Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ lây lan cao. Hiện đã có 58 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy hơn 2,3 triệu con lợn.
Theo Tổ chức Thú Y Thế giới (viết tắt là OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus có trong máu, cơ quan và dịch bài tiết của lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh tả lợn lây lan nhanh với các loài lợn, xảy ra ở mọi giống lợn, mọi lứa tuổi lợn và tỷ lệ chết là 100% ở lợn nhiễm bệnh.
Năm 1921, bệnh tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, sau đó lan truyền nhanh chóng và trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên tả lợn châu Phi được phát hiện tại châu Âu.
Năm 2007, bệnh này xuất hiện ở lợn tại các nước châu Mỹ. Cho đến nay, bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%.
Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Bệnh không lây truyền từ động vật sang người. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.
Ngay từ những tháng cuối năm 2018, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Trung Quốc và chưa ghi nhận tại nước ta, Bộ Y tế đã theo dõi sát tình hình dịch bệnh và triển khai các hoạt động phối hợp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đổi với kinh tế - xã hội của nước nhà.
Bộ NN&PTNT thông tin, hiện hầu hết các địa phương đã chủ động dập dịch, xử lý ngăn chặn đà lây lan. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đã tiêu huỷ trung bình 30% tổng đàn lợn địa phương vì mắc dịch.
Ông Chu Đức Huy – Cục Thú Y cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra.
Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, gây thiệt hại nghiệm trọng với tỷ lệ chết cao đến 100%.
Vi rút gây ra dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài.
Hiện nay, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lượn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loại động vật khác. Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.
Bộ Y tế cũng khẳng định, bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người do đó thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh vẫn được khuyến cáo sử dụng bình thường.
Người dân cần hiểu được biện pháp phòng bệnh nhưng không tẩy chay ăn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu để giám sát, kiểm tra người, hàng hóa, phương tiện nhập cảnh từ các nước đang có dịch bệnh nhằm hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta.
Khi chẳng may lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, ở thể cấp tính, con lợn nhiễm bệnh có thể sẽ bị sốt cao (40.5 - 42°C), tuy nhiên lợn không có triệu chứng nào đáng chú ý nào trong vài ngày đầu nhiễm bệnh, sau đó lợn dần mất đi sự thèm ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước trong 2 - 3 ngày đầu tiên.
Với những con lợn da trắng, 4 chân của nó có thể chuyển sang màu xanh tím kèm theo xuất huyết (da trắng chuyển sang màu đỏ) trên vành tai, đuôi và ngực, bụng.
Trong 1 - 2 ngày trước khi lợn chết, chúng sẽ có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp bất thường, khó thở hoặc có bọt lẫn máu khi thở ở mũi, viêm mắt, lợn nôn mửa kèm theo tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân có chất nhầy và máu.
Lợn thường chết trong vòng 6 - 13 ngày hoặc thậm chí là 20 ngày kể từ khi nhiễm virus. Lợn nái mang thai khi nhiễm bệnh sẽ bị sảy thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ. Ở thể bệnh tả lợn cấp tính, tỷ lệ lợn chết là 100%.
Còn ở thể á cấp, lợn biểu hiện sốt nhẹ, lúc tăng lúc giảm, lười ăn sụt cân, tâm trạng ủ rũ, ho khó thở, viêm khớp đi lại khó khăn, lợn nái mang thai sẽ sảy thai.
Lợn nhiễm tả thể á cấp thường chết trong vòng 15 - 45 ngày, tỷ lệ chết từ khoảng 30 - 70 %.
Lợn có thể khỏi bệnh hoặc bị bệnh mãn tính sẽ nhiễm vi rút thể mãn tính, không có triệu chứng nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút dịch tả lợn châu Phi suốt đời.
Cách phòng trị bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất hiện nay là áp dụng các biện pháp sinh học.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và các loài gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh tả lợn từ nơi này lan truyền sang nơi khác.
Không mua bán, vận chuyển và tiêu thụ lợn đã bị nhiễm bệnh hoặc lợn nghi bị bệnh. Không mua thịt lợn có nguồn gốc không rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn chưa nấu chín từ thịt lợn.
Với những con lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi cần thực hiện nghiêm công tác tiêu hủy, khử trùng môi trường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.