Kỳ lạ 9 học sinh tại Bắc Kạn thường ngất đột ngột, chạy nhảy, nói năng linh tinh

Mới đây, 9 học sinh tiểu học tại Bắc Kạn thường xuyên có biểu hiện ngất, nói năng linh tinh nhưng khi tỉnh lại đều không nhớ gì. Theo phân tích của TS. Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì rất có thể 9 em học sinh này đã mắc chứng rối loạn phân ly.

Liên quan tới sự việc 9 em học sinh điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) thường xuyên có biểu hiện lạ, liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe…

Trong số 9 em học sinh có 5 học sinh lớp 3, 1 học sinh lớp 4 và 3 học sinh lớp 5. Có học sinh ngất đột ngột từ 3- 20 phút, sau khi tỉnh lại có em bỗng nhảy nhót, nói rằng ‘tôi là người này, người kia’, ‘tôi từ dưới đất chui lên’… Tuy nhiên sau đó các em đều không nhớ gì, vẫn sinh hoạt, học tập bình thường.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, chiều 15/12, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương cử các chuyên gia của Bệnh viện phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế Bắc Kạn tổ chức khảo sát, xác định nguyên nhân và hướng giải quyết tình trạng trên cho các cháu học sinh.

Trao đổi với PV Gia Đình Mới,  TS. Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nhận định: ‘Phải xem trong số 9 học sinh đó là nam hay nữ. Nếu trong số 9 cháu có biểu hiện đó mà phần lớn là nữ thì rất có thể các cháu mắc chứng rối loạn phân ly’.

Đặc biệt, đây không phải là căn bệnh hiếm gặp và thường xuất hiện trong các trường học. Bởi nhiều học sinh nữ đang trong giai đoạn dậy thì thay đổi tâm sinh lý rất dễ có những biểu hiện lo sợ, tức giận… dẫn đến mắc chứng bệnh trên’.

‘Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh trên là do có một cháu bé nào đó lo sợ, tức giận, thất vọng quá mức, sau đó xuất hiện một số biểu hiện nhảy nhót, la hét… Và khi đó một trẻ khác nhìn thấy cũng sẽ có xu hướng biểu hiện tương tự, cũng sẽ nhảy nhót, la hét theo.

Đây là chứng bệnh rất dễ lây vậy nên nếu thấy xuất hiện trường hợp như vậy thì người lớn nên cách ly các em bị bệnh ra khỏi những em bình thường để tránh lây lan’, TS Phương cho biết.

TS. Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Theo bác sĩ Phương, khi phát hiện trẻ mắc chứng bệnh này cần được cách ly nhanh và tiến hành điều trị sớm để tránh tái phát bệnh.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, rối loại phân ly có đặc điểm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị.

Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể.

Do vậy khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan.

Theo bác sĩ Phương khuyến cáo để dự phòng bệnh này, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly.

Đặc biệt chú ý rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số và thường phát sinh ở nữ nhiều hơn.

Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành ‘dịch’ trong một tập thể lớn.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan