Có hay không việc điều chỉnh giá viện phí cao... tới 100 lần?
Ngày 29/6 Bộ Y tế đã có những phản hồi với báo chí liên quan đến việc BHXH Việt Nam có văn bản gửi Chính phủ cho rằng Thông tư 15/2018/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 30/5/2018 có nhiều bất cập. Đáng chú ý, trong đó có việc điều chỉnh giá 88 dịch vụ y tế có giá cao hơn thực tế sử dụng, thậm chí cao tới 100 lần.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế để tính giá viện phí mới, Bộ đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện (BV), cả trung ương và địa phương. Các mức giá cao hơn, thấp hơn đều đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình.
Bộ Y tế đã khảo sát thực tế tại khoảng 30 BV, tổng hợp báo cáo của 4 BV hạng đặc biệt, 56 BV hạng I, 140 BV hạng 2, hơn 250 BV hạng 3 chứ không phải chỉ căn cứ vào giá tại các BV Trung ương.
Theo đó, giá khám bệnh đã xây dựng 6 loại định mức kinh tế kỹ thuật cho 6 hạng BV từ Trung ương đến cơ sở chứ không lấy tuyến Trung ương làm định mức cho tuyến huyện, xã. Giá giường bệnh cũng đã xây dựng 41 loại định mức theo 5 hạng BV và trạm y tế. Trong mỗi hạng BV có 9 loại giường khác như từ điều trị tích cực, cấp cứu, nội khoa…
Ông Nguyễn Nam Liên khẳng định: "Như vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng. Về vấn đề này, cơ quan BHXH Việt Nam đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này. Các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn như thông tin báo nêu đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình.”
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37 nêu trên, so với Thông tư 37. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật.
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.
Thông tư số 15 điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trung tâm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.
Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.
Tăng giá viện phí nhưng cơ sở vật chất lại không tương xứng?
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng Thông tư 15 thay thế cho Thông tư 37 không giải quyết được vấn đề gì, vì nhiều bệnh viện tuyến dưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế sau nhiều năm đã xuống cấp nhưng không được bảo dưỡng, tu sửa, thế nhưng giá dịch vụ vẫn thu bằng giá của các bệnh viện tuyến trung ương...
Đại diện Bộ Y tế đánh giá, nhận định như vậy là chưa chính xác, phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của các địa phương đối với ngành y tế. Trong thời gian vừa qua, nhà nước đã đầu tư nâng cấp trên 550 bệnh viện tuyến huyện, gần 200 bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện đã huy động vốn, vay vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng khang trang, chỉ còn một số ít bệnh viện huyện chưa được đầu tư.
Kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng về cơ sở vật chất bệnh viện ngày càng tăng.
Tăng lượng bệnh nhân/bàn khám, có ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh?
Liên quan đến ý kiến cho rằng, khi Bộ Y tế điều chỉnh tăng tối thiểu 65 bệnh nhân/bàn khám, tức từ đây, bệnh nhân chỉ còn cơ hội khám trong 5 - 10 phút/lượt khám có khiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ổn hơn?
Lý giải việc này, ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho rằng, trước đây y tế quy định số bệnh nhân/ bàn khám tại mỗi cơ sở y tế khám bệnh rơi vào khoảng 45 người còn hiện nay con số này nâng lên tối thiểu 65 người. Lí do không đặt mức tối đa và vì không thể để trường hợp khám đến bệnh nhân 65 còn bệnh nhân 66 phải quay về...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định, với thời gian khám bệnh ngắn chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng nhưng ngành y có văn bản gửi tới cán bộ nhân viên tăng cường độ khám bệnh buổi sáng, chuyển điều trị thăm nội trú vào buổi chiều. Trong khi đó, ngày nay người dân chưa có thói quen đặt lịch hẹn.
Vì vậy, thời gian tới vẫn tiếp tục rà soát dựa trên yếu tố đánh giá chất lượng khám chữa bệnh để cập nhật, sửa đổi. Áp lực y tế rất lớn nhưng ngành y đang nỗ lực rất nhiều, điều đó thể hiện ở việc thời gian chờ khám rút ngắn, so với nhiều quốc gia khác trên Thế giới và khu vực là rất đáng ghi nhận.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bộ Y tế phản hồi thông tin 'giá viện phí cao gấp 100 lần thực tế': BHXH đã có công văn đính chính tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].