GS Nguyễn Anh Trí: Người dân đang dùng 'vũ khí' chống 'giặc' COVID-19 không đúng cách

Khẩu trang hiện nay phải được coi là 'vũ khí' chống 'giặc' COVID-19 nhưng người dân đang không sử dụng đúng cách.

Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng, người dân cần có ý thức trách nhiệm bảo vệ chính mình và bảo vệ cho cộng đồng trong mùa dịch bệnh bằng cách sử dụng khẩu trang đúng cách.

“Với tinh thần chống dịch như chống “giặc” thì khẩu trang hiện nay phải được coi là “vũ khí” chống “giặc”. Vũ khí này đang được toàn thế giới sử dụng và đem lại nhiều lợi ích trong việc phòng dịch COVID-19.

Tuy nhiên cần phải dùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế, việc sử dụng khẩu trang cần tuân thủ “4 đúng” là: Đúng loại khẩu trang; đúng đối tượng; dùng đúng nơi, đúng thời điểm; và đúng cách”. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí (Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XIV)

Khẩu trang y tế dành cho ai?

Mặc dù việc sử dụng khẩu trang của người Việt đang thực hiện khá nghiêm túc nhưng GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, hầu hết người dân đang sử dụng khẩu trang chưa đúng. 

Trên thị trường có 2 loại khẩu trang được dùng phổ biến là khẩu trang vải và khẩu trang y tế. Đây là 2 loại khẩu trang đang được quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người vì lo lắng thái quá nên đã săn lùng, tích trữ các loại khẩu trang đắt tiền, khẩu trang chuyên dụng của nhân viên y tế, khẩu trang y tế… dẫn đến tình trạng thiếu khẩu trang y tế.

Về cấu tạo, khẩu trang y tế 4 lớp kháng khuẩn, với mặt bên ngoài có tính chống nước, ngăn được giọt bắn, mặt bên trong tiếp xúc với mũi miệng có tính hút ẩm, ở giữa là 2 lớp kháng khuẩn.

“Đúng như tên gọi của nó, khẩu trang y tế thường chỉ dành cho y bác sĩ, nhân viên y tế làm công việc chuyên môn tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, những bác sĩ trong tuyến đầu phòng dịch, họ thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh.

Trung bình, mỗi ngày một nhân viên y tế phải thay khoảng 5 – 7 cái khẩu trang y tế mới đảm bảo việc phòng ngừa dịch bệnh. Bởi khẩu trang y tế chỉ dùng một lần, mà nhân viên y tế không thể đeo 1 chiếc khẩu trang từ đầu giờ làm việc đến tận lúc ra về mới bỏ đi.

Khẩu trang y tế thường chỉ dành cho y bác sĩ, nhân viên y tế làm công việc chuyên môn tại các cơ sở y tế. Ảnh minh họa

Có rất nhiều việc họ phải dừng giữa chừng, phải tháo bỏ khẩu trang để xử lý và họ cũng không thể mang theo chiếc khẩu trang từ bệnh phòng đến các khu vực ít nguy cơ lây nhiễm khác.

Ngay cả những người làm việc trong môi trường bệnh viện nhưng tại phòng ăn, phòng họp, không làm công việc chuyên môn, nguy cơ lây nhiễm không cao thì không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế, dùng khẩu trang vải có lớp kháng khuẩn là đủ để phòng bệnh".

Trong khi đó, khẩu trang vải hiện nay cũng có 3 lớp, một lớp vải bên trong tiếp xúc mũi miệng, một lớp kháng khuẩn ở giữa và một lớp chống thấm bên ngoài ngăn ngừa giọt bắn. Sau khi sử dụng, khẩu trang vải cần được giặt sạch hàng ngày bằng xà phòng, phơi khô dưới nắng hoặc sấy khô để tái sử dụng nhiều lần.

"Với những người dân bình thường, sinh hoạt tại cộng đồng cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang vải có lớp kháng khuẩn là có thể phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả” – GS Nguyễn Anh Trí khuyến cáo.

Tốt nhất người dân nên chọn dùng đúng loại khẩu trang (là khẩu trang vải) để góp phần ổn định thị trường khẩu trang – một thị trường đang trở nên rất khan hiếm ở quy mô toàn cầu như hiện nay.

Người dân bình thường, sinh hoạt tại cộng đồng cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang vải có lớp kháng khuẩn là có thể phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa

Lạm dụng khẩu trang y tế gây nguy hại thế nào?

