Đôi khi, cuộc đời muốn tạo ra những thử thách để biết chúng ta yêu con đến nhường nào.
Nhiều cha mẹ chỉ biết gây áp lực mà quên cách tạo động lực cho con; quen kiểm soát con thay vì truyền cảm hứng; dạy con bằng kinh nghiệm tiêu cực đời mình thay vì khuyến khích con trải nghiệm; dùng tiêu chuẩn người khác áp đặt cho con.
Tôi đã từng đọc được những bức tâm thư như thế này: Mẹ ơi, con rẽ trái! Là con thay vì đi đúng đường (như hầu hết các cha mẹ mong muốn) thì lại muốn rẽ trái.
Có khi là muốn bỏ học để theo ngành nghệ thuật hoặc muốn làm thợ, học nghề thay vì học văn hóa. Có khi lại là chuyện giới tính của mình, con không muốn mang giới tính cha mẹ sinh ra nữa.
Trong bất cứ quyết định rẽ trái nào của con cũng sẽ khiến cha mẹ đau lòng, thậm chí sốc. Vậy cha mẹ nên làm gì?
Nếu là tôi, tôi chọn rẽ trái chính bản thân mình, theo con. Là cùng con tìm hiểu con đường con muốn rẽ. Đôi khi, nếu may mắn, hóa ra con đường con muốn rẽ chỉ là những lầm tưởng nhất thời. Chúng ta sẽ cùng nhau quay lại.
Thậm chí, thay vì nghỉ học văn hóa để chọn học trường nghề, sao không là xin nghỉ học đôi ba ngày, một hai tuần, cùng con thử xem con đường học nghề gian truân ra sao?
Hãy tìm nhiều hơn nữa những ví dụ về việc đam mê không tạo nên thành công, người ta thành công rồi thì mới bắt đầu có đam mê cái đã khiến họ thành công. Bằng đam mê có trước thành công thì thường đam mê đó sẽ mãi mãi chỉ là u mê.
Nếu con vẫn quyết định rẽ trái thì có cha mẹ nào sẵn sàng bỏ rơi con mình không? Nếu chúng ta đã không thể bỏ rơi con thì sao lại cứ phải đau khổ và khiến con cũng đau khổ?
Chấp nhận sự thật là cách duy nhất để giữ con ở lại bên mình. Thật khó để vui vẻ chấp nhận sự thật nhưng chí ít, việc chấp nhận sự thật sẽ không còn khiến chúng ta vật vã nữa.Và khi đó, nếu con rẽ trái hay có đi lối nào, cha mẹ vẫn bên con.
Bởi chúng ta không sinh ra một đứa trẻ sẽ học ĐH hay sẽ mãi bé bỏng như ngày nào. Đôi khi, cuộc đời muốn tạo ra những thử thách để biết chúng ta yêu con đến nhường nào.
Hoàng Anh Tú