Một cái nhà luôn khác với một mái ấm. Một gia đình luôn khác với một cuộc hôn nhân. Và trách nhiệm với gia đình, mái ấm không phải là trách nhiệm với cá nhân người vợ hay người chồng.
Gia đình cần nhiều nguyên tắc để tồn tại nhưng cũng có khi nó chẳng cần nguyên tắc nào. Vấn đề là ở ý thức của người trong gia đình đó.
Với người ý thức có gia đình sẽ chẳng cần một nguyên tắc nào bổ trợ. Nhưng với người thiếu ý thức gia đình thì cả mớ nguyên tắc cũng chỉ khiến gia đình ấy trông giống một gia đình mà thôi.
Một cái nhà. Có một cái giường, 2 cái gối, 1 cái chăn. Có đầy đủ những vật dụng khiến người ta nhận biết rằng cái nhà có người ở và người ở là một cặp vợ chồng.
Nhưng cái nhà đó chưa chắc được coi là mái ấm. Nó giống như “Cái áo không thể làm nên thày tu” vậy.
Để được thấy là một mái ấm, nó đòi hỏi căn nhà đó phải có một sức sống. Cái gọi là sức sống thì chỉ có người ở trong căn nhà đó làm ra được.
Mà cũng không phải chỉ có người chồng, người vợ. Nó đòi hỏi sự quan thiết giữa hai cá thể đó với nhau. Nó đòi hỏi tình cảm của 2 con người đó với nhau.
Tin không, bạn có thể cảm thấy ngay được một gia đình hạnh phúc hay không hạnh phúc khi bạn bước vào căn nhà đó.
Happy House không phải là một căn nhà đầy đủ tiện nghi hay lộng lẫy. Tiện nghi và lộng lẫy nằm ở con người sống trong căn nhà đó dành cho nhau. Dành cho nhau, là phải dành cho nhau chứ không phải dành cho căn nhà.
Một cuộc hôn nhân. Hai con người đến với nhau bằng tình yêu, cưới nhau bằng một đám cưới. Có hôn thú rõ ràng. Có hai bên nội ngoại đầy đủ. Thậm chí, có cuộc sống sung túc.
Nhưng cuộc hôn nhân đó chưa chắc được coi là một gia đình. Nó giống như giữa mùa Hạ có một ngày se lạnh. Ngày se lạnh ấy do bão rớt chứ không phải là mùa Thu. Không có mùa Thu ở trong mùa Hạ.
Để có được một gia đình thì chỉ có người trong cuộc hôn nhân đó làm ra được. Cái đó gọi là sự thiêng liêng. Cái đó là sự trân trọng cuộc sống chung này.
Là người chồng dù là giận vợ thì cũng không giận gia đình. Là người vợ dù đang ghét chồng cũng không ghét cuộc sống chung này. Tôi thích ý nghĩa của một câu nói: Dù em đang rất giận chồng nhưng tuyệt đối em không muốn chồng em đi qua đêm.
Không phải cô ta sợ chồng đi qua đêm gặp cám dỗ. Mà cô ta giữ cho gia đình này đầy đủ người, đầy đủ tình, đầy đủ sự trọn vẹn. Hay khi giận vợ đến đâu đi nữa, tôi cũng không bao giờ muốn bỏ vợ tôi ở nhà một mình suốt một đêm.
Dù rằng có thể tôi chỉ ngồi với những người bạn thân của mình. Cái đó gọi là gia đình chứ không phải cuộc hôn nhân. Giữ một gia đình chứ không phải giữ một cuộc hôn nhân.
Vì ý nghĩa của hôn nhân là có 1 gia đình chứ không phải là hôn nhân bền vững. Nó đòi hỏi cả 2 có trách nhiệm với cuộc sống chung chứ không phải chỉ trách nhiệm với nhau là đủ. Gia đình khác đang yêu ở điểm đó.
Trách nhiệm đến cuộc sống chung là hy sinh những sở thích cá nhân nếu như sở thích đó tổn hại đến mối quan hệ chung, tổn hại đến cuộc sống chung. Mặc dù đòi hỏi sự hy sinh là điều rất khó khăn nhưng nếu vì một gia đình, tại sao không thể hy sinh?
Nó giống như để đi thăng bằng trên dây, họ sẽ phải hy sinh dáng đi uyển chuyển. Nếu chưa sẵn sàng cho sự hy sinh, hãy dừng ngay chuyện kết hôn lại.
Một người đàn ông. Anh ta có thể là một ai đó có vị trí xã hội cao ngất trời. Anh ta có thể nuôi sống những người xung quanh anh ta. Anh ta có thể là một người đàn ông cực kỳ đàn ông.
Nhưng anh ta sẽ không thể là một người chồng nếu như anh ta không có một người vợ. Tự nhiên là vậy. Có một người vợ tức là anh ta ý thức rằng anh ta có vợ. Anh ta có vợ tức là anh ta phải hy sinh những cô bồ.
Anh ta có thể không yêu vợ như yêu người tình nhưng không có nghĩa là anh ta có thêm một người tình để so sánh với vợ anh ta. Tức là anh ta cần phải ý thức rằng có một người đàn bà của anh ta. Người đàn bà đó là hiện tại và tương lai của anh ta.
Anh ta phải sống thế nào để thấy được người đàn bà đó kể cả khi xấu nhất cũng vẫn là vợ mình. Kể cả khi anh ta ghét vợ anh ta nhất thì anh ta vẫn phải giới thiệu với mọi người: Đây là vợ tôi. Một cách thật tâm không giả dối.
Vợ chồng không phải quần áo. Vợ chồng là máu mủ, ruột thịt. Thậm chí còn hơn cả máu mủ ruột thịt. Là bởi đó sẽ là người sinh ra cho anh ta một bản sao hoàn hảo.
Là bởi đó sẽ là người quyết định cuộc đời anh ta đến tận cuối đời. Người sẽ quyết định mua quan tài cho anh ta theo đúng sở thích ngày anh ta còn sống.
Có thể bạn không bao giờ biết chuyện quá khứ của người phụ nữ ấy song bạn phải biết tương lai và hiện tại của người phụ nữ ấy. Phải lo lắng và sống còn với những gì xung quanh người phụ nữ ấy. Bởi cô ta là vợ bạn. Bởi bạn là chồng của cô ta.
Một người đàn bà. Cô ta có thể có sắc đẹp. Cô ta có thể dịu dàng hoặc hung dữ. Cô ta có thể khiến hàng chục người đàn ông mê mải cô ta.
Nhưng khi cô ta đã là một người vợ thì mọi thứ phải khác. Cô ta không thể tuỳ tiện đi mua quần lót cho người đàn ông nào khác ngoài chồng mình, anh ruột mình, cha mình, con mình.
Cô ta cũng không thể tuỳ tiện qua đêm với người đàn ông nào khác ngoài chồng mình. Cô ta càng không thể tuỳ tiện đem thân mình đi đánh đổi bất cứ một điều gì.
Vì cuộc đời của cô ta đã gắn kết với người đàn ông cô ta gọi là chồng. Vì danh dự của người đàn ông đó gắn liền với hành động của cô ta. Vì cô ta đã là vợ của một người đàn ông. Làm một người vợ thông thường nhất đã khó huống chi làm người vợ tốt.
Trách nhiệm với người đàn ông đó chính là trách nhiệm với danh từ VỢ. Không thể có một người vợ nếu như cô ta không xác định nổi đâu là chồng cô ta.
Không thể là một người vợ nếu như cô ta bỏ mặc anh chồng của cô ta tự do sống với người tình. Nếu cô ta nói cô ta đã làm hết trách nhiệm thì có nghĩa là cô ta đã muốn kết thúc nhiệm kỳ làm vợ của cô ấy. Bởi cũng như chồng cô ta, trách nhiệm đến hết cuộc đời.
Vợ- Chồng. Tự nhiên là cần một người đàn bà kết hợp với một người đàn ông. Nhưng không phải là 2 cuộc sống riêng. Mà là một cuộc sống chung. Không phải một cuộc hôn nhân. Mà là một gia đình.
Không phải là mua 1 căn nhà. Mà là một mái ấm. Không phải sẽ sinh ra 1 đứa con. Mà là cho tình yêu có một kết quả đúng. Không phải ràng buộc nhau. Mà là gắn kết và hoà quện. Là nước với nước chứ không phải nước với dầu. Mà là dành cho nhau chứ không phải phân công nhiệm vụ.
Nghĩ về gia đình, mái ấm, vợ chồng là cái nghĩ suốt đời. Muốn nó ăn vào máu và thành như hơi thở. Chứ không phải cứ xảy ra chuyện mới nghĩ.
Dù mỗi gia đình một hoàn cảnh thì mục đích mà ai cũng muốn mong hướng tới vẫn là hạnh phúc của gia đình đó. Họ có thể làm nhiều cách song nếu người chồng hoặc người vợ không cảm thấy hạnh phúc thì cách làm đó bị coi là thất bại.
Cũng giống như khi khát nước, rất nhiều thứ đồ uống giúp người ta giải khát nhưng nước mắm, nước biển thì không thể uống được vậy. Để tồn tại thì chỉ cần người chồng bị điếc, người vợ bị đui.
Còn muốn hạnh phúc bền vững thì người chồng cần thính tai nhất có thể và người vợ cần sáng mắt nhất có thể. Để lắng nghe thấy hết mọi nhu cầu của người vợ. Để thấy xa hơn nữa những điều cần thiết cho chồng mình.
Để nghe thấy cả những điều vợ mình chưa nói và để thấy hết cả những điều chồng mình đã làm. Chỉ hiềm nỗi, đàn ông trời ban cho đôi mắt còn phụ nữ lại chỉ có lợi thế về đôi tai.
Thế nên mới có câu “Gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt”. Thế nên người chồng biết đủ chuyện thiên hạ nhưng mãi chẳng hiểu hết vợ mình.
Còn người vợ chỉ nhìn thấy điều chồng mình không làm cho mình mà không bao giờ thấy được những điều người chồng đã làm trong thầm lặng.
Nghĩ mà thấy khó lắm thay!
Nhà văn Hoàng Anh Tú