Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào mới đúng?

Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào mới đúng?  Cúng Táo quân có phải chú ý giờ tốt hay không?

Cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp các gia đình lại tiến hành dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn lễ vật để chuẩn bị cúng ông Công ông Táo về trời.

Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào mới đúng?

Ông Công là vị thần cai quản đất đai còn ông Táo lại chuyên quản việc bếp núc trong gia đình. Nhờ có sự cai quản, giúp đỡ của các vị Táo mà gia chủ có thể tránh được sự xâm phạm của ma quỷ và đem đến sự bình yên cho mọi người trong gia đình.

Mỗi năm một lần, các Táo sẽ bay về trời để báo cáo Ngọc Hoàng những việc đã xảy ra với gia đình mà mình cai quản, dựa vào đó mà Thiên đình sẽ định đoạt công tội và thưởng phạt phân minh. Vì thế mà các gia đình dù có bận rộn hay khó khăn thế nào cũng sẽ dành thời gian, dồn tâm sức để chuẩn bị một lễ cúng chu toàn, mong cho gia đình gặp nhiều bình an và may mắn.

Theo các chuyên gia phong Thủy, việc cúng ông Công, ông Táo cần chú ý ngày giờ làm lễ theo những nguyên tắc nhất định. Vậy, cúng ông Công ông Táo vào ngày nào mới đúng? Thông thường, thời điểm lí tưởng nhất để cúng ông Công ông Táo chính là tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp. Trong ngày 23, nên cúng vào khung giờ Ngọ tức từ 11 – 12 giờ trưa bởi đây là thời điểm các Táo tham gia thiết triều với Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, nếu điều kiện công việc không cho phép thì hoàn toàn có thể làm lễ trước từ 1 – 2 ngày.

Một số lễ vật cần có trong mâm cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo cần chuẩn bị gì?

Về lễ vật cúng Táo quân thì tiến sĩ Đinh Đức Tiến – Giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Lễ vật cúng ông Công ông Táo bắt buộc có là 3 bộ mũ, áo (hai mũ đàn ông có cánh chuồn, một mũ đàn bà không có cánh chuồn). Các đồ vàng mã này sẽ được hóa, đốt sau lễ cúng.

Ngoài ra, các gia đình cũng cần chuẩn bị thêm cá chép. Theo quan niệm dân gian, người ta dùng cá chép với ngụ ý cá chép hóa rồng để đưa ông Táo về chầu trời an toàn, thuận lợi. Con cá này sẽ được phóng sinh ra các vùng ao hồ, sông suối ngay sau lễ cúng.

Bên cạnh vàng mã, cá chép, gia chủ cũng nên sắm thêm một số loại lễ vật cúng ông Công ông Táo khác như hương, hoa, trà, quả, cau trầu cùng một mâm cúng mặn với các món như: Nem rán, canh măng, gà luộc, giò lụa… Riêng các lễ vật này có thể tùy cơ ứng biến, tùy hoàn cảnh gia đình mà sắm sữa khác đi không nhất thiết phải có đủ.

Một lưu ý nhỏ khi chuẩn bị lễ vật cúng Táo quân mà các gia đình nên chú ý đó là văn khấn tuyệt đối không nên cầu xin phú quý hay no đủ mà chỉ xin Táo quân báo cáo điều tốt, lời hay bớt nói điều chưa tốt với Ngọc Hoàng. Sau khi tiễn Táo, gia chủ bắt đầu sắp xếp lau dọn lại ban thờ, bát hương để chuẩn bị đón Táo về đêm giao thừa.

Xem thêm:

 

H.G/giadinhmoi.vn

Tin liên quan