Tôi muốn nói, chúng mình đi với nhau nhé, đi trong mải miết trong 'thành phố nào vừa đi đã mỏi', bên nhau.
Em bảo cuối tuần em đi Đà Lạt. Tôi bảo anh ganh tị vì Đà Lạt có em nhưng vẫn mong em có một Đà Lạt thảnh thơi. Tôi không muốn thế, em đi Đà Lạt. Tôi muốn nói, chúng mình đi với nhau nhé, đi trong mải miết trong "thành phố nào vừa đi đã mỏi", bên nhau.
Em thích tuyển lựa nhạc cho đám tang của mình, em bảo em chết trong cô độc. Tôi muốn nói, anh sẽ sống thật lâu để xúi Edith hát "L'hymne à l'amour" khi em nằm đó, nếu không, anh sẽ hát, thều thào. Nhưng tôi không thể nói những điều ấy, không thể. Tôi ích kỉ đến độ, có lần chờ em về, nhìn chiếc áo khoác mỏng em mặc tôi phát ganh, ước được là chính chiếc áo đó, che chở.
Tôi đã thức từ đêm cho đến sáng nay để được thức trong khoảng thời gian em nhìn thấy bình minh đầu tiên của tháng tư ở Đà Lạt. Để bình tĩnh nghĩ về Đà Lạt đang có em, tôi luộc một quả trứng, ăn với bản concerto số 2 của Rachmaninoff và thấy mình là những phím piano loạn chạy luống cuống theo nỗi buồn thống thiết của em, dàn nhạc dây. Tôi lạc lõng vì bị xua đổi và nguyền rủa.
Trong lúc tìm tài liệu soạn bài, tôi thấy bài Thanh xuân của Nhã Ca:
"Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân bày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may
Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần
Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ."
Tôi nhớ em thích câu "Đời sống ôi buồn như cỏ khô", nhưng làm tôi quặn ruột là câu "Khi về tay nhỏ che trời rét". Cả ngày cứ lẩn thẩn muốn bứng câu đó, gõ vô tin nhắn cho em, hỏi em Đà Lạt có lạnh lắm không hả em tay nhỏ?