Việc người chồng bạo hành vợ trước mặt con gây phẫn nộ bởi không chỉ gây đau đớn cho người vợ mà còn gieo mầm bạo lực vào đầu đứa trẻ ngay khi mới 6- 7 tuổi.
Liên quan tới sự clip người chồng võ sư đánh vợ trước mặt con ở Hà Nội hôm nay 27/8, trước đó vài ngày là cảnh chồng đánh vợ cũng trước mặt con ở Bắc Kạn, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sỹ - chuyên gia tâm lý Phạm Văn Chuẩn - Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em N-T cho rằng, hành vi của những người chồng đánh vợ gây phẫn nộ trong dư luận không chỉ vì thể hiện sự coi thường vợ của người chồng mà còn bởi sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới đứa con còn nhỏ.
Xem clip quay lại cảnh người chồng đấm, đá, lấy sỏi ném người vợ đang bế đứa con mới 2 tháng tuổi, trước mặt đứa con trai lớn 7 tuổi, dễ thấy, đứa trẻ luống cuống, vừa sợ vừa không biết làm gì khi thấy bố đánh mẹ. Bé chạy đi, chạy lại loanh quanh trong nhà.
Đứa trẻ 2 tháng tuổi còn quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng chắc hẳn giấc ngủ của con sẽ chập chờn.
Còn cậu con trai lớn 7 tuổi, có thể bé sẽ không biết được những mâu thuẫn giữa hai bố mẹ, nhưng bé đã được người bố của mình dạy cho bài học về bạo lực: Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Bản chất, đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, nó như một bản sao của gia đình. Càng bé sức ảnh hưởng này càng lớn. Chưa kể, trẻ có xu hướng thích bắt chước, nếu thấy cha mẹ bạo lực, nó ghi nhớ và đối xử với mọi thứ xung quanh nó bằng thái độ như vậy.
Trẻ sẽ mang cách giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực tới trường, khi chơi với bạn bè, thậm chí với em gái và với vợ sau này.
“Khi trẻ sống và tiếp xúc trong môi trường bạo lực có 2 hướng phát triển tâm lý của trẻ. Trong đó đa số trẻ sẽ dùng bạo lực để giải quyết bạo lực, xu hướng này chiếm khoảng 75 – 80%.
Số ít còn lại, khoảng 25%, trẻ phát triển bình thường, do não bộ của trẻ hoạt động tích cực, nơron thần kinh tái tạo hợp lý thì trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng số trẻ có nơron thần kinh tái tạo hợp lý lại rất ít.
Vậy nên, về một góc nào đó, trẻ tiếp xúc nhiều với bạo lực thì sẽ hình thành yếu tố tội phạm của trẻ ngay từ lúc nhỏ, bị cài đặt trong não yếu tố tội phạm” - chuyên gia Phạm Đức Chuẩn cho biết thêm.
Những cú đấm, cái tát trời giáng của ông bố lên người mẹ sẽ in hằn trong đầu cậu bé từ hôm nay, và có thể gây ra những hậu quả khôn lường sau này.
Thường thì trẻ con không thể hiểu được nguyên nhân dẫn tới xô xát giữa hai bố mẹ, mà những hành động bạo lực xảy ra trước mặt chúng khi chúng còn quá nhỏ sẽ để lại "vết đen", có khi cả đời không thể quên và ảnh hưởng nặng nề về thế chất, tinh thần trẻ.
Trẻ sẽ hung hãn, thu mình, tiếp xúc, học tập khó khăn… tuỳ theo tính cách, tư duy của trẻ. Theo nghiên cứu, những đứa trẻ vô cảm, thích dùng bạo lực, hay đánh vợ đánh chồng thường xuất phát nhiều từ gia đình đánh cãi vã nhau nhiều.
Có nhiều đứa trẻ phải đi điều trị tâm lý khi chúng không thể cân bằng lại sau khi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Trẻ thấy cuộc sống gia đình không có sự ổn định, không có được sự vui vẻ, hạnh phúc.
Điều đó sẽ tạo ra sự nghi ngờ nhất định của trẻ đối với bố mẹ. Khi nghi ngờ như vậy sẽ biến đổi tâm sinh lý của trẻ, có thể từ một đứa trẻ rất tự tin biến thành đứa trẻ thiếu tự tin và ngại giao tiếp với mọi người.
Do đó, chuyên gia Phạm Đức Chuẩn khuyên rằng, việc tranh cãi trong gia đình là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có trẻ nhỏ, người lớn cần hạn chế tranh cãi. Hoặc khi biết trẻ nhìn thấy, nhận thấy tranh cãi giữa cha mẹ, người lớn cần giải thích cho con hiểu.
Người chồng, người vợ cần kìm chế để không xảy ra tình trạng bạo lực trong gia đình, đặc biệt là cảnh tượng chồng đánh vợ trước mặt con.