Khi thấy cậu con trai 2 tuổi đang chơi ở phía ngoài nhà đột nhiên ho nhiều, sặc sụa, người nhà chạy ra xem thì hốt hoảng thấy trên tay bé cầm lọ thuốc trừ sâu đã mở nắp, bé nôn liên tục ra dịch màu xanh bẩn, có mùi thuốc trừ sâu.
Các bác sĩ BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ) mới tiếp nhận, cấp cứu bé trai 2 tuổi nhập viện vì bị ngộ độc thuốc trừ sâu.
Gia đình cho biết, bé đang chơi phía ngoài nhà đột nhiên bé ho nhiều, sặc sụa, người nhà chạy ra thấy bé cầm lọ thuốc trừ sâu đã mở nắp. Sau đó trẻ nôn nhiều lần ra dịch màu xanh bẩn, có mùi thuốc trừ sâu, gia đình nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
Tại phòng cấp cứu bé nhanh chóng được rửa dạ dày, uống hỗ dịch than hoạt tính, truyền dịch thải độc. Bé được nhập viện khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực, tiếp tục uống hỗn dịch than hoạt tính, truyền dịch thải độc.
Lọ thuốc trừ sâu bé uống nhầm được gia đình mang đến bệnh viện là thuốc trừ sâu Emaben có hoạt chất Emamectin benzoate 20g/l. Là một loại thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng diệt các loại sâu bệnh trên cây lúa, rau, cây ăn quả.
Hiện tại sau khi được điều trị tích cực sức khỏe của bé đã được cải thiện, không nôn, ăn uống tốt.
Các bác sĩ đặc biệt lưu ý phụ huynh cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc ở trẻ nhỏ, như: Để thuốc và hóa chất ngoài tầm với của trẻ; đóng chặt nắp chai, hộp để trẻ không dễ dàng mở được; không để hóa chất trong vỏ chai các loại nước uống; luôn có người giữ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì tuổi này trẻ rất thích tìm hiểu thế giới xung quanh và “thử” bất cứ thứ gì trẻ cầm được.
Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn, không nên để thuốc, hóa chất gần thức ăn, thức uống; không cất giữ hóa chất nếu không cần đến; nhất là không nói dối với trẻ thuốc là kẹo, vì sau này trẻ nghĩ các loại thuốc là kẹo, có thể ăn và bị ngộ độc.
Cách phòng tránh ngộ độc hoá chất bảo vệ thực vật
- Cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cất giữ, vận chuyển, sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật.
- Các hoá chất bảo vệ thực vật cần được để tại những nơi kín đáo, ở nhà kho riêng biệt hoặc trong các hộp riêng, có khoá. Không để các hóa chất bảo vệ thực vật gần các nơi để thức ăn, nước uống. Không dấu thuốc diệt chuột lên mái nhà, mái bếp.
- Các loại chai lọ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật cần có đầy đủ nhãn hiệu. không đựng thuốc bảo vệ thực vật trong các vỏ chai lọ nước giải khát (ví dụ vỏ chai lavie).
- Không để bất cứ loại hoá chất bảo vệ thực vật nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại.
- Không để các mồi bả chuột như lạc rang, bỏng ngô, khoai…có tẩm thuốc diệt chuột ở những nơi trẻ có thể nhìn thấy và lấy được.
- Không để trẻ lại gần nơi người lớn đang chuẩn bị các hoá chất trừ sâu, diệt chuột. Nếu đang chuẩn bị thuốc trừ sâu diệt chuột mà có việc khác, cần thu dọn cất thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định, đúng cách an toàn tránh việc trẻ thấy và lấy ăn nhầm, hoặc nghịch chơi…
- Không lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thu hái đúng thời gian cách ly sau phun thuốc (bình quân 20-25 ngày trở lên).
- Cần để ý các diễn biến tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên, giải quyết các khúc mắc của trẻ, không đánh chửi, không gây sức ép quá mức cho trẻ trong việc học hành