Giữ gìn sức khỏe sinh sản (SKSS) và đảm bảo tình dục an toàn giúp các cặp đôi sẵn sàng và chủ động trong việc xây dựng gia đình và đảm bảo sức khỏe của thế hệ kế cận.
Điều gì đe dọa sức khỏe của thế hệ tương lai?
Trong một nghiên cứu của Ủy ban quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được thực hiện năm 2014, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai. Bên cạnh đó, tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến đường sinh sản cũng ngày càng tăng. Mỗi năm Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát hiện khoảng gần 100 sản phụ nhiễm HIV.
Nguyên nhân là bởi các bậc cha mẹ chưa có những hiểu biết và nhận thức đúng đắn về chăm sóc SKSS và tình dục an toàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tình cảm vợ chồng, hạnh phúc hôn nhân mà còn ảnh hưởng tới các yếu tố khác như kinh tế, sức khỏe, tâm lý, chất lượng cộng đồng, xã hội, đặc biệt là tới sức khỏe của thế hệ kế cận.
Những đứa trẻ được sinh ra bởi người mẹ mang mầm bệnh hoặc không được chăm sóc SKSS tốt dễ bị còi cọc, suy dinh dưỡng, kém phát triển, lây nhiễm bệnh từ mẹ, dẫn đến các rối loạn về sức khỏe, thậm chí là mắc dị tật và tử vong. Thống kê cho thấy tỉ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 1,5 - 3% (theo Ủy ban quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình).
Chăm sóc SKSS - Tình dục an toàn đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé
Tại hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển họp tại Cai-rô, Ai Cập năm 1994, SKSS được mô tả gồm các nội dung: kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe phụ nữ và làm mẹ an toàn, phòng tránh phá thai và phá thai an toàn, phòng ngừa và điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn và điều trị vô sinh. Dưới đây là những cách thức giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và người thân bảo vệ SKSS:
*Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi mang thai từ 3 đến 6 tháng sẽ giúp người trong cuộc có nên quyết định lấy nhau hay không hoặc nếu lấy nhau thì sẽ chọn biện pháp mang thai nào cho phù hợp để tránh có những đứa con tật nguyền.
Nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm các kiểm tra sức khỏe chung và các kiểm tra SKSS như khám các bệnh phụ khoa, lây nhiễm qua đường tình dục, siêu âm tổng quát ổ bụng, xét nghiệm tinh dịch.
Bên cạnh đó, phụ nữ nên thăm khám phụ khoa thường xuyên nhằm phòng tránh các bệnh đường sinh sản và nguy hiểm hơn là bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú - hai bệnh đặc trưng chỉ có ở cơ thể người phụ nữ.
*Tiêm phòng vắc-xin
Phụ nữ khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh cũng vì vậy mà tăng lên.
Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Thông thường, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng vắc-xin phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan A, B, uốn ván, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não...
*Phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con bạn nếu không có sự can thiệp, chữa trị kịp thời. Ngoài việc tiêm vắc-xin phòng ngừa, các ông bố bà mẹ cần phải có ý thức phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục thông qua các cách gồm có:
Tránh quan hệ với nhiều "đối tác", chung thủy một vợ một chồng; chia sẻ, thảo luận với đối tác của bạn về bệnh lây qua đường tình dục và giữ an toàn trước khi quan hệ tình dục; vệ sinh bộ phận sinh dục trước khi quan hệ tình dục và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
*Các biện pháp tránh thai an toàn
Chủ động trong việc mang thai là cơ hội tuyệt vời để hai vợ chồng chuẩn bị sức khỏe cho mẹ và bé, tâm lý cho cả gia đình và tài chính cho quá trình mang thai, sinh con và nuôi con. Lựa chọn biện pháp tránh thai an toàn sẽ giúp các gia đình thực hiện được điều này.
Các biện pháp tránh thai an toàn hiện đại gồm có: bao cao su, thuốc tránh thai (viên uống hàng ngày, viên uống khẩn cấp, tiêm, cấy hoặc miếng dán), vòng tránh thai và triệt sản. Mỗi biện pháp tránh thai đều có cơ chế hoạt động riêng cũng như ưu nhược điểm và tác dụng không mong muốn khác nhau. Các cặp vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn và sử dụng để tìm ra biện pháp phù hợp nhất cho cả hai.
*Khám thai định kỳ và phá thai an toàn
Trong quá trình mang thai, các bà mẹ nên khám thai tối thiểu 3 lần ở các mốc 12-22-32 tuần nhằm đảm bảo sức khỏe sản phụ và trẻ trong quá trình mang thai, cũng như sẵn sàng cho việc sinh nở.
Đây là ba mốc quan trọng giúp phát hiện các dị tật ở trẻ như hội chứng Down, sứt môi, thừa ngón... và các vấn đề sức khỏe ở mẹ như chứng rối loạn nhiễm sắc thể, xét nghiệm đường huyết, nguy cơ tiền sản giật… Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra các yêu cầu can thiệp kịp thời hoặc tư vấn đình chỉ thai sản.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần ghi nhớ rằng việc phá thai nhiều lần có nguy cơ thủng, rách tử cung, chảy máu âm đạo, viêm dính gây tắc ống dẫn trứng, chửa ngoài dạ con, hoặc vô sinh.
Các nội dung chăm sóc SKSS hữu ích trên được truyền thông trực tiếp đến người lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trong khuôn khổ dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt" giai đoạn 3 năm 2019. Đây là dự án cộng đồng phi lợi nhuận được triển khai bởi Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, phối hợp cùng Tổng liên đoàn Việt Nam và Công đoàn các KCN tỉnh Vĩnh Phúc với sự đồng hành của Newchoice và OK.
Newchoice và OK là hai sản phẩm mang thương hiệu của DKT International Inc, - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình. Thông qua các chương trình tiếp thị xã hội của DKT mà mọi người dân Việt Nam, dù họ là ai ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận các biện pháp tránh thai tốt nhất, đạt tất cả các chứng chỉ chất lượng, có thương hiệu uy tín và giá cả phù hợp.