'Con sinh ra từ đâu?' Gợi ý cha mẹ câu trả lời hợp và ý nghĩa hơn câu 'nhặt con ở thùng rác'

Nhặt con ở thùng rác, nhặt con ở đầu làng... là những câu trả lời vô nghĩa nhưng lại gây tổn thương cho con mà cha mẹ không hề biết mỗi khi con hỏi ba mẹ ơi con sinh ra từ đâu.

Trẻ nhỏ luôn có tâm lý tò mò và muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Đặc biệt với việc bản thân chúng được sinh ra từ đâu chắc chắn mỗi bậc phụ huynh đều ít nhất có một lần được nghe con hỏi rằng: " ba mẹ ơi, con đến từ đâu, con sinh ra từ đâu". 

'Con sinh ra từ đâu?' Gợi ý cha mẹ câu trả lời hợp và ý nghĩa hơn câu 'nhặt con ở thùng rác'

Câu hỏi tưởng như rất đơn giản, thế nhưng để đưa ra một câu trả lời phù hợp cho con là không hề dễ. Bởi chúng sẽ tin tưởng vào câu trả lời từ cha mẹ, nên thay vì những câu trả lời vô nghĩa, khiến con lầm tin là sự thật, cha mẹ nên trả lời con một cách mềm mại, phù hợp và ý nghĩa hơn. 

Trước khi đưa ra câu trả lời hay, phù hợp và ý nghĩa cha mẹ cần tránh cách trả lời sai lầm dưới đây: 

1. Đưa ra câu trả lời vô căn cứ

Không ít cha mẹ trong trường hợp ấy sẽ thuận miệng nói bừa, kiểu như: “Mẹ nhặt con ở thùng rác về”. Đối với cha mẹ có thể là một lời đùa vui nhưng trẻ nhỏ thì lại không hề nghĩ như vậy. Chúng nghiêm túc hỏi cha mẹ, tất nhiên cho rằng câu trả lời của cha mẹ mình là thật.

Vì thế chúng sẽ rất buồn bã khi biết rằng mình vốn nằm ở thùng rác, được cha mẹ nhặt về nuôi. Trong lòng trẻ ắt nảy sinh cảm giác không an toàn, bất an, lo lắng có ngày bị cha mẹ bỏ trở về thùng rác. Câu trả lời thuận miệng kia của người lớn không nghi ngờ gì chính là một đả kích lớn đối với đứa trẻ.

Do đó, cha mẹ chớ nên coi nhẹ câu hỏi của con mà vui miệng nói bừa. Thế giới của trẻ em rất nhỏ, đối với bạn chỉ là một câu nói đùa bâng quơ nhưng đối với bé có thể là chuyện lớn lao vô cùng.

2. Trốn tránh vấn đề

Có người khác khi nghe con hỏi như vậy lại gạt đi ngay: “Con còn nhỏ, hỏi những chuyện đó làm gì!”. Có thể lúc ấy trẻ không tiếp tục hỏi cha mẹ nữa. Nhưng thực ra trong lòng trẻ thì chưa quên vấn đề thắc mắc của mình.

Không hỏi được cha mẹ, trẻ có thể hỏi những người khác hoặc bạn bè đồng trang lứa. Lúc ấy thông tin trẻ thu nạp được sẽ rất hỗn loạn, thậm chí lệch lạc. Để tránh tình trạng ấy xảy ra thì bạn đừng trốn tránh vấn đề khi được con hỏi nhé!

3. Trả lời một cách quá khoa học, cứng nhắc

Trả lời qua loa không được, trốn tránh không được nhưng nếu cha mẹ trả lời con quá mức khoa học cũng chẳng ổn chút nào đâu. Bởi khi đó, cha mẹ sẽ cung cấp cho trẻ không ít kiến thức giới tính mà lứa tuổi của con chưa thể hiểu thấu cũng như chưa cần thiết tiếp nhận.

Ngoài ra, tiếp xúc với kiến thức giới tính quá sớm, trẻ sẽ càng sớm nảy sinh tò mò về cơ thể mình và cơ thể các bạn khác giới. Bởi thiên tính của trẻ nhỏ chính là tò mò, muốn khám phá. Đó là một ảnh hưởng không hề có lợi cho bé ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Vậy khi con hỏi như vậy, cha mẹ nên trả lời con thế nào là phù hợp?

Đối với trẻ em lứa tuổi 3-5 tuổi, cha mẹ hãy đưa ra câu trả lời càng ngắn gọn càng tốt, cũng tránh những từ ngữ chuyên ngành, quá khoa học, quá logic khiến trẻ khó hiểu. 

Khi con đặt câu hỏi như vậy, cha mẹ có thể mỉm cười, nhẹ nhàng nói với con thế này:

“Mẹ và bố sau khi làm đám cưới thì đều muốn có một đứa con đáng yêu. Thế là lấy trên người bố một chút, lấy trên người mẹ một chút, sau đó đặt vào bụng của mẹ và con đã lớn dần lên trong bụng mẹ. Có phải các chú các dì lúc thì bảo con giống mẹ, lúc khác lại nói con giống bố hay không?”.

Lúc này đứa trẻ chắc chắn sẽ “à” lên một tiếng: “Hóa ra là thế này, thảo nào con vừa giống mẹ vừa giống bố!”.

Minh Khuê/giadinhmoi.vn

Tin liên quan