Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia được tổ chức để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số trong ngành Y tế, định hướng các cộng đồng Doanh nghiệp và các Đơn vị Nhà nước phối hợp, hỗ trợ thực hiện Chuyển đổi số Y tế có hiệu quả.
Trong 2 ngày 29 và 30/12 sắp tới, Bộ Y tế tổ chức Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia 2020 do Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đồng chủ trì.
Hội nghị là nơi lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ban, ngành trao đổi thông tin, kết nối, thúc đẩy mạng lưới chuyển đổi số y tế và những ứng dụng công nghệ tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ, sản sinh những công cụ sản xuất hội tụ giữa thế giới thực và thế giới số.
Chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D…
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động dẫn đến thay đổi tích cực của ngành y tế theo 3 nhóm nội dung chính: Tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, điều hành trong nội bộ cơ quan, đơn vị ngành y tế trên nền tảng công nghệ số; tác động trực tiếp đến cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ truyền thống sang nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi; tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của cán bộ, thầy thuốc, hình thành "người thầy thuốc số".
Thông tin với báo chí, PGS Tường cho biết, trong 2020, Việt Nam đã tận dụng tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, bối cảnh COVID-19.
Bộ Y tế đang tập trung thực hiện 3 chương trình y tế điện tử: Xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế; Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn theo tiêu chuẩn; Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa của Bộ Y tế kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Về hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT, Bộ Y tế đã xây dựng Trung tâm dữ liệu y tế của Bộ, bảo đảm hạ tầng cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thông kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, thư điện tử.
Về triển khai Chính phủ điện tử, Bộ đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử, 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành thực hiện trên môi trường mạng và được ký số; khai trương Cổng dịch vụ công; Cổng công khai Y tế; Cổng công khai giá.
Ngành Y tế đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT: 100% bệnh viện trên toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Ngoài ra, 23 bệnh viện đã dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Một số bệnh viện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hiện đã sử dụng mạng xã hội để tương tác với bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum; 1.300 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh từ xa Telehealth…
Đặc biệt, công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam với hàng loạt ứng dụng như khai báo y tế điện tử (NCOVI), ứng dụng truy vết Bluezone với 23 triệu người dùng, an toàn COVID-19…
PGS Tường cho hay, tốc độ chuyển đổi số trong ngành y tế vẫn còn chậm, chưa được như kỳ vọng.
Theo tính toán, nếu một bệnh viện lớn đầu tư chuyển đổi số bài bản từ đầu có thể mất 160 tỷ đồng, mức thấp khoảng 20-30 tỷ đồng.
“Dù lợi rất lớn nhưng nhiều cơ y tế không đánh giá được, không sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn ban đầu. Chúng tôi tính toán mỗi bệnh viện chỉ cần bỏ ra 0,6-3% tổng doanh thu để đầu tư chuyển đổi số. Đây là con số có thể chấp nhận được”, ông Tường nói.
Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.
Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.