Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Thế nào là một gia đình hạnh phúc?

Gia đình hạnh phúc vừa là mong muốn, khát vọng vươn đến của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Vậy như thế nào là một gia đình hạnh phúc?

Gia đình là gì?

Các nhà xã hội học cho rằng, theo nghĩa rộng, “Gia đình là một thiết chế xã hội, nghĩa là một đơn vị cơ sở được mọi người công nhận để thực hiện những chức năng xã hội nhất định mà trước hết là sự tái sinh các đặc trưng của loài người”; theo nghĩa hẹp, gia đình là “một nhóm gồm một cặp vợ chồng chung sống với lớp kế cận trực tiếp của họ” (G.Endruweit và G.Trommsdorff 2002).

Khái niệm gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”.

Gia đình hạnh phúc là sự hài lòng của các thành viên gia đình về đời sống vật chất, sức khỏe thể chất và tinh thần... Ảnh minh họa

Gia đình hạnh phúc là sự hài lòng của các thành viên gia đình về đời sống vật chất, sức khỏe thể chất và tinh thần... Ảnh minh họa

Thế nào là gia đình hạnh phúc?

Gia đình hạnh phúc vừa là mong muốn, khát vọng vươn đến của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Gia đình hạnh phúc còn là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ví dụ, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nêu rõ mục tiêu của Chiến lược này là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có định nghĩa chính thức về gia đình hạnh phúc. Có thể nói đo lường mức độ hạnh phúc của gia đình là câu hỏi khó và chưa có được sự đồng thuận chung.

Gia đình hạnh phúc có thể là tổng hòa hạnh phúc của các cá nhân theo hướng “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, nhưng có tài liệu cho rằng, gia đình hạnh phúc không chỉ bao hàm giá trị hiện tại mà còn có cả quá khứ và tương lai.

Gia đình hạnh phúc có thể có những tương đồng với văn hóa gia đình, theo văn hóa, những yếu tố tinh thần và sự tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong gia đình được cọi trọng và xem như là tiêu chí để tạo lên gia đình hạnh phúc.

Gia đình hạnh phúc có khi ở ngay bên cạnh chúng ta, trong những điều nhỏ nhặt bình dị nhất mà bạn lại cứ tìm kiếm ở nơi xa xôi. Gia đình hạnh phúc có đôi khi là vợ chồng hòa thuận, hiếu thảo với cha mẹ, cùng ngồi bên nhau trong những bữa cơm gia đình ấm áp, cùng chia sẻ những lo toan trong cuộc sống bộn bề.

Gia đình hạnh phúc là không thể nhìn thấy hay cân đo đong đếm nhưng lại là thứ mà bạn có thể tìm thấy và cảm nhận được trong những tháng ngày hai vợ chồng nắm tay nhau qua thử thách của cuộc sống và thời gian.

Gia đình hạnh phúc không chỉ là khi hai người cùng chia sẻ những niềm vui mà còn là khi biết có nửa kia cùng chia sẻ nỗi buồn. Gia đình hạnh phúc là khi bạn khóc có người thấu hiểu, tiếng lòng bạn có người lắng nghe….

Hạnh phúc gia đình là khi cùng nhau chăm sóc những đứa con, dắt chúng tập đi và nhìn chúng bước trên con đường đời mà chúng chọn, gia đình hạnh phúc có đôi khi chỉ là được bên nhau qua những ngày mưa cũng như những ngày gió, thấy nhau vẫn ở cạnh bên, vươn tay là tới, mở mắt là thấy hình bóng nhau…

Có người đề cao giá trị của tiền bạc thì cho rằng gia đình hạnh phúc là phải có kinh tế vững “có tiền mua tiên cũng được”,..

Như vậy, dựa trên các tài liệu tham khảo và căn cứ theo tiếp cận cấu trúc – chức năng, Vụ Gia đình xác định gia đình hạnh phúc là sự hài lòng của các thành viên gia đình về tổng hòa các yếu tố khách quan, chủ quan về đời sống vật chất, sức khỏe, đời sống tinh thần, mối quan hệ trong gia đình và mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng.

Cách giữ gia đình hạnh phúc

Cách giữ gia đình hạnh phúc của mỗi người là không giống nhau, mỗi người sẽ giữ gìn nó theo một cách riêng thế nhưng có một điểm chung nhất là gia đình hạnh phúc cần sự sẻ chia từ hai phía. Không có gia đình hạnh phúc chỉ được tạo nên từ một phía, nó phải được cả gia đình cùng vun đắp qua những ngày tháng chung sống, chia ngọt sẻ bùi đắng cay, lo toan vất vả.

Những người vợ, người chồng không chăm lo cho gia đình, cứ mải chạy theo những cám dỗ bên ngoài sẽ chỉ nhận được thỏa mãn trong phút chốc mà không thể nắm bắt được hạnh phúc thật sự, thứ sẽ khiến bạn thanh thản trong tâm hồn và bình yên trong mỗi giấc ngủ.

Rất nhiều gia đình hạnh phúc đã đổ vỡ do đôi bên thiếu đi lòng tin vào nhau, người vợ ghen tuông luôn rình mò tra khảo chồng, người chồng ghen tuông chỉ biết cấm đoán vợ mình, khi đó, hai vợ chồng đã đánh mất cơ hội được chung hưởng hạnh phúc khi bên nhau trao tin tưởng và yêu thương, cảm nhận những phút giây hạnh phúc mà một gia đình bình thường nên có.

Gia đình như vậy chỉ có áp lực và khó chịu chẳng thể lâu bền. Khi phải sống dưới bầu không khí gia đình quá ngột ngạt như vậy, mà chẳng ai còn lưu luyến mái ấm siêu vẹo này nữa, mà đi tìm niềm vui hạnh phúc ở bên ngoài, bên cạnh những người cho họ cảm giác được tin tưởng và yêu thương dù là giả tạo. Chính vì lẽ đó mà không giữ được hạnh phúc gia đình bền lâu được.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính