Em bé Napalm - Bức ảnh được chọn có sức ảnh hưởng nhất 50 năm qua

Theo tờ Daily Mail hôm 17/10, bức ảnh 'Em bé Napalm' do nhiếp ảnh gia Nick Ut chụp năm 1972 đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Em bé Napalm - Bức ảnh được chọn có sức ảnh hưởng nhất 50 năm qua. Ảnh: AP
Xem thêm

Bức ảnh Em bé Napalm được chụp ngày 8/6/1972, thời điểm Nick Ut là phóng viên chiến trường, tới chụp ảnh máy bay ném bom Napalm xuống Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Trung tâm bức ảnh là cô bé 9 tuổi Phan Kim Phúc, đang kêu khóc trong sự hoang mang tột độ. Quần áo của cô bé cháy rụi trong khi từng mảng da rộp lên vì bỏng. Bức ảnh làm thay đổi cái nhìn của thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam, thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ.

Bức ảnh "Em bé Napalm" từng giúp Nick Ut giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer giờ đây tiếp tục nhận được bình chọn lớn nhất (37%) trong một cuộc khảo sát mới ở Anh do kênh truyền hình History thực hiện.

Theo The Sun, mục đích cuộc khảo sát là để chuẩn bị cho sự ra mắt của loạt ảnh thực tế mới mang tên "Photos That Changed the World" (Tạm dịch: Loạt ảnh thay đổi thế giới).

Đứng thứ hai trong danh sách này là bức ảnh "Em bé Syria gục chết trên bờ biển" với 35% phiếu bầu. Bé trai 3 tuổi Aylan Kurdi cùng gia đình rời quê nhà Syria để đến Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/9/2015 bằng đường biển.

Bức ảnh "Em bé Syria gục chết trên bờ biển" từng lay động hàng triệu trái tim trên thế giới. Ảnh: AP

Tuy nhiên, chiếc thuyền chở gia đình cùng nhiều người tị nạn khác bị lật chỉ 30 phút sau khi khởi hành. Thi thể Aylan được phát hiện trên bờ biển và nữ phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ Nilufer Demir đã chụp bức ảnh lay động hàng triệu trái tim trên thế giới.

Đồng vị trí thứ ba là các bức ảnh Nelson Mandela được trả tự do năm 1990 sau 20 năm tù đày; Phi hành gia Buzz Aldrin trên mặt trăng năm 1969...

"Người tù chính trị" vĩ đại Nelson Mandela được trả tự do năm 1990. Ảnh: AP

Ngoài ra, danh sách ảnh có sức ảnh hưởng nhất trong 5 thập kỷ qua còn bao gồm bức ảnh thái tử Charles hôn công nương Diana, khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị bắn năm 1981.

Hoàng Nam/giadinhmoi.vn

Tin liên quan