Năm học 2020- 2021, học sinh lớp 1 (SN 2014) trên toàn quốc sẽ chính thức được học chương trình phổ thông mới. Ngoài môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học và học 2 buổi/ngày.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ÐT cho biết: chương trình phổ thông mới năm học 2020 – 2021 sẽ có những môn mà học sinh được lựa chọn để học thay vì chỉ có một chương trình như những năm trước đó.
Cụ thể: Môn học bắt buộc: Tự nhiên và Xã hội.
Môn học lựa chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1. Với 2 môn này, học sinh có thể lựa chọn 1 môn học mình muốn học.
"Bộ GD&ĐT sẽ thực nghiệm nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học mới, đảm bảo bộ sách giáo khoa hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của thầy trò, để học sinh được thực hiện các hoạt động học một cách tích cực, chủ động và tự lực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực".
Các cơ sở giáo dục cũng sẽ tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Hiện nay, còn 20% cơ sở giáo dục vẫn chỉ đang dạy 1 buổi/ngày cho học sinh.
Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Cụ thể:
- Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1;
- Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6;
- Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10;
- Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11;
- Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ÐT cho biết: Theo lộ trình, năm học 2020 – 2021, Bộ GD&ÐT chính thức thay sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Như vậy, học sinh lớp 1 sinh năm 2014 sẽ là khóa đầu tiên học theo sách giáo khoa (SGK) mới.
"Nghị quyết 88 của Quốc hội và gần đây Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới quy định những vấn đề cốt lõi nhất. SGK là một trong những tài liệu giáo dục rất quan trọng cụ thể hoá chương trình giáo dục phổ thông. Và theo chương trình mới này học sinh có thể học nhiều bộ SGK" - ông Tài cho hay.
Bộ GD&ĐT cũng đã tập huấn cho tất cả lực lượng sau này có thể sẽ được mời thẩm định SGK lớp 1. Từ đó, thống nhất đưa ra yếu tố đặc trưng bộ môn cần đạt được, ví dụ môn Toán thế nào, tiếng Anh, Âm nhạc ra sao...
Từ đó, những người viết sách sẽ cụ thể thành các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với bộ SGK lớp 1 để khi các thành viên hội đồng thẩm định, nhìn vào bộ minh chứng này không có độ vênh nhau quá lớn.
Từ 15/7, Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới.
Ông Tài thông tin: "Qua theo dõi chúng tôi thấy, có nhóm tác giả viết cho vùng trung tâm với yêu cầu cao hơn một chút, cũng có nhóm tác giả hướng đến đối tượng là học sinh vùng nông thôn, khó khăn. Tùy theo tiếp cận thì các nhóm tác giả viết SGK có cách thể hiện khác nhau, nhưng yêu cầu tiên quyết là SGK phải đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình. Chương trình chỉ có một, còn SGK có thể đa dạng".
Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 5 bộ SGK lớp 1 của 3 NXB trình thẩm định là NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
Dự kiến, tháng 10/2019, Bộ GD&ĐT sẽ công bố những bộ SGK đạt chuẩn. Các địa phương sẽ tự lựa chọn bộ SGK phù hợp với học sinh địa phương.