Bộ GD&ĐT quy định, trước ngày 15/11, nhà xuất bản, tác giả sách xây dựng phương án chỉnh sửa nội dung không phù hợp. Trong thời gian này, học sinh sẽ học gì?
Sau những tranh cãi về "sạn" trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản, tác giả sách xây dựng phương án chỉnh sửa nội dung không phù hợp trước ngày 15/11.
Trước thông tin này, các phụ huynh đều lo lắng tới việc học của những học sinh đang học cuốn sách này. Chị Nguyễn Thơm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: "Mỗi tuần các con có 12 tiết Tiếng Việt. Từ nay tới 15/11 là còn 1 tháng nữa, tương đương với 48 tiết Tiếng Việt. Vậy trong thời gian chỉnh sửa sách, các học sinh đang học Tiếng Việt bộ sách Cánh diều sẽ học môn học này như thế nào?".
Liên quan tới vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính.
Trong đó, nhà xuất bản sách Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ xây dựng bản thảo nội dung chỉnh sửa và gửi hội đồng thẩm định để đánh giá các ngữ liệu phù hợp sử dụng trong sách. Nếu bản thảo được thẩm định đánh giá “đạt” thì sẽ báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.
Với những trường học, học sinh đã mua và đang sử dụng sách này, nhà xuất bản và tác giả có trách nhiệm gửi đầy đủ nội dung chỉnh sửa, hiệu đính.
Trong thời gian đợi thông tin chỉnh sửa, tác giả và nhà xuất bản sẽ sớm xây dựng hướng dẫn, báo cáo Bộ GD&ĐT và gửi tới các trường, các giáo viên, học sinh đang sử dụng sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, để kịp thời áp dụng.
Được biết, kinh phí cho việc chỉnh sửa, hiệu đính sẽ do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM chi trả. Những nội dung hiệu đính sẽ được phát miễn phí tới các nhà trường, học sinh đã mua và đang sử dụng sách này.
Cũng liên quan tới vấn đề này, luật sự Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, tại Điều 9 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, ban hành 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT thì trong quá trình sử dụng, sách giáo khoa có thể được chỉnh sửa. Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa, trừ quy định về thực nghiệm sách giáo khoa.
Bộ trưởng GD&ĐT quyết định trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa.
Nhóm tác giả sẽ gửi bản chỉnh sửa đến NXB ĐH Sư phạm TP.HCM - đơn vị xuất bản cuốn sách. Tiếp đó, NXB tổ chức biên tập. Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt tiến hành thẩm định theo quy định.
Hội đồng này gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 7 người.
Sau đó, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM phối hợp nhóm tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều hoàn thiện phần chỉnh sửa dựa trên góp ý của hội đồng thẩm định. Cuối cùng, Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt phần chỉnh sửa, cho phép sử dụng.