Địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp có an toàn với COVID-19?

Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương đang được chia thành 3 nhóm: nguy cơ cao; có nguy cơ và có nguy cơ thấp. Vậy địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp có an toàn với COVID-19?

Nhóm nguy cơ thấp có an toàn?

Hiện nay các địa phương được chia thành 3 nhóm gồm: Nguy cơ cao; có nguy cơ và có nguy cơ thấp. Và hiện nhiều người đang hiểu nguy cơ thấp là đã an toàn với dịch COVID-19.  

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá: Những địa phương được xếp vào nhóm nguy cơ thấp không có nghĩa là an toàn với COVID-19.

Các địa phương được xếp vào nhóm nguy cơ thấp là nơi đó đang ít có yếu tố dịch xâm nhập và dịch bệnh hiện không phức tạp. Tuy nhiên, chỉ cần 1 ca bệnh được phát hiện thì các nhóm nguy cơ đều sẽ thay đổi, thậm chí từ thấp lên cao. 

“Cả nước đều đang có nguy cơ, không có nơi nào được coi là an toàn, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Vậy nên người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch COVID-19” - ông Phu cảnh báo. 

Địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp cũng không an toàn với COVID-19. Ảnh minh họa

Nhóm nguy cơ thấp có thể lên nhóm nguy cơ cao nếu có bệnh nhân

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, để đưa ra 3 nhóm nguy cơ trên, Ban chỉ đạo cùng các chuyên gia nghiên cứu kĩ lưỡng từng yếu tố dựa trên tính toán khoa học. Thủ tướng cũng khẳng định các nhóm này có thể sẽ luôn thay đổi. Nghĩa là những tỉnh/thành ở nhóm nguy cơ thấp hoàn toàn có thể trở thành nhóm nguy cơ, hoặc thậm chí nguy cơ cao nếu chủ quan.

Những tỉnh/thành phố hiện nay được xếp vào danh sách nhóm nguy cơ thấp không có nghĩa là đã “an toàn” và có tâm lý chủ quan khi phòng dịch.

Điều này có thể thấy rõ ở Hà Giang, trước đó tỉnh Hà Giang được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, nhưng vẫn xuất hiện ca bệnh số 268. Ngay sau đó tỉnh Hà Giang đã thêm vào nhóm tỉnh, thành phố có nguy cơ. Đây chính là minh chứng cụ thể nhất cho việc không có bất cứ địa phương nào được coi là an toàn tuyệt đối trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, các chuyên gia khuyên mọi người thực hiện phòng tránh dịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới về vệ sinh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp và tự giác khai báo y tế trung thực.

Người dân cần thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và có ý thức phòng ngừa bệnh để tránh dịch bệnh lây lan rộng. Ảnh minh họa

Hiện nay dịch COVID-19 tại Việt Nam bước sang giai đoạn mới, lây lan trong cộng đồng, rất khó lường khi xuất hiện các ca bệnh không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ.

Do vậy, việc tuân thủ giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Người dân cần nghiêm túc chấp hành Chỉ thị đã ban hành về giãn cách xã hội để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bản tin sáng ngày 17/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, đến sáng nay số ca bệnh COVID-19 ở nước ta vẫn là 268. Như vậy tròn 24 giờ qua, không ghi nhận ca bệnh mắc mới.

Dự kiến hôm nay (17/4) sẽ có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Về tình hình điều trị của các ca bệnh nặng:

  • BN19 có đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được, nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt, không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, bệnh nhân không sốt trong ngày 16/4.
  • BN161 thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, huyết áp 110/60mmHg, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, bệnh nhân còn sốt cơn dao động trong ngày. Bilan viêm trong ngày có xu hướng giảm nhẹ, men gan xu hướng giảm.
  • BN91 không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu (theo dõi hội chứng HIT) tạm ổn, XQ phổi không tổn thương xấu thêm.
Xem thêm
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan