Lễ Vu lan là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Đây là dịp để con cháu hướng về gia đình, tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo tới ông bà, cha mẹ.
Lễ Vu lan được biết đến là lễ của Phật giáo, là mùa báo hiếu, cầu nguyện cho cha mẹ đã khuất bóng.
Đây cũng là ngày để tôn vinh, tưởng nhớ công ơn của các đáng sính thành đồng thời nhắc nhở, khuyên răn con người nên làm nhiều việc thiện, tránh làm những điều xấu.
Lễ Vu lan diễn ra vào ngày 15/7 hàng năm. Năm 2019, lễ Vu lan là ngày thứ Năm 15/8 (tức ngày 15/7 âm lịch).
Theo một số sách còn ghi lại, tục cúng Vu lan vốn bắt nguồn từ Trung Quốc sau đó du nhập sang Việt Nam với câu chuyện báo hiếu của Mục Kiền Liên.
Mục Kiền Liên được mệnh danh là đệ tử thần thông số một trong số 10 đệ tử của Đức Phật.
“Phật thuyết Vu Lan Bồn Kinh” kể rằng, sau khi Mục Kiền Liên chứng đắc quả vị A-la-hán, ông đã phát nguyện sẽ báo đáp công ơn sinh thành của mẹ.
Mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề, lúc sinh thời bà tạo nhiều tội nghiệp vì thế khi chết đi bị đọa vào con đường ngạ quỷ, phải chịu hành hạ vô cùng thống khổ, không được ăn, cũng chẳng được uống.
Bằng phép thần thông, thông qua thiên nhãn, Mục Kiền Liên nhìn thấy người mẹ đã khuất của mình bị hành hạ, đói khát.
Là người nổi tiếng với đạo Hiếu, khi chứng kiến cảnh mẹ như vậy Ngài vô cùng xót xa, vì thế Ngài đã dùng thần thông hóa ra một bát cơm cho mẹ mình.
Khi bà Thanh Đề nhìn thấy đồ ăn, vội vàng dùng tay che bát cơm lại không cho các cô hồn khác biết. Nhưng thức ăn vừa đưa lên miệng liền hóa thành lửa đỏ, dù có làm thế nào cũng không sao ăn được.
Mục Kiền Liên chứng kiến mà trong lòng vô cùng đau xót. Tuy bản thân có pháp lực thần thông, nhưng rốt cuộc vẫn không thể cứu nổi mẹ mình.
Ngài trở về bạch Phật sự tình và hỏi lý do. Đức Phật từ bi dạy rằng: “Mục-kiền-liên, lúc sinh tiền mẹ ông đã hủy báng Phật pháp, chửi mắng chứ Tăng, không tin nhân quả luân hồi, lại rất bỏn xẻn, chẳng bao giờ bố thí cho ai, kể cả bố thí cho con kiến hạt gạo.
Vì thế, sau khi chết bà phải chịu quả báo như thế. Ông tuy là con người hiếu đạo, thương cha nhớ mẹ, muốn đền đáp thâm ân, nhưng sức của ông có hạn.
Dù có thần thông, một mình ông cũng không thể giải cứu nghiệp lực cho mẹ. Ông hãy đợi đến rằm tháng bảy, ngày chư tăng mãn hạ, thiết lễ Vu Lan nhờ sức chư tăng cùng chú nguyện thì mẹ ông mới thoát khỏi được cảnh địa ngục.
Theo như lời Phật dạy, ngày rằm tháng bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sửa vật thực, dâng cúng mười phương chư tăng không những giúp cho bà Thanh Đề mà nhiều người khác trong ngày đó cũng thoát khỏi địa ngục.
Chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ là một bài học sâu sắc răn dạy con người ta về thiện ác. Tội nghiệp do bản thân mình gây ra thì tự mình phải hoàn trả.
Bản thân kẻ tạo nghiệp phải chịu tội, sửa sai, hướng thiện thì mới có hy vọng thoát khỏi khổ nạn một đời.
Chính bởi ý nghĩa nhân văn của sự tích ngày lễ Vu lan mà vào ngày này hàng năm người ta thường làm các việc sau:
Theo quan niệm của người xưa, phóng sinh chính là cách thức ban tặng sự sống cho chúng sinh. Nhờ phóng sinh con người có thể gia tăng tuổi thọ, phúc đức đồng thời hóa giải phần nào ân oán nhiều đời giữa ta và các chúng sinh khác.
Vào ngày lễ Vu lan, người ta hay đem tặng những món đồ còn tốt cho các số phận khó khăn. Tùy theo khả năng của mỗi người mà đem tặng quần áo, lương thực thậm chí là tiền bạc.
Làm việc thiện có ý nghĩa rất lớn lao, nó sẽ giúp con người vun trồng phúc đức, hạnh lành cho bản thân và người thân nhiều đời.
Trong mùa lễ Vu lan, người ta thường lên chùa trì tụng Kinh Vu Lan Bồn để hồi hướng niềm an lạc, hạnh phúc cho cha mẹ hiện tiền hay đã qua đời để vun trồng phúc đức.
Một trong những việc làm thiết thực nhất ngày Vu lan chính là trở về nhà quây quần bên ông bà cha mẹ. Nếu có thể hãy dành tặng họ 1 món quà, nấu cho họ 1 bữa ăn ngon rồi cùng nghe lời khuyên răn, hướng về điều lành...
Với những người con xa nhà, vào ngày lễ Vu lan, hãy gọi một cuộc điện thoại hỏi thăm, chắc hẳn cha mẹ của bạn sẽ vô cùng xúc động.