Đừng tưởng con bé mà chưa biết gì!
N.M.T (18 tuổi, ở tại Đống Đa, Hà Nội) trong mắt cha mẹ là một đứa trẻ ngỗ ngược, láo toét. T. không chịu học hành, chỉ mải mê yêu đương, chơi bời, cãi nhau tay đôi với mẹ, có khi đánh cả bố.
T. từng tuyên bố, “ông chả là cái đinh gì” với người sinh thành ra mình. Không còn cách dạy, cha mẹ T. đưa cậu đến gặp bác sĩ tâm lý.
Thế nhưng, phía sau một cậu con trai ngỗ ngược ấy, là cả câu chuyện phía sau mà bố mẹ T. không thể ngờ. Cậu nói với bác sĩ, từ ngày con bé, T. đã phải chứng kiến cha mẹ cãi vã nhau, lúc do kinh tế, lúc do va chạm trong gia đình.
Sau này, mẹ có người yêu, bố có bồ, dù có dấu kín, nhưng T. vẫn ngầm hiểu gia đình không còn như cũ. “Có những ngày bố ở nhà một mình trông em, nhưng lại lấy điện thoại gọi cho người phụ nữ khác, rồi ông bỏ em ở nhà một mình, đi chơi với cô ta”, T. kể.
Rất nhiều lần như thế, tuổi thơ của cậu bé 18 tuổi sống trong cãi vã và giả dối của cha mẹ. Dần dà, lớn lên, trong tiềm thức của T. bố mẹ là những người “đạo đức giả”, dù họ đạo mạo, nghiêm chỉnh nhưng đó là với xã hội, còn với T, em không còn coi trọng cha mẹ mình nữa.
Thậm chí, có lần T. đã nói với bố mẹ không sống được hãy li hôn để giải thoát cho nhau và giải thoát cho chính con. “Nhưng bố mẹ bảo, bố mẹ sống vì em nhưng thực chất không phải vậy, họ sống vì sĩ diện và lấy em làm bình phong” - T. chua chát nói.
Lâu dần, T. không còn động lực học tập, cậu tìm đến các mối quan hệ bên ngoài, yêu một cô bạn để có người tâm sự, chia sẻ. Biết cha mẹ ghét gì, T. làm việc đó. T. cứ hát các câu nhạc chế, thích lười học, thích cãi vã… dù khi không có mặt cha mẹ, cậu ta lại trở về bản tính của một đứa trẻ ngoan.
Ths. Phạm Đức Chuẩn - Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em N-T cho biết, suốt bao năm làm nghề, những câu chuyện như của T. không phải chuyện hiếm. Rất nhiều em bé nhỏ đến đây để điều trị tâm lý, phần lớn trong số đó xuất phát từ nguyên nhân gia đình.
Có những đứa trẻ, dù rất bé, chỉ cần nhìn qua cách các em chơi đùa, vẽ vời có thể nhận ra nguyên nhân tổn thương tâm lý mang lại cho trẻ. “Dù cha mẹ khi đưa trẻ đến đây đều không kể về chuyện họ mâu thuẫn, cãi vã nhau nhưng những đứa trẻ xuất thân từ các gia đình đó thường có xu hướng bạo lực, hung hãn, cấu xé các bạn…
Bản chất, đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, nó như một bản sao của gia đình, càng bé, sự ảnh hưởng này càng lớn. Chưa kể, trẻ có xu hướng thích bắt chước, nếu thấy cha mẹ bạo lực, nó ghi nhớ và đối xử với mọi thứ xung quanh nó bằng thái độ như vậy”.
Cha mẹ mâu thuẫn kéo dài: chính là sự bạo hành tinh thần trẻ
Nhìn về câu chuyện một số cặp vợ chồng đánh mắng nhau giữa đường phố, đánh ghen trước mặt con bỏ mặc trẻ khóc la.
Gần đây nhất, câu chuyện vợ chồng đánh nhau ở phố Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) hay vụ vợ mang con đi đánh ghen với bồ giữa phố Xã Đàn (Đống Đa) đều cho thấy, cha mẹ chỉ thoả mãn cảm xúc của chính mình, còn bỏ mặc trẻ một cách hoàn toàn.
Ths. Phạm Đức Chuẩn phân tích, với trẻ nhỏ (thường dưới 7 tuổi) khi thấy cha mẹ đánh nhau, nó không thể hiểu chuyện gì, nó nhìn hiện tượng nhưng không biết bản chất. Và điều đó khiến đứa bé vô cùng lo lắng, sợ hãi. Vì trong nhận thức của trẻ tuổi đó, cha mẹ là người bao bọc, chở che, yêu thương mình mà giờ họ lại vậy.
Lớn một chút, nhưng chưa phát triển hoàn thiện nhận thức, thấy cha mẹ đánh nhau, chúng luôn nghĩ nguyên nhân xuất phát từ chúng, trẻ không thể hiểu cha mẹ đánh nhau vì kinh tế, đánh nhau vì quan hệ ngoài luồng.
Những hành động đó dưới con mắt non nớt của trẻ sẽ ghi dấu ấn, có khi cả đời không thể quên và ảnh hưởng nặng nề về thế chất, tinh thần trẻ. Trẻ sẽ hung hãn, thu mình, tiếp xúc, học tập khó khăn… tuỳ theo tính cách, tư duy của trẻ. Theo nghiên cứu, những đứa trẻ vô cảm, thích dùng bạo lực, hay đánh vợ đánh chồng thường xuất phát nhiều từ gia đình đánh cãi vã nhau nhiều.
Nếu trong một gia đình, trẻ có vấn đề về tâm lý, cha mẹ cần nhìn nhận lại bản thân xem có hành động gì sai sót với trẻ hay không.
Ths. Phạm Đức Chuẩn cho biết, việc tranh cãi trong gia đình là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có trẻ nhỏ, người lớn cần hạn chễ tranh cãi. Hoặc khi biết trẻ nhìn thấy, nhận thấy tranh cãi giữa cha mẹ, người lớn cần giải thích cho con hiểu. Nếu trẻ bé, cha mẹ nên giải thích theo ngôn ngữ người lớn, còn khi trẻ đã trưởng thành, cần coi trẻ như một thành viên lớn tuổi và hỏi ý kiến của trẻ.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Chồng đánh vợ dã man trước mặt con: Đứa con mới là người chịu đau nhiều nhất tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].