thật phong sương, gân guốc, mạnh mẽ. Cây đào bao giờ cũng khiến tôi mê mẩn và có thể nhìn ngắm đến hàng giờ.

Chị gái tôi thường dẫn tôi ra chợ Ngọc Hà hoặc vào vườn đào ở tận Nghi Tàm để mua hai loại hoa: Hoa đỏ, cành và bông nhỏ gọi là “Depbiđa”, hoa tím lá nhỏ như lá dăm, bông bé xíu gọi là “Violet”. Chị tôi rất thích hai loại hoa này. Chị bảo cắm cùng nhau trông vừa thanh lịch vừa hài hòa. Thỉnh thoảng trong nhà chúng tôi cũng cắm hoa lay ơn đỏ hoặc hoa hồng. Hai loại hoa này khi đó thường đắt lắm.

Sáng mùng một Tết năm nào cũng vậy, dù kinh tế gia đình khó khăn đến đâu, mẹ tôi cũng để ở đầu giường cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới. Sau khi cha tôi khấn ông bà tổ tiên là chúng tôi được hạ cỗ. Những món ăn ngon, số lượng và chất lượng hơn hẳn ngày thường, bao giờ cũng có đủ bánh chưng, giò lụa, giò thủ, chả, nem rán, thịt gà luộc, xúp lơ, cà rốt, đậu Hà Lan xào thịt. Một bát canh miến nấu lòng gà, mộc nhĩ, nấm hương, một bát canh măng lưỡi lợn hầm chân giò, một bát canh bóng nấu giò sống cuộn trong nấm hương.

Mẹ còn nấu thịt đông ăn với dưa chua, hành củ hoặc kiệu do bà muối lấy trong một cái vại to. Món tráng miệng thường là chè kho hoặc hoa quả. Món ăn ngày Tết thường có một hương vị thật đặc biêt. Nó là sự hòa quyện ngọt ngào của thức ăn, tình cảm yêu thương ruột thịt của gia đình và không gian chia sẻ, đầm ấm, thân ái chung của cộng đồng...

Niềm vui của lũ trẻ khi canh nồi bánh chưng. Ảnh minh hoạ

Ngày còn nhỏ, chúng tôi thường mong ngóng Tết đến vì thế nào cũng được gói bánh chưng và nhận tiền mừng tuổi. Ngày 30 Tết nhà tôi thường tổ chức gói bánh chưng. Việc này do bố mẹ, các chị tôi trực tiếp làm. Bọn trẻ con như chúng tôi chỉ phụ giúp. Đứa nào cũng gói mấy cái nhỏ cho mình và rất sung sướng thả vào nồi. Thích nhất là khi luộc bánh, bọn trẻ quây quanh cái bếp củi to, ấm nóng.

Trong tiếng củi lửa nổ lách tách, tiếng nước luộc bánh trong nồi reo lục bục, chúng tôi lại cố thức để nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, nỗi vất vả, nỗi buồn và niềm hạnh phúc của gia đình. Có khi mệt quá ngủ gật ngay bên bếp lửa, mẹ giục mãi mới chịu vào màn. Bánh chưng chín lúc nào không biết. Mẹ và chị vớt ra khỏi nồi rồi xếp thành hai hàng trên bàn. Bà lấy tấm ván dài đặt lên trên rồi bảo chị tôi đặt gạch lên để ép cho bánh khô và dẻo.

Sáng sớm mùng một Tết, mẹ và chị tôi lại hì hụi nấu cỗ cúng, rồi lùa các con dậy. Ăn xong bà giục các con tắm, thay quần áo mới rồi phát tiền mừng tuổi. Ôi người mẹ tuyệt vời của tôi. Bà đã không chỉ cho chúng tôi cuộc sống mà còn cho chúng tôi biết bao nhiêu là tình cảm ấm áp, vị tha. Bà mãi mãi như là một bà tiên trong cổ tích, che chở cho suốt tuổi thơ của chúng tôi. Bà làm cho chúng tôi thấy những giây phút ngày Tết thật thiêng liêng, ấm áp.

Gần trưa, sau khi các con đã sẵn sàng đón năm mới, cha tôi mới mở cửa nhà, đốt pháo mừng xuân. Tôi ngắm nhìn đường phố vắng lặng nhưng tươi sáng một vẻ đẹp kỳ ảo. Cha tôi trịnh trọng mở ngăn kéo lấy băng pháo đỏ đã mua sẵn rồi treo lên móc cửa. Ông xòe diêm châm lửa vào dây dẫn. Trong dây pháo bao giờ cũng có mấy quả pháo to gấp 10 lần pháo nhỏ mà chúng tôi gọi là “pháo đùng”. Pháo nổ ầm ầm tung tóe, mùi thơm tỏa ra.

Pháo là 1 phần không thể thiếu của Tết xưa. Ảnh minh hoạ

Người đi đường và hàng xóm, mặc dù nhà nào cũng đốt pháo nhưng vẫn cứ đứng lại thích thú và tò mò ngắm nhìn. Lũ trẻ chúng tôi la hét, vỗ tay cho đến khi xác pháo đỏ trải đầy hiên nhà. Nhà tôi cứ để nguyên những xác pháo màu hoa đào như thế trong suốt 4 ngày Tết. Đến ngày thứ năm hết Tết, chúng mới được quét dọn. Bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu được đi chơi ngay sau khi cha đốt pháo hoặc quây quẩn ở nhà chờ khách tới chơi mừng tuổi.

Mẹ tôi chỉ có một thứ giải trí duy nhất là đánh tam cúc vào mấy ngày nghỉ Tết. Nhà tôi thường chia hai nhóm: Nhóm người lớn gồm cha mẹ và các chị tôi, nhóm thứ hai là 4 anh chị em tôi. Tiền chỉ là mấy đồng được mừng tuổi cứ chạy quanh vòng chiếu, chẳng ai thắng đậm cũng chẳng ai thua nhiều vì vậy anh em chúng tôi rất vui. Nhiều khi bọn trẻ con chúng tôi không thích chơi với nhóm của mình mà chầu rìa bên chiếu cha mẹ tôi, hồi hộp theo dõi từng ván bài. Trò chơi tam cúc ở nhà tôi cũng kết thúc khi mẹ tôi mất vào năm 1968.

Đôi khi cha tôi cũng tham dự vào cuộc chơi tam cúc, nhưng ông thường thích đánh cờ hơn. Ông là một tay cao cờ có tiếng ở phố. Hễ có bạn cờ đến là dường như ông bỏ tất cả để ngồi tiếp cờ. Nhờ ông mà các anh em trai của tôi và cả tôi nữa đều thuộc loại cao cờ ở phố Cầu Giấy. Cứ thế, chúng tôi say mê chơi gần hết 3 ngày Tết. Thức ăn có sẵn trong bếp. Ai đói thì xúc ăn. Thời gian còn lại chúng tôi lên tàu điện vào thành phố chơi, thăm vườn Bách Thảo, ra hồ Tây, hồ Gươm, công viên Thống Nhất. Có lẽ Tết vẫn là những ngày đầm ấm, hạnh phúc nhất của gia đình tôi.

Lũ trẻ con xem đốt pháo. Ảnh minh hoạ

Rồi những ngày Tết đầy mong đợi cũng nhanh chóng qua đi. Tôi lặng lẽ và buồn bã ngồi tính đếm mỗi khi hoàng hôn buông xuống: Chiều mùng một, chiều mùng hai, rồi đến mùng ba. Thế là đã hết Tết. Lại bắt đầu phải chờ đợi đến Tết sang năm. Tôi quét nhà, nhặt nhạnh những bông hoa tàn, dọn dẹp đám xác pháo đỏ hoe trên hè cửa, đổ tất cả vào thùng rác với một nỗi buồn thật man mác, mênh mang...

Sợ mọi người cười cho, nên có lần tôi đã trèo lên gác xép nằm khóc thầm một mình, rất lâu, nuối tiếc tất cả những gì vui vẻ đã tàn. Trái tim thơ trẻ của tôi đã cảm nhận rằng, sớm muộn gì rồi tất cả cũng sẽ trôi qua, sẽ không bao giờ còn có được những ngày Tết cùng với cha mẹ sum vầy ấm áp như vậy.

Thế rồi tôi lấy chồng, mỗi năm Tết đến, tôi cũng thường cùng với mẹ chồng chuẩn bị Tết. Nhà chồng tôi đông người, mẹ chồng, bố chồng, bà ngoại chồng và ba anh em trai. Một bà chị gái đã đi lấy chồng vì vậy việc chuẩn bị Tết chỉ trông vào hai người phụ nữ. Nhà tập thể không có nước lên gác, tôi phải bê từng thúng gạo nếp, lá dong, đậu xanh xuống bể nước công cộng để vo cho sạch bụi. Mẹ chồng tôi sức khỏe yếu, tôi là con dâu trưởng nên phải lo tất cả các công việc nấu bánh chưng và làm các món cho mâm cỗ Tết. Nhiều hôm, trời cuối đông rét như dao cắt, tôi ngồi vo gạo, đãi đỗ, rửa lá đến tê dại cả chân tay mà không thể đứng lên nổi, phải còng hẳn lưng xuống một lúc lâu mới vươn thẳng lại được.

Tôi lo nhất là nấu cỗ trong căn bếp nhà chồng. Bếp thì quá nhỏ hẹp. Nước phải xách vòng vèo từng thùng, từng thùng một lên gác. Nguyên liệu làm cỗ bầy la liệt cả ra sàn nhà. Cả nhà chỉ có một cái bếp dầu duy nhất nên phải nấu cả sáng mới xong vài món chính. Lúc đó, lại nghĩ đến mẹ mình mà thương bà đến lặng người.

Hoài niệm Tết xưa. Ảnh minh hoạ

Ngày nay, phụ nữ thường bận bịu ở công ty, xưởng máy, cơ quan cho đến tận giáp Tết. Họ thường chỉ bỏ tiền ra mua thực phẩm nấu chín, mua lấy sự nhàn hạ cho mình. Tôi thấy cũng hợp lý thôi và chẳng muốn trách móc họ. Chỉ có một chút thương cảm cho lũ trẻ con. Chúng nào còn có được những háo hức ngây thơ thuở xưa ấy, háo hức được tiếp nhận và sẻ chia niềm hạnh phúc cùng chuẩn bị Tết với cha mẹ, được ngồi bên nồi bánh chưng, nghe mơ hồ tiếng củi cháy, nước sôi, những lời ngọt ngào ấm áp và lắng đọng mãi mãi của mẹ. 

 Ngày nay, với các gia đình khá giả, đủ ăn những bữa cơm hàng ngày vốn đã đầy đủ nên món ăn ngày Tết cũng không còn hấp dẫn. Kỷ niệm về những ngày Tết cũng không còn quá sâu đậm trong tuổi thơ của trẻ. Quần áo đầy đủ khiến trẻ cũng không quá mong chờ quần áo mới ngày Tết nữa. Nói khác đi, Tết dần trở thành bình thường trong mắt trẻ con, người lớn. Có chăng Tết cũng chỉ còn là những hoài niệm của những người lớn tuổi như chúng tôi mà thôi...

                                                          Hà Nội, ngày 5/12/2021

GS.TS Lê Thị Quý

GS.TS Lê Thị Quý là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nhiều địa phương; là người đầu tiên gióng hồi chuông nghiên cứu lĩnh vực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới và cùng với Viện Nghiên cứu Thanh niên lập những mô hình hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân trở về tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương từ những năm 1997 - 2000. 

Ở Việt Nam, GS.TS Lê Thị Quý còn là nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về khoa học Giới, Lí thuyết Nữ quyền, Gia đình học, Xã hội học gia đình. 

Năm 2005, GS.TS Lê Thị Quý là một trong 1.000 phụ nữ trên thế giới được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những đấu tranh không mệt mỏi cho bình đẳng giới và nữ quyền.

Bà đã có tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các luật khác liên quan đến Giới như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam. Bà là tác giả của 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.


Tin liên quan