Sáng 13/5, bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Xanh Pôn đã bất ngờ có mặt tại nhà của Hoàng Công Lương.
Trước cuộc gặp gỡ này, bác sĩ Trần Văn Phúc đã có nhiều bài viết, status hay talk trên truyền hình về sự cố chạy thận liên quan tới bác sĩ trẻ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Anh cũng là người từng có phát biểu trên Gia Đình Mới rằng, dù cho có theo quy trình hay không thì nhân viên y tế luôn đặt người bệnh lên trên hết, chuyên môn lên đầu. Trong tình huống đối diện giữa sự sống và cái chết thì bác sĩ nên "xé" quy trình đi. Nhưng trong trường hợp bệnh nhân không được cứu sống thì bác sĩ sẽ phải đối mặt với rủi ro về dư luận xã hội.
Anh nói, trong ngành y các thế hệ đi trước đều dạy thế hệ đi sau rằng, chỉ khi nào không làm việc thì mới không sai. Sự thất bại, sai lầm luôn luôn là những bài học quý giá và là bài học đi tới thành công.
Lần này anh quyết định gặp Hoàng Công Lương, ngay ở thời điểm chờ đợi phiên toà mở lại. Với áo phông và quần jeans giản dị, anh muốn mọi thứ thật thoải mái, tự nhiên.
Ngược lại, bác sĩ Hoàng Công Lương đã biết đến bác sĩ Trần Văn Phúc qua Facebook và coi anh như thần tượng từ lâu. Nay gặp trong hoàn cảnh éo le khiến bác sĩ trẻ mừng mừng, tủi tủi.
Hai vị bác sĩ, một từng trải ở tuổi 45, một mới chỉ 31 tuổi, nhiệt huyết nhưng đang gặp biến cố lớn nhất trong đời ngồi trò chuyện với nhau suốt một buổi sáng.
Đó không phải là những lời động viên như bình thường mà là chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về nghề y, về sự đối mặt, số phận của bác sĩ… Nó giống tâm sự của đàn anh trong nghề, truyền đạt lại cho đàn em chuẩn bị đối mặt với sóng gió.
Gia Đình Mới trân trọng đăng tải cuộc trò chuyện này:
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Tất cả 8 người đã chết, một thảm hoạ y tế chưa từng xảy ra trong lĩnh vực thận nhân tạo. Việc như vậy là thảm hoạ chứ không phải tai biến thông thường.
Anh theo quan điểm chung của toàn thế giới: Luật pháp trong ngành y xuất phát từ đạo đức. Chúng ta phải làm thế nào để trong khủng hoảng có cơ hội, cơ hội để cứu người cùng cảnh khác, không để xảy ra thảm hoạ tương tự như vậy trong y khoa.
Theo quan điểm của anh, chắc chắn ai rơi vào tình huống đó cũng sốc. Rõ ràng, thảm hoạ 8 bệnh nhân tử vong ở BVĐK tỉnh Hoà Bình được đặt trong bối cảnh một vụ tai nạn, mà bác sĩ Lương và đồng nghiệp của anh không được cảnh báo trước nên không có cách nào để ngăn chặn. Dù có ai đặt vào tình huống đó, kể cả bác sĩ Phúc thì cũng sẽ bị như Lương.
Là một người bác sĩ, nhìn bệnh nhân của mình bị tai biến, dẫn tới tử vong là một điều ám ảnh khủng khiếp. Đằng này, em phải chứng kiến 8 bệnh nhân tử vong và 10 người bị tai biến là một sự ám ảnh trong thời gian dài. Đặc biệt là phải nhìn bệnh nhân chết trên tay của mình.
Anh cũng vậy, khi bệnh nhân tử vong, cảm thấy chán nản vì mình phải bó tay trước sự việc đó. Anh cho rằng, xử lý theo pháp luật chỉ là xử lý một phần nhỏ chỉ trong câu chuyện lớn hơn: Làm thế nào để rút ra bài học mà không có thêm bệnh nhân nào phải ra đi một cách đáng tiếc?
Lương sẽ phải đối diện với pháp lý nhưng cũng là cơ hội để chính em và đồng nghiệp nhìn nhận rõ hơn nhiều điều trong ngành y tế.
Đằng sau mỗi bệnh nhân là một gia đình. Người phụ nữ này là mẹ của một ai đó và vợ của một ai đó. Người đàn ông kia là trụ cột của gia đình hay cả một dòng họ. Bản thân bác sĩ cũng là cả gia đình, cả xã hội và cả bệnh nhân… Vì một sự cố y khoa mà ảnh hưởng tới cả cuộc đời thì rất đáng tiếc.
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Vâng, đó là ngày 29/5/2017, em đi làm bình thường như bao ngày khác. Sau khi được thông báo bên vật tư đã hoàn thành sửa chữa, điều dưỡng khởi động máy rồi tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân.
Sau khoảng 20 phút, một số bệnh nhân có biểu hiện bất thường: tức ngực, đau bụng, ngứa… Không lâu sau, tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện tương tự. Em nghĩ trong đầu có điều gì đó bất thường rồi, không biết vì sao bệnh nhân lại bị đồng loạt như vậy?
Khi phát hiện sốc, Khoa đã xin ý kiến bệnh viện và ngừng chạy thận. Chúng em xử trí cấp cứu với phác đồ điều trị sốc phản vệ. Vài phút sau, các bệnh nhân có biểu hiện bất thường đã dần ổn định. Sau đó, chúng em thông báo tình hình với lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện để có phương án hỗ trợ.
Một lúc sau, tình trạng bệnh nhân nặng lên, chúng em lại tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Trong quá trình xử trí cấp cứu, chúng em phân loại bệnh nhân theo cấp độ, bệnh nhân nặng được chuyển tới Đơn nguyên hồi sức tích cực, còn bệnh nhân nhẹ thì để lại Đơn nguyên chạy thận nhân tạo.
Mọi thứ đều diễn ra rất nhanh chóng. Bắt đầu từ 1 bệnh nhân đang nằm thì trợn mắt, chúng em cấp cứu tích cực tại chỗ. Hơn 1 tiếng sau thì tình trạng bệnh nhân không cải thiện và ngưng tim. Lúc đó, chúng em bắt đầu hoảng loạn.
Ban lãnh đạo bệnh viện chuyển em sang BV thành phố để tiếp tục lọc máu cho các bệnh nhân vừa chuyển đi. Trong quá trình ở đó, em nghe thông báo bệnh nhân lần lượt tử vong.
Bệnh nhân tử vong nhanh, có bệnh nhân đang ăn uống, nói chuyện bình thường lăn đùng ra ngừng tim. Rất khủng khiếp! Rất sốc! Em hỏi nhân viên thì tất cả mọi người đều choáng.
Một không khí hoảng loạn bao trùm tất cả, nhưng em cũng như đồng nghiệp đều nói với nhau phải tập trung cấp cứu tối đa cho bệnh nhân chứ không còn cách nào khác.
Em chỉ biết vậy, còn bệnh nhân tử vong như thế nào và nguyên nhân do đâu thì lúc đó em chưa nắm rõ được. Nguyên nhân gì thì cũng tính sau. Lúc đó, bệnh nhân được xếp lên quan trọng hàng đầu. Nhưng không có cách nào để cứu tất cả những bệnh nhân gặp tai biến ngày hôm đó. Chẳng thể có điều gì kinh khủng hơn thế!
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Anh biết chỉ cần 1 bệnh nhân tử vong, tử vong có tiên lượng đã rất sốc rồi nữa là liên tục 8 bệnh nhân chết thì thật khủng khiếp. Như bệnh nhân của anh bị một tai biến nhỏ cũng đã mất ăn mất ngủ rồi, chưa nói đến chuyện sai sót lớn. 8 bệnh nhân tử vong là nỗi ám ảnh cả cuộc đời.
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Từ sáng hôm đó tới sáng hôm sau, em không có thời gian ăn uống gì, ngủ được vài chục phút phải dậy. Bởi vì em vừa tiếp tục lọc máu cho bệnh nhân vừa sang cơ quan điều tra lấy lời khai.
Tối ngày 29/5, 10 bệnh nhân bị sốc đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị. May mắn cả 10 bệnh nhân sau khi chuyển viện đều an toàn và dần ổn định.
Em tham gia hộ tống 1 bệnh nhân bị nặng nhất, về đến Hoà Bình là gần 3h sáng. Sáng 30/5, em vừa tiếp tục lọc máu cho bệnh nhân vừa sang cơ quan điều tra lấy lời khai.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: 18 bệnh nhân bị nhưng cứu được 10 bệnh nhân đã là một sự nỗ lực cực kỳ lớn của ngành y tế.
Đứng về mặt tâm lý, sau khi nghe chuyện đã thấy choáng rồi. Tinh thần của nhiều người trong ngành y tế suy sụp, nhất là những người làm cấp cứu. Có nhiều giả thuyết được được ra, phải cố động viên nhau. Cho đến ngày hôm nay, mọi người vẫn căng thẳng.
Nhiều bác sĩ nhắn tin cho anh nói rất khó chấp nhận chuyện bác sĩ Lương bị khởi tố, không thoả đáng. Anh động viên anh em phải vượt qua vấn đề pháp lý.
Chắc chắn trong vòng 1 năm qua Lương khó mà cập nhật kiến thức, đi làm cũng bị tâm lý. Nếu vụ án kéo dài thì lại càng ảnh hưởng.
Giả sử phải ngồi tù thì khó có thể hành nghề trở lại được vì kiến thức y khoa bị phá huỷ chỉ sau 5 năm không làm gì. Khoảng thời gian đó mất đi rất nhiều kiến thức.
Anh tìm hiểu hệ thống của Mỹ, Châu Âu, nếu rơi vào tình huống như của Lương thì họ sẽ đánh giá đây là cái sai của cả hệ thống chứ không phải của cá nhân nào. Họ sẽ phải tìm cách khắc phục hệ thống thay vì trừng trị cá nhân.
Khi xảy ra sự việc như vậy thì bất kỳ ai trong ngành y đều thấy có lỗi. Sự thật là từ Bắc chí Nam, từ bệnh viện lớn hay nhỏ, từ vùng cao Mù Cang Chải họ cũng nhắn tin tới anh bày tỏ quan điểm của mình. Đa phần họ hỏi không biết tâm lý của bác sĩ Hoàng Công Lương như thế nào. Anh có nhắn với mọi người rằng anh tin Lương sẽ vượt qua được khó khăn này.
Phân tích về mặt pháp lý và mặt đạo đức y khoa thì cá nhân anh thấy chưa thoả đáng. Nhưng dù thế nào thì cũng cần thiết có phiên toà để mình có tiếng nói, là diễn đàn để mình bày tỏ quan điểm của một người bác sĩ khi rơi vào hoàn cảnh đó giúp ngành phát triển hơn.
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Hiện tại, mọi người trong khoa đều ổn. Khoảng 4-5 tháng sau khi được tại ngoại, em xin bệnh viện quay trở lại làm việc. Điều này một mặt giúp em cập nhật kiến thức và động viên khoa phòng trong bệnh viện để họ yên tâm công tác hơn.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Về mặt tâm lý thì trước mắt mình sẽ coi đó là một trải nghiệm, coi việc đứng trước toà là điều không may mắn nhưng phải biến nó thành cơ hội cho chính mình và cho ngành y. Chứ nếu tự trách móc tại sao mình không có tội mình lại phải chịu tội thì rất mệt. Các thầy đã dạy trong ngành y, chỉ cần hoà là thắng.
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Trước ngày em bị tạm giam là ngày trực của em, cơ quan chức năng gọi em sang lấy lời khai rồi về làm việc tiếp rồi họ đọc lệnh bắt luôn. Em bị biệt giam nên cách ly hoàn toàn với xã hội.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Bị bắt và cô lập thông tin như vậy, có cảm giác mình bị bỏ rơi không?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Vào đó, em suy nghĩ rất nhiều thứ tiêu cực. Ngày đầu tiên là ngày căng thẳng nhất với em vì chưa biết sau song sắt kia, cuộc sống sẽ như thế nào. Mỗi ngày chúng em chỉ được ra ngoài 1 tiếng để tắm và vệ sinh cá nhân.
Ở trong đó, em ăn uống cùng với các phạm nhân, phạm nhân nhìn thấy em vừa ăn vừa chảy nước mắt, họ phải động viên “Ăn nhiều vào”. Em ở cùng phòng giam cùng với 5 người khác, trong đó có 2 người bị án tử hình. Vì thế, chúng em phải hỗ trợ hai tử tù giải quyết những nhu cầu vệ sinh cá nhân.
13 ngày tạm giam là 13 ngày rất khủng khiếp nhưng cũng rất đáng nhớ. Thời gian đầu, em lo lắng, tự nghĩ chắc chắn nhiều người sẽ trách móc mình. Trong thời gian ở trại giam, tự hỏi mình đã làm gì.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Anh vẫn nói với anh em, chúng mình phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, phải đủ tỉnh táo để nhìn nhận mọi vấn đề vừa khoa học lại vừa nhân văn.
Bản chất của bác sĩ là sự chân thực và thật thà, đó là sức mạnh vô biên của người bác sĩ chứ không phải hướng dẫn Lương đối phó với cơ quan pháp luật, cơ quan điều tra, dư luật xã hội. Cái mọi người cần là bản chất con người em.
Như một người bạn đã nhận xét về em “Cậu ấy là một người tốt, trách nhiệm, nhiệt tình!”. Từ sâu trong em suy nghĩ như thế nào về nghề, con người em như thế nào thì hãy cứ bộc lộ như vậy. Thế thôi!
Đấu tranh cho xã hội và cho anh em chứ việc đi tù không phải là cái gì quá kinh khủng.
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Em chỉ là một bác sĩ chuyên môn, phục vụ bệnh nhân, hằng ngày họ đến với em, coi nhau như người thân trong gia đình. Trong quá trình điều tra, em cũng suy nghĩ nhiều tình huống có thể xảy ra để có sự chuẩn bị.
Đã bước chân vào ngành y thì xác định chịu thiệt thòi, không quan trọng tiền bạc, danh vọng.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Lương đang nhận được cái nhìn thiện cảm từ cộng đồng mà không phải vụ án nào cũng có được.
Nhưng chắc chắn sau vụ này, nhân viên y tế sẽ vô cùng cẩn thận và trở nên phòng thủ.
Anh cho rằng, để có được một tập thể mạnh thì trước hết cá nhân đó phải mạnh. Mỗi cá nhân phải tự mình bật lên. Sẽ có nhiều bài học: ứng xử, xã hội, chuyên môn, khủng hoảng… sau vụ việc của em.
Vụ việc của em, nhìn một cách tích cực thì cũng có nhiều điểm tốt, làm sáng tỏ nhiều điều ngành y còn thiếu sót. Đạo đức của bác sĩ không phải là đối xử tốt với bệnh nhân mà là làm thế nào để bệnh nhân khỏi bệnh và không bị trả giá đắt.
Nhiều người ở BVĐK tỉnh Hoà Bình nhắn tin cho anh, đến viện làm thì cứ phải cười nói vui vẻ thôi chứ nó chạm tới lòng tự ái của bản thân, nỗi đau và nhiều thứ khác.
Anh quan niệm, đã bước chân vào ngành y thì xác định chịu thiệt thòi, không quan trọng tiền bạc, danh vọng.
Bác sĩ Hoàng Công Lương Trong gần 1 năm qua, em mất nhiều thứ nhưng em cũng được rất nhiều. Cái được là em có cơ hội hoàn thiện khiếm khuyết, chuyên môn của mình. Em nghĩ, sự việc của em cũng giúp hệ thống ngành y tế được nhìn nhận rõ ràng và có quy trình chặt chẽ hơn.
Từ khi bước từ trại giam về nhà, một cảm giác vui mừng dâng lên, vì mình là người bị khởi tố mà nhận được nhiều sự ủng hộ như vậy.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Nói thêm về chuyện bị cách ly khỏi xã hội và gia đình, anh nghĩ, từ trải nghiệm của mình, tình cảm của người cha dành cho con rất đặc biệt, khác với tình mẫu tử. Nếu là anh, bị cách ly con 1- 2 tuần là một điều khủng khiếp, chẳng qua mình có nói ra hay không.
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Em cũng đã dặn vợ của mình phải kiên cường dù có thế nào đi chăng nữa. Em nhớ, sau 13 ngày tạm giam trở về nhà, em đã khóc khi chào mẹ và con gái 7 tháng tuổi không nhận ra bố.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Là bác sĩ, thường khi phải viết 1 bản tường trình, đêm suy nghĩ xem mình có sai sót gì không, mình đúng nhưng vẫn cảm giác mình có lỗi, thấy xấu hổ với xung quanh...
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Phiên toà sắp tới, em cố gắng nêu ý kiến của mình, mong rằng phiên toà sẽ xét xử khách quan và công bằng nhất. Nếu quan điểm và lý luận của mình đúng thì hy vọng hội đồng xét xử sẽ lắng nghe.
Em đã nghĩ đến tình huống xấu nhất – toà tuyên em có tội. Nhưng dù thế nào, em cũng chỉ có một lựa chọn là sẽ tiếp tục kháng cáo.
Bác sĩ Trần Văn Phúc: Hiện tại, mọi người đang ủng hộ em nên em có tâm lý thoải mái nhưng chỉ một thời gian sau nữa, khi sự việc lắng xuống thì có thể em sẽ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực.
Quan điểm của anh, bác sĩ và phi công là tài sản quốc gia. Vì phải có tố chất và tốn kém mới đào tạo được 1 bác sĩ. Ở nước ngoài họ nói rằng thà để 10 tên tội phạm nhởn nhơ ngoài xã hội con hơn bắt 1 người vô tội vào tù.
Vì vậy, anh mong câu chuyện của em sẽ kết thúc tốt đẹp.