Cúng ông Công ông Táo là nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Theo dân gian, lễ cúng Táo quân sẽ được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên nhiều người cũng thắc mắc cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 có được không?
Tục cúng ông Công ông Táo trong văn hóa Việt Nam
Tết ông Công, ông Táo là một trong những nghi lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Theo ghi chép còn lưu, ba vị thần Táo có vị trí vô cùng quan trọng, họ có quyền định đoạt mọi sự cát hung, phúc đức cho gia dình mà mình cai quản. Điều này phụ thuộc nhiều vào tâm đức của gia chủ. Chính vì thế để mong cầu thần bếp báo cáo những lời hay, ý đẹp với Ngọc Hoàng thì hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng Táo Quân long trọng để tiễn ông Táo về trời.
Ngày nay, do những yếu tố khách quan như công việc, học tập nên không phải nhà nào cũng có thể cúng Táo quân đúng ngày mà thường sẽ cúng trước. Vậy cúng Táo quân trước ngày 23 có được không?
Trong bài viết này, Gia đình mới sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề này.
Việc cúng ông Công ông Táo trước hay trong ngày 23 tháng Chạp là vấn đề được nhiều người quan tâm. Chia sẻ về vấn đề này Tiến sĩ Trần Phương, giảng viên khoa Văn hóa và phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Tùy vào điều kiện thời gian của mỗi gia đình mà lựa chọn ngày, giờ cúng là khác nhau. Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên cúng muộn hơn 23 giờ đêm ngày 23 tháng Chạp".
Tiến sĩ Phương cũng chia sẻ thêm rằng mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế các gia đình không nên cúng sau ngày hăm ba.
Nghi lễ cúng ông Công ông Táo chỉ nên cúng ở nhà mà không nên cúng tại đền, chùa, đình, miếu...
Để cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật sau:
- Hai bộ mũ ông Công có cánh chuồn, một bộ mũ không có cánh chuồn để dành cho bà Táo. Trên mâm lễ vật cần chuẩn bị thêm vàng mã, hương hoa cùng oản quả, cau trầu. Gia chủ cần chuẩn bị thật đầy đủ và cần thận.
Thường các đồ vàng mã sẽ được hóa cùng bộ mũ ông Công ông Táo sau khi kết thúc lễ cúng cùng bài vị cũ. Sau lễ này người ta sẽ lập một bài vị mới cho Táo.
Bên cạnh các đồ vàng mã, hương hoa, trà quả thì ở miền Bắc trên mâm cỗ cúng ông Công ông Táo người ta còn cúng thêm 3 con cá chép đỏ còn sống thả trong bát nước với ngụ ý cá chép hóa rồng đưa ông Công ông Táo về trời. Với người miền Trung họ còn chuân bị thêm ngựa giấy có đầy đủ yên cương còn miền Nam thì giản dị hơn với mũ, áo, hia bằng giấy.
Nhìn chung, các lễ vật này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện gia đình mà sắm lễ vật cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp sao cho phù hợp, thành tâm là được.
Xem thêm: