Chúng ta đều có một vạn tám ngàn cách để giữ lửa hôn nhân nhưng quá nửa trong số đó nếu làm sẽ nhận được gạch đá của cư dân mạng là sến, là kịch. Thiên hạ có mồm thiên hạ nói. Người nào không đủ lòng tin và tỉnh táo sẽ bị cuốn theo.
Bày tỏ yêu thương với chồng hoặc với vợ vốn là chuyện bình thường như những việc nên làm, đáng làm. Nhưng thiên hạ thì lắm nỗi "tâm tư" nên bị ném đá cũng là đương nhiên.
Vẫn còn non nửa cách để giữ lửa hôn nhân mà chỉ hai vợ chồng biết với nhau. Nhưng nhiều người cũng chẳng làm vì cho rằng nó không cần thiết. Rồi vận dụng đủ mọi lý do để không làm và mong đối phương phải tự hiểu lấy. Quả đúng với câu: Muốn làm thì nghĩ ra giải pháp mà không muốn làm sẽ thấy toàn những lý do.
Vài người, nhất là các bà vợ, sẽ nói rằng họ đã làm đủ mọi cách nhưng chồng họ vẫn có bồ bên ngoài. Nhưng quên mất rằng ăn cơm cũng no, ăn phở cũng no, ăn cháo cũng no. Cho chồng một bữa cơm và nói rằng đã cho chồng no đủ mà không biết rằng món khoái khẩu của chồng là cháo, là phở. Mang tiền về cho vợ và bảo vợ cứ tiêu pha thoải mái trong khi thời gian của vợ kín bưng con cái, cơm nước thời gian nào đi tiêu?
Tôi nghĩ chúng ta toàn cho nhau cái ta có, ta nghĩ là đối phương thích mà chẳng bao giờ thực sự hiểu vợ mình, chồng mình. Rồi vật vã. Theo kiểu hôm qua em làm trứng anh khen, hôm kia em làm trứng anh khen, hôm kìa em làm trứng anh cũng khen. Sao hôm nay anh lại chê trứng em làm??? Anh thay đổi rồi! Anh có có biết em dành bao tâm huyết mỗi khi em làm trứng không???
Tôi vẫn tâm đắc về sự khác nhau giữa ĐỂ Ý & ĐỂ TÂM. Để ý giống như mua được một cái áo đẹp. Để tâm là một chiếc áo hợp và vừa. Để ý là một bữa ăn ngon. Để tâm là một bữa ăn vui. Để ý là một bữa tiệc tùng. Để tâm là lý do mở tiệc. Vợ chồng nếu chỉ để ý thì sẽ chỉ thấy điều hứa mà chưa làm còn để tâm sẽ thấy điều làm thay vì hứa.
Tôi vẫn nghĩ rằng không có người chồng hay người vợ nào rời khỏi tổ ấm. Thứ mà họ rời khỏi vốn đã chẳng còn là tổ ấm. Hoặc giả là họ đã không cho đó là tổ ấm.
Cũng có trường hợp gọi là say nắng, ham vui, sa ngã. Nhưng trường hợp đó giống như tai nạn. Thời gian sẽ chữa lành. Còn nếu họ đã dứt áo ra đi thì không còn gọi là tai nạn nữa. Mà là chết. Cuộc hôn nhân đó chết rồi. Tổ ấm đó chết rồi. Thậm chí là chết lâm sàng từ lâu rồi mà đối phương không hay biết. Vì đối phương chỉ quen để ý. Thấy mắt vẫn mở, tim vẫn đập mà không thấy não đã chết, cảm xúc đã không còn, tương lai xám xịt, cụt lủn.
Sức khoẻ của một cuộc hôn nhân chẳng phải là hai người ngày ngày vẫn ăn cơm cùng nhau, ngủ cùng nhau. Mà là những câu chuyện họ nói cùng nhau.
Nói thì bảo quảng cáo nhà hàng nhưng tôi dám chắc rằng 98% những cặp vợ chồng hàng tuần hàng tháng vẫn qua nhà hàng tôi ăn thì chứng tỏ sức khoẻ hôn nhân của họ rất tốt.
Cho dẫu giữa hai lần tới, ở nhà họ có cãi nhau thế nào thì họ còn tới thì tôi còn chắc chắn hôn nhân ấy hạnh phúc. Là bởi chỉ hạnh phúc người ta mới đi ăn cùng nhau. Bằng bất hạnh, họ sẽ ăn ở nhà cho xong một bữa.
Thế nên nếu phải có một lời khuyên nào cho hôn nhân trước một trào lưu bồ bịch đang phát triển ầm ĩ ngoài kia, tôi sẽ khuyên các bà vợ, các ông chồng hãy để tâm nhau thay vì để ý. Hãy giữ lửa hôn nhân và đừng quan tâm đến điều đó sến hay vô ích.
Cứ chụp ảnh cùng nhau càng nhiều càng tốt. Cứ đăng Facebook đừng sợ bị dèm pha. Cứ đi ăn cùng nhau. Cứ nói yêu nhau. Cứ mặc đời ngoài kia nghiêng ngả thế nào. Đi mãi mà thành đường. Yêu mãi sẽ thành một. Vậy thôi!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Giữ lửa hôn nhân khó hay dễ? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].