Từ ngày 15/7, giá 88 dịch vụ y tế sẽ chính thức giảm, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chỉ đạo, mặc dù điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế sẽ làm giảm nguồn thu của các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng các bệnh viện vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đặc biệt, dù phải cắt giảm những chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động, nhưng tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh.
Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, qua khảo sát hiện tượng khám qua quýt cho người bệnh xảy ra khá phổ biến ở nhiều bệnh viện. “Một bác sĩ khám một ngày từ 80 - 100 người bệnh thì rõ ràng việc hỏi, khám lâm sàng với người bệnh không được kỹ lưỡng. Từ đó dẫn tới chỉ định lâm sàng không được chuẩn xác”, ông Phúc chia sẻ.
Trên thực tế, qua quá trình kiểm tra, rất nhiều bệnh viện “tham” số lượt khám bệnh, đầu số lượt khám/mỗi bàn/ngày rất nhiều. Tính ra, bệnh nhân chỉ có vài phút để được bác sĩ khám, tư vấn về bệnh. Và khi việc khám lâm sàng trực tiếp không kỹ lượng dẫn đến chỉ định các cận lâm sàng không chuẩn xác.
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế Hà Thái Sơn cũng thừa nhận tình trạng trên khi bản thân ông đã từng thử đi khám chữa bệnh và cũng đã thấy điều đó.
Do vậy, tại Thông tư 15, Bộ Y tế tiến hành xây dựng lượt khám bệnh tối đa/bàn khám không quá 65 lượt. Nếu vượt quá mức quy định, mỗi lượt khám chỉ được chi trả 50% chi phí khám chữa bệnh.
Theo ông Sơn, khi giới hạn số lượt khám là một giải pháp hữu hiệu để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh nâng lên. Tuy nhiên, Thông tư số 15 vẫn cho phép khám từ số 66 bệnh nhân trở lên nhưng các bệnh viện sẽ áp dụng qua một Quý, sau đó sẽ điều chỉnh lại.
Không “rút ví” người dân
“Nhiều bệnh viện ra nhiều chỉ định không cần thiết cho bệnh nhân giống như “đem dao mổ trâu giết gà” gây lãng phí vô cùng lớn” - Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh như vậy Hội nghị triển khai Thông tư 15 cho các cơ sở phía Bắc ngày 5/7.
Theo Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc dẫn chứng, có những trường hợp bệnh nhân đau đầu, lẽ ra bác sĩ phải thăm khám và hỏi bệnh kỹ nhưng bệnh nhân vừa đến kêu bệnh, bác sĩ đã chỉ định cho chụp cộng hưởng từ. Trong khi đó, chỉ có những người đau đầu nhiều, dữ dội hoặc nghi ngờ do khối u, đau đầu kèm nôn mới cần làm xét nghiệm đó. Hay như với bệnh nhân đau lưng cũng hay được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ mà thông thường chỉ để phát hiện thoát vị đĩa đệm. Trong khi dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm cũng rất dễ khám bằng lâm sàng.
Hoặc có trường hợp chỉ cần siêu âm là phát hiện được bướu giáp nhưng bác sĩ lại chỉ định chụp cộng hưởng từ. hay chụp X quang có thể phát hiện vết mờ ở phổi, bác sĩ lại chỉ định chụp CT phổi.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện đang mập mờ trong khoản thu thêm ngoài chi trả BHYT. Mới đây, trong Hội nghị triển khai Thông tư 15 cho các bệnh viện phía Nam, ông Lê Văn Phúc dẫn chứng một trường hợp rất “tréo ngoe”. Đó là bệnh nhân cắt dây chằng chéo, đi đúng tuyến, được BHYT chi trả nhưng vẫn phải bỏ túi mất gần 40 triệu đồng.
Ông Phúc cũng cho rằng, tình trạng này rất đáng báo động và nó lại diễn ra hầu hết ở các bệnh viện. Chính vì vậy, càng minh bạch rõ ràng trong dịch vụ y tế, chi trả hay đồng chi trả sẽ càng bảo đảm quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
“Ngay như trong cắt amidan, bệnh viện nói với bệnh nhân dịch vụ sẽ sử dụng dao siêu âm nhưng bệnh viện cần giải thích và chỉ rõ dao siêu âm đó là gì và như thế nào…”, ông Phúc cho biết.
Để Thông tư 15 đi vào thực tiễn đạt mục tiêu đề ra, Thứ Trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, mặc dù việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế trong Thông tư 15 sẽ làm giảm nguồn thu của các cơ sở khám chữa bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi KCB, đảm bảo dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng.
Đặc biệt, các bệnh viện có thể phải cắt giảm những chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động nhưng tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh, không được bớt xét quyền lợi của người dân.