Phân tích về những hệ quả khi người dân lạm dụng khẩu trang y tế, GS Nguyễn Anh Trí cho hay, việc người dân thi nhau mua khẩu trang y tế sử dụng vì mục đích không cần thiết sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy như dưới đây: 

  • Gây ra tình trạng khan hiếm khẩu trang, dẫn đến thiếu khẩu trang y tế cho nhân viên y tế, những đối tượng thật sự cần. Mặc dù số lượng người làm trong ngành y tế ít hơn nhiều so với người dân trong toàn xã hội, nhưng do đặc thù về công việc và nhằm đảm bảo tốt nhất vấn đề dự phòng bệnh nên nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế của nhân viên y tế là rất lớn. Mà họ thì lại rất cần khẩu trang y tế, nếu không có là không làm được chuyên môn.
  • Mặt khác trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, nguyên vật liệu làm khẩu trang y tế sẵn có, nhưng khi có dịch bệnh, cả thế giới đều cần khẩu trang y tế dẫn đến nguyên vật liệu bị thiếu, dẫn tới khan hiếm, giá thành cao, sản xuất không kịp. Nếu sử dụng không đúng đối tượng, tình trạng xấu này lại càng đẩy lên cao.
  • Nếu như người dân nào cũng dùng khẩu trang y tế thì với dân số hơn 90 triệu dân như hiện nay, lượng rác thải khẩu trang xả ra môi trường sẽ là một con số khổng lồ. Sử dụng không đúng loại khẩu trang, vứt bỏ sai cách sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh.
  • Ngoài ra, lạm dụng khẩu trang y tế cũng làm ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Trong mùa dịch bệnh thu nhập của nhiều người giảm, trong khi đó rất nhiều loại chi phí tăng vọt, nhiều khoản chi tiêu phát sinh, nếu lại thêm một khoản tiền để mua khẩu trang y tế dùng hàng ngày thì sẽ rất tốn kém. Nếu như mỗi người dân có khoảng 3 - 4 cái khẩu trang vải để dùng thay đổi trong vài tháng, thậm chí là hết mùa dịch, vừa giúp phòng bệnh hiệu quả lại tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc mua hàng chục hộp khẩu trang y tế.
  • Khẩu trang vải thì có thể tái sử dụng nhiều lần, làm giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, nhất là trong tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng như hiện nay.

Như vậy, việc sử dụng đúng loại khẩu trang, tưởng là một vấn đề nhỏ, nhưng trong mùa dịch COVID-19 này thì đây là vấn đề không nhỏ tý nào. Rất đáng phải quan tâm, phải hiểu và hành động đúng! 

Tặng khẩu trang y tế cho người dân là việc làm tốt, nhưng trên thực tế đang không có nhiều hiệu quả. Ảnh minh họa

Hãy làm đúng việc để chung tay đẩy lùi COVID-19

Theo GS Nguyễn Anh Trí, trong mùa dịch bệnh, hoạt động từ thiện chung tay giúp đỡ cộng đồng là rất cần thiết nhưng cần giúp đỡ đúng đối tượng.

Hiện có rất nhiều các cá nhân, đơn vị không chuyên môn như các hội thanh niên, phụ nữ, công đoàn, nhóm từ thiện… tham gia vào hoạt động tặng khẩu trang cho nhân dân, cho cộng đồng.

Việc làm đó thì tốt, nhưng trên thực tế đang không có nhiều hiệu quả. Bởi vì do không có chuyên môn, hoặc ít chú ý đến chuyên môn nên rất dễ xảy ra tình trạng làm từ thiện tặng người dân trong cộng đồng sai loại khẩu trang.

Vậy, hãy nên chung tay phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cả việc tham gia các hoạt động từ thiện tặng khẩu trang. Nhưng cần nhớ: Nếu để cung cấp cho cộng đồng, để dự phòng bệnh trong tự nhiên thì chỉ cần tặng khẩu trang vải cho người dân là đủ.

Còn khẩu trang y tế nên để nhân viên y tế tham gia làm chuyên môn sử dụng mới đúng mục đích và đúng đối tượng. Còn nếu tặng cho các bệnh viện làm chuyên môn thì mới tặng khẩu trang y tế.

Xem thêm
Linh Ly/giadinhmoi.vn

Tin liên quan