Cha mẹ 'rút ruột rút gan' yêu thương con, nhịn ăn nhịn mặc, vất vả nuôi dưỡng, đáp ứng mọi đòi hỏi của con, nhưng điều đó có thực sự tốt cho cả cha mẹ và trẻ?
Trong cuốn sách "Émile hay là về giáo dục" của nhà triết học Thụy Sĩ Jean-Jacques Rousseau có viết: "Bạn có biết làm cách nào để con bạn đau khổ không? Đó chính là để cho con muốn gì được nấy. Con có được càng nhiều, sẽ càng muốn có nhiều thứ hơn nữa, cho đến một ngày bạn không thể không từ chối con, sự từ chối không lường trước này sẽ làm tổn thương con, sự tổn thương mà nó chưa bao giờ nhận được."
Là bố mẹ, ai cũng yêu thương con mình hết mực. Nhưng chúng ta đôi khi yêu trẻ trong vô thức, trẻ muốn gì chúng ta đều đáp ứng vì muốn trẻ hiểu được tình yêu của chúng ta. Nhưng làm vậy, liệu trẻ có hiểu được chúng ta yêu con đến mức nào?
Trẻ nhỏ thường có tâm lý coi tình yêu thương và sự lo lắng, chăm sóc của bố mẹ là điều đương nhiên, ngay từ khi sinh ra đã có và trẻ không cần cố gắng chút nào để có được tình yêu ấy. Đến khi lớn lên, trẻ vẫn giữ tâm lý này và do đó trở nên vô tâm với những người sinh thành ra mình.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rằng, trẻ không biết quan tâm đến bố mẹ phải chăng vì chúng ta đã yêu trẻ quá nhiều?
Hàng xóm tôi có một bé gái học lớp 3, bố mẹ cô bé vô cùng yêu thương, chiều chuộng đứa con gái duy nhất. Cô bé ấy học rất giỏi, mỗi kỳ thi đều đứng trong top 3 của khối. Nhưng mỗi lần đi học về, tôi đều nghe tiếng cô bé và bố mẹ cãi nhau.
Có một lần, mẹ cô bé cùng đi chợ với tôi và chia sẻ về nỗi niềm của mình. Cô ấy nói rằng bản thân cô một lòng một dạ yêu thương con, ngày nào cũng nấu cho con những món nó thích, chỉ sợ con học hành vất vả nên có bao nhiêu yêu thương đều dành cho con.
Sau này, mỗi lần trò chuyện với tôi, câu chuyện của cô ấy chỉ xoay quanh con gái, rất ít khi nói về bản thân mình. Thế nhưng cô bé lớp 3 kia lại chẳng hiểu những tâm tư và tấm lòng của mẹ.
Vì được nuông chiều quá mức nên cô bé trở nên kén chọn, khó tính với chính bố mẹ mình. Nếu bữa cơm không hợp khẩu vị sẽ sẵn sàng trách móc mẹ nấu ăn không ngon...
Nếu như người mẹ ấy để con đi học về tự chuẩn bị cơm, tự dọn phòng, tự gấp quần áo... thì có thể kết quả đã khác?
Nhà văn Maksim Gorky từng nói: “Sinh con là việc ngay cả gà mái cũng làm được, nhưng yêu con lại là việc khác” để nhấn mạnh vai trò của việc yêu thương đúng cách. Cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc, vất vả nuôi dưỡng, đáp ứng mọi đòi hỏi của con, nhưng liệu họ có nhận lại những gì thực sự xứng đáng?
Danh nhân Do Thái Karl Marx có một câu nói nổi tiếng: “Con người cần biết đi, cũng cần biết ngã, vì chỉ có vấp ngã, anh ta mới biết đi”. Điều này nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng: hãy cho con trẻ cơ hội được vấp ngã thì chúng mới thực sự trưởng thành.
Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập, có thể đối diện với thế giới một cách mạnh mẽ, tự tin, đó mới chính là tình yêu thương đích thực mà bố mẹ cần dành cho con. Cha mẹ nên "rút lui" đúng lúc để trẻ tự sải rộng đôi cánh bay trên bầu trời riêng của mình.
Cha mẹ hãy giấu đi một nửa tình yêu dành cho con mình, hãy khiến tình yêu dành cho con trở nên lý trí, khoa học chứ không phải mù quáng, nặng nề.