Có thể hàng ngày bạn vẫn phải hướng dẫn cho đứa con bé bỏng của mình rất nhiều điều. Nhưng ngược lại, có không ít điều người lớn nên ‘bắt chước’ lũ trẻ con đấy nhé!
9 đức tính này thể hiện sự ‘thông thái’ của trẻ nhỏ mà ai cũng nên học.
1. Thể hiện cảm xúc chân thực
Rõ ràng, bạn sẽ không nằm ăn vạ trên sàn nhà, la hét hoặc khóc lóc khi sếp của bạn làm cho bạn căng thẳng. Tuy nhiên, đừng lúc nào cũng che giấu cảm xúc thật của mình.
Tina Gilbertson, một chuyên gia về tâm lý trị liệu tại Colorado (Mĩ) nói rằng: ‘Trẻ con là những bậc thầy trong việc thể hiện cảm xúc chân thực. Cha mẹ nên làm theo cách đó’.
Theo Tina Gilbertson, đôi khi người lớn muốn nổi điên hoặc khóc, nhưng cố gắng kiềm chế vì cho rằng điều đó ‘không phù hợp’
‘Không có gì là không phù hợp, hoặc thậm chí có hại, về cảm giác khi bạn thể hiện nó theo cách an toàn cho bạn và người khác’, cô nói thêm.
Theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý này, nếu bạn có cảm xúc tồi tệ, hãy nói ra. ‘Hãy trung thực - ít nhất với bản thân - về cảm giác của bạn’ - Gilbertson nói.
Tâm sự với một người thân hoặc một người bạn đáng tin cậy, viết nhật ký, hoặc thậm chí nói chuyện với người đã làm bạn giận dữ - đó là một vài cách để diễn tả cảm xúc của bạn.
2. Vui vẻ thực sự với những hoạt động thể chất
Trong khi bạn cố gắng vật vã mỗi ngày để thức dậy chạy bộ buổi sáng, đứa con nhỏ của bạn có thể rất hứng thú chạy lũn cũn ngoài công viên.
Trong khi người lớn cố gắng có một hoạt động thể chất nào đó vì nó ‘tốt cho sức khỏe’ thì những đứa trẻ nhảy nhót, nô đùa vì chúng yêu thích điều đó. Chúng tràn đầy năng lượng, tràn ngập tiếng cười… Và một khi tập luyện đã kết thúc, chúng lại háo hức cho lần tiếp theo.
Hãy học những đứa trẻ: Hãy nhớ lại khi còn là một đứa trẻ và xác định hoạt động nào bạn yêu thích. Nếu bạn thích bóng đá, hãy tìm một đội gần nhà để tham gia. Nếu bạn thích đi xe đạp – hãy thử. Nếu thích nhảy, hãy chọn một lớp zumba hoặc belly dance…
Hãy tập luyện đừng vì ý nghĩ ‘Tôi nên làm’ mà vì ‘Tôi thích làm điều này’. Bạn sẽ dễ dàng đạt được kết quả mong muốn hơn gấp nhiều lần.
3. Yêu cơ thể bạn
Trẻ con có thể vui vẻ cởi ngay áo giữa cửa hàng quần áo để mẹ thử cho chiếc áo mới, nhảy nhót tắm mưa mà không ngại ngần.
Riêng về mức độ yêu cơ thể mình thì trẻ con là số 1!
Đây là điều mà người lớn rất kém cỏi. Đa phần người lớn, dù đàn ông hay phụ nữ, ở mọi lứa tuổi, đều không hài lòng với một hoặc rất nhiều đặc điểm trên cơ thể mình.
Bạn có thể bất ngờ, nhưng sự thực là chỉ khi yêu cơ thể mình, bạn mới trở nên tự tin và có ý thức chăm sóc cho cơ thể tốt lên.
Có một vài cách để thúc đẩy sự tự tin về cơ thể, đó là: ăn uống lành mạnh, các bữa ăn cân bằng, làm việc chăm chỉ (để tạo sự giải phóng năng lượng) và đảm bảo ngủ đủ giấc.
Thêm mẹo nhỏ này nữa nhé: hãy chọn một vài kiểu trang phục vừa vặn và tôn vóc dáng của mình. Chắc chắn ai cũng có ưu điểm riêng về hình thể, chỉ có điều bạn có biết khai thác thế mạnh của mình hay không mà thôi.
Hãy để bản thân mình tỏa sáng!
4. Chỉ cần nói ‘không’
Có vẻ ‘không’ là từ yêu thích nhất của bọn trẻ mới tập nói.
Mẹ mời con ăn, con ‘Không’. Hỏi con: ‘Ngủ nhé?’ – ‘Không’. Thậm chí, mẹ tạm biệt con để đi làm, con không vui, con cũng ‘Không’…
Dĩ nhiên thái độ ‘bất hợp tác’ của các em bé có thể gây khó chịu, nhưng nghĩ mà xem, nhiều khi người lớn nên theo gương của các bé.
