Chữ ký của bác sĩ Hoàng Công Lương

Một bác sĩ để đến khi được phép có chữ kí như Bs Hoàng Công Lương, phải mất tối thiểu 13 năm miệt mài học tập và rèn luyện. Lý do để bác sĩ Lương ký vào các y lệnh cũng chính là nút mở để gỡ tội cho bác sĩ trẻ này.

Bị cáo Hoàng Công Lương tại toà
Xem thêm

Trong suốt 5 ngày diễn ra phiên xử vụ án chạy thận làm chết 8 bệnh nhân của BVĐK tỉnh Hòa Bình, HĐXX chỉ xoay quanh cuốn sổ giao ban nhằm làm rõ vai trò chữ kí của Bs Hoàng Công Lương.

Để khép Bs Lương vào tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì bị cáo Lương phải thỏa mãn ít nhất 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Một trong 4 yếu tố đó là chủ thể tội phạm phải có chức vụ và quyền hạn. 

Chức vụ do giám đốc bệnh viện bổ nhiệm; quyền hạn là nhiệm vụ, công việc quản lí được giám đốc phân công.

Cuối giờ chiều 21/5, sau khi Điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công đã xin thay đổi lời khai, rằng “chức vụ và quyền hạn” ghi trong cuốn sổ giao ban cuối năm là do anh viết thêm vào; cả hội trường vỗ tay rào rào, có thân nhân người bị hại không kiềm chế được sự xúc động đã phải thốt lên “Hay quá!”

Sở dĩ có chuyện bi hài này, là do chữ kí của Bs Lương luôn kí đè lên chữ kí của Bs Huyền và Bs Linh, nếu anh khám và chỉ định thì 2 bác sĩ kia không kí vào. Cơ quan điều tra, VKS đã không hiểu về bản chất chữ kí này, nên vụ án đã đi theo hướng kết tội Bs Lương như trong cáo trạng.

Chữ viết của bác sĩ rất khó đọc. Nhưng chữ kí của bác sĩ lại khác, nó không chỉ đơn giản là khẳng định danh tính của một con người; mà chữ kí bác sĩ phản ánh những câu chuyện kinh dị về sự khó nhọc, nó đại diện cho những năm tháng học tập và đào tạo, nó quy định một bác sĩ được phép làm những công việc gì.

Chữ kí của bác sĩ bao gồm tất cả những sự hi sinh mà bác sĩ đã trải qua.

Tốt nghiệp 6 năm đại học y, bác sĩ chưa được kí, hay nói cho đúng thì chữ kí của bác sĩ chưa có giá trị pháp lí, thậm chí là vi phạm vì những kiến thức học từ trường y mới chỉ xóa mù về bệnh học.

Bác sĩ muốn làm được việc, bắt buộc phải đi học thêm 9 tháng chuyên khoa định hướng. Lớp học định hướng trùng với thời điểm phát bằng tốt nghiệp, vì vậy mà học viên đăng kí phải chờ 12 tháng, tức là đến tháng 9 năm sau.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa bác sĩ Trần Văn Phúc và Hoàng Công Lương trước khi phiên toà diễn ra tại Hoà Bình

Xong chuyên khoa định hướng, bác sĩ mới đảm bảo điều kiện cần để khám chữa bệnh. Điều kiện đủ, bác sĩ phải học thêm khóa đào tạo liên tục 18 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ đăng kí học được gửi lên Phòng Hành nghề của Sở Y tế với các bệnh viện tỉnh trở xuống, gửi lên Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế với các bệnh viện tuyến Trung ương. Thời gian chờ đợi là 60 ngày nếu các thủ tục giấy tờ hợp lệ.

Chỉ những bệnh viện có giường bệnh và có chức năng đào tạo liên tục mới được đào tạo bác sĩ để cấp chứng chỉ hành nghề. Mỗi bác sĩ chỉ được phép hướng dẫn 5 học viên, điều kiện bác sĩ đó phải có giấy phép hành nghề và chứng chỉ sư phạm mới được hướng dẫn.

Trong thời gian 18 tháng đào tạo liên tục này, bác sĩ vẫn chưa được phép kí. Nhưng các bệnh viện vẫn cho bác sĩ đó kí để tập quen tay, xong bác sĩ khác vẫn phải khám, kiểm tra lại bệnh nhân, rồi kí đè lên mới đảm bảo đúng quy định.

Tốt nghiệp 18 tháng, bác sĩ làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Y tế hoặc Bộ Y tế, thời gian chờ đợi là 60 ngày nếu tất cả mọi thủ tục suôn sẻ nhất.

Có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ khám chữa bệnh đúng lĩnh vực phạm vi hành nghề, thì sẽ được kí vào sổ y bạ, đơn thuốc, bệnh án, hay ra y lệnh. Tuy nhiên, trong thời gian 36 tháng, bác sĩ không được phép làm độc lập, mà luôn có sự giám sát của một bác sĩ có giấy phép hành nghề.

Sau 36 tháng kể từ khi được phép kí, bác sĩ có thể làm hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề. Kể từ đây, bác sĩ được sắp xếp vào các ê kíp làm việc với chứng năng nhiệm vụ cụ thể, do trưởng phó khoa phân công.

Tổng thời gian tối thiểu để chữ kí của bác sĩ có giá trị = 6x12 + 9 + 9 + 2 + 18 + 2 + 36 = 148 tháng.

Như vậy, một bác sĩ để đến khi được phép có chữ kí như Bs Hoàng Công Lương, phải mất tối thiểu 13 năm miệt mài học tập và rèn luyện. Bắt đầu từ năm thứ 7 trở đi, bác sĩ học phải đóng học phí với số tiền không hề nhỏ. Hầu hết các bác sĩ đều tự bỏ tiền túi ra nộp, số ít may mắn xin được vào các bệnh viện thì cơ quan bỏ tiền ra hỗ trợ.

Chữ kí bác sĩ phản ánh những câu chuyện kinh dị về sự khó nhọc, nó đại diện cho những năm tháng học tập và đào tạo, nó quy định một bác sĩ được phép làm những công việc gì.

Ngành y có những đặc thù khác biệt. Ví dụ một bác sĩ không qua đào tạo sau đại học như vậy, muốn có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thời gian làm việc liên tục trên 8 năm đúng lĩnh vực đó, ở một bệnh viện có giường bệnh và có chức năng đào tạo liên tục.

Những hình thức đào tạo khác, như bác sĩ nội trú là những người rất giỏi phải qua kì thi tuyển khắc nghiệt ôn cả năm vẫn trượt, hay cao học lấy bằng thạc sĩ cũng khó khăn không kém mấy so với nội trú; cả 2 loại hình đào tạo này đều từ 3 năm kèm thêm 1 năm ôn thi.

Chuyên khoa cấp I có thời gian đào tạo 2 năm, sau đó tiếp Chuyên khoa cấp II đào tạo 2 năm kèm luận văn tốt nghiệp nhưng nếu không suôn sẻ thì sẽ kéo dài thêm. Đấy là chưa kể, trong suốt thời gian làm việc, bác sĩ phải có đủ 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp.

Đó là tất cả những lí do, để HĐXX Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình cần biết rằng tại sao Bs Lương lại phải kí đè lên chữ kí của Bs Huyền và Bs Linh, trong khi y lệnh của anh thì không ai phải kí vào đó! Và như vậy, cùng với những diễn biến ở tòa, tôi tin rằng Bs Hoàng Công Lương sẽ được tuyên vô tội.

Chữ kí của bác sĩ tốn nhiều mực hơn tất cả các chữ kí khác! 

Xem thêm
Trần Văn Phúc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan