Cafe sáng: Cách để mở tấm lòng

Khi mọi hoạt động xã hội như ngừng lại cũng đồng nghĩa những phế liệu trong rác ngoài phố cũng ít ỏi hơn rất nhiều.

Một anh bạn tôi bị mất ngủ kinh niên, hàng tối anh đạp xe lang thang Hà Nội, thư giãn kết hợp tập thể dục. Mỗi tối muộn như vậy anh đều mang theo vài trăm ngàn, nếu gặp những người nhặt phế liệu đêm thì dừng lại, trò chuyện rồi tặng mỗi người vài chục ngàn với lời nhắn "Bác/anh/chị về nghỉ sớm ạ".

Anh bảo thực ra đó là cách tặng họ một giấc ngủ sớm hơn, từ những xa lạ đã trở thành những quen biết theo thời gian.

Những ngày trước dịch COVID-19, đường trong phố vắng tanh thì thói quen đó cũng không thay đổi, chỉ có số tiền anh tặng nhiều hơn thói quen cũ. Bởi khi mọi hoạt động xã hội như ngừng lại cũng đồng nghĩa những phế liệu trong rác ngoài phố cũng ít ỏi hơn rất nhiều.

Không ít bạn bè cũng đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau giúp người nghèo, y bác sĩ và chính phủ khi dịch bệnh hoành hành.

Mỗi người một cách, tôi thích mua trái cây từ những cô/bác bán hàng ngoài đường, nhìn họ lạc lõng dắt xe đạp dọc theo con đường vắng lặng có gì đó thấy chạnh lòng. Hình như chỉ cần không mặc cả cũng làm họ vui, có cô cảm ơn nhé, bảo thế là xe cô nhẹ đi được mấy cân rồi. Rất chân thật.

Hoặc có những nhóm tưởng chừng chỉ ham vui ngày tháng cùng bóng đá như hội CĐV Man United tại Việt Nam chả hạn, những tâm hồn cuồng nhiệt với màu áo đỏ đã cùng Pernod Ricard Việt nam chung tay ủng hộ 168 triệu vào Quỹ phòng chống dịch COVID-19. 

Mỗi người một cách, một tấm lòng nhưng cái đích đến của sự đóng góp to nhỏ khác nhau, đều xuất phát từ những tình cảm đẹp. Dịch bệnh sẽ qua, những tấm lòng còn ở lại.

Hoàng Minh Trí 


Tin liên quan