Hãy dũng cảm nói ‘không’ với những điều bạn không muốn làm hoặc không có thời gian để làm. Điều đó sẽ bạn bớt căng thẳng của, giải phóng thời gian và năng lượng cho những điều bạn thực sự thích.
5. Hỏi những gì bạn muốn
Các nhóc tì thường biết rất rõ chúng muốn gì và ngay lập tức yêu cầu người lớn đáp ứng. Chúng thậm chí không ngại nhắc đi nhắc lại, cố gắng lấy lòng cha mẹ bằng cách hôn, ôm, thơm,… để đạt được mục đích. Nếu vòi vĩnh mãi không được, chúng sẽ dùng đến vũ khí cuối cùng là nước mắt.
Đây lại là điều mà người lớn luôn ngại ngùng. Từ việc yêu cầu một món quà lãng mạn từ chồng hay đề xuất tăng lương, bạn đều phải nghĩ tới nghĩ lui. Và cuối cùng quyết định rất có thể là ‘Thôi không nói nữa’.
‘Nếu bạn không hỏi, bạn sẽ không nhận được gì’ – bọn trẻ chắc chắn thuộc nằm lòng câu châm ngôn này.
6. Không tự làm tổn thương
Một đứa trẻ bị ngã, chúng có thể sẽ khóc, nhưng sau đó chúng tiếp tục đi chứ không dừng lại để dằn vặt bản thân vì đã quá vụng về.
Đây là một chiến lược bạn cần làm theo. Thay vì chỉ trích bản thân mình một cách khắc nghiệt và hồi tưởng lại những sai lầm trong đầu của bạn, hãy thư giãn.
Đừng lo lắng về những thất bại của bạn. Thay vào đó, hãy tự đứng dậy, học từ thất bại và tiến gần hơn đến thành công.
7. Tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt
Lần cuối cùng bạn mỉm cười chỉ vì nhìn thấy trời nắng ấm là khi nào?
Khi trưởng thành, chúng ta thường bỏ qua những niềm vui nhỏ nhặt. Dion Metzger, bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần cho biết: ‘Một đứa trẻ có thể cười vui vẻ với một trò đơn giản như cái quay quay vòng vòng.
Bạn thì sao? Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn cảm thấy hạnh phúc. Đó có thể chỉ là đi bộ vào một ngày đẹp trời, xem một bộ phim hài hước, hoặc nhìn đứa con đang tập đi của mình lẫm chẫm trong phòng khách’.
Hãy nhớ điều đó để bạn có thể tìm kiếm chúng một lần nữa khi bạn cần một khoảnh khắc vui.
Có rất nhiều niềm vui nho nhỏ sẽ tình cờ đến với bạn, như một cầu vồng đôi trên bầu trời, một nụ hôn trên trán từ người bạn đời, hoặc nghe một bài hát yêu thích. Hãy mở lòng chào đón những cảm xúc đó, bạn nhé!
8. Ngủ trưa một giấc ngắn
Trẻ con thường bị cha mẹ, người trông trẻ bắt ép phải đi ngủ trưa.
Nhưng người lớn thì đa phần lại ‘trốn’ ngủ trưa. Lý do của họ là bận rộn công việc, nhưng có thể thời gian đó họ chỉ ngồi chơi game, lướt nét hoặc ra trà đá chém gió.
Một giấc ngủ ngắn (20-30 phút) có thể giúp cải thiện tâm trạng, sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc của bạn. Vì vậy, nếu bạn có thể, hãy ngủ như một bé con vào mỗi buổi trưa!
9. Yêu cầu sự giúp đỡ
Mặc dù đứa trẻ nào cũng thích thú thử nghiệm tự làm việc này việc khác, nhưng chúng không ngại khi yêu cầu: ‘Giúp con với!’
Khi bạn nghe nhóc con nhà mình la lên ‘Cứu con với!’ chỉ vì nhìn thấy một con sâu rau bé tẹo, bạn chắc chắn không thể ngăn mình nở một nụ cười.
Tuy nhiên, bạn lại không vui vẻ gì khi bản thân mình yêu cầu trợ giúp. Nhiều người phụ nữ do dự để nhờ giúp đỡ vì họ cảm thấy điều này đồng nghĩa với việc họ tỏ ra quá yếu đuối, không chủ động trong cuộc sống.
Hãy vượt qua những mục tiêu ‘Tôi có thể làm mọi thứ’.
Tự làm mọi thứ không có nghĩa là bạn sẽ trở thành siêu nhân. Nhờ vả một chút từ những người xung quanh cũng không có nghĩa là bạn ỷ lại.
Hãy vui vẻ nhờ người khác hỗ trợ, cũng như sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh khi cần. Cho đi hay nhận lại – cả hai đều là niềm vui.