Ở Trung Quốc, không ít trường hợp bố mẹ cảm thấy mệt mỏi quá sức khi nuôi dạy con cái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không đâu xa lại đến từ chính cách nuôi con của họ.
Trong phần lớn các gia đình ở Trung Quốc, con cái đều là trung tâm của trung tâm. Bố mẹ lo cho con cái mọi việc từ khi mới sinh, đến khi học tiểu học, trung học, đến cả đại học, từ công việc, gia đình, đến con cái, nhà cửa... dường như không bao giờ ngừng lo lắng.
Họ thường kỳ vọng quá cao ở con cái, đặt lên con quá nhiều đòi hỏi, mong đợi. Điều này không chỉ gây áp lực lên bản thân mà còn lên cả con cái khi phải cố gắng làm theo mong muốn của bố mẹ.
Nếu các bậc cha mẹ có thể nghĩ thoáng hơn một chút, bỏ bớt một chút kỳ vọng, quan tâm đến tâm tư tình cảm của con và của chính mình sẽ thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều.
Chúng ta thường thấy những bà mẹ phương Tây khi đưa con ra ngoài một mình vẫn có thể trông nom mấy đứa trẻ cùng một lúc.
Nhưng ở Trung Quốc, một đứa trẻ nhiều khi cần cả bố và mẹ cùng trông nom, không kể đến ông bà nội ngoại và người giúp việc luôn có mặt xung quanh.
Điều này dễ dần đến sự bất đồng ý kiến trong cách dạy dỗ giữa bố mẹ và ông bà, đồng thời biến những việc đơn giản trở nên phức tạp vì có quá nhiều người can thiệp vào.
Nếu những đứa trẻ khác được đi học lớp phụ đạo, chắc chắn con bạn cũng phải đi học lớp phụ đạo. Đó là tâm lý của rất nhiều bố mẹ Trung Quốc vì sợ con mình thua kém bạn bè mà ‘bắt chước’ theo ‘con nhà người ta’.
Trong suy nghĩ của họ dường như luôn có sự so sánh, luôn nhìn vào điểm tốt của những gia đình khác để làm theo mà không hề để ý đến những điểm tốt của gia đình mình, con cái mình.
Tuy nhiên, mỗi người có một cách sống khác nhau. Nên thay vì chạy theo người khác, bố mẹ hãy duy trì cuộc sống theo cách của mình và dạy con bằng phương pháp phù hợp.
Làm cha mẹ, ai cũng muốn cố gắng hết sức vì con mình. Tuy nhiên, có nhiều việc của con cái bố mẹ không nên can thiệp quá sâu, điều này sẽ khiến con mất đi sự tự chủ, tự lập, đồng thời tạo tâm lý lười biếng, dựa dẫm vào bố mẹ.
Không chỉ thế, việc can thiệp, lo lắng quá nhiều cũng khiến bố mẹ bận rộn, mệt mỏi hơn, dễ dẫn đến thất vọng, chán nản khi không thể biết hết những điều họ muốn biết về con mình.
Một nguyên nhân quan trọng khiến bố mẹ ở Trung Quốc tốn nhiều công sức nuôi con là do tiếp xúc với quá nhiều thông tin, thiếu chính kiến.
Người này nói cần dạy con học nói sớm, bố mẹ liền cho con học nói sớm. Người kia nói nên cho con ăn cái này cái kia, bố mẹ liền cho con ăn theo chỉ dẫn… Quá nhiều thông tin khiến các bậc cha mẹ vô cùng ‘bận rộn’ vì phải thực hiện quá nhiều công việc.
Thời gian và công sức chủ yếu bỏ ra để tìm kiếm thêm thông tin và làm theo, dường như bố mẹ chẳng còn thời gian suy nghĩ ‘Con mình thực sự cần gì?’
Do đó, hãy biết chọn lọc thông tin phù hợp để cuộc sống gia đình thoải mái, cân bằng và hiệu quả hơn.
Tại Trung Quốc, nhiều người bố không tham gia hoặc tham gia rất ít vào việc nuôi dưỡng con cái, chủ yếu để phụ nữ tự quyết định.
Điều này gây gánh nặng lớn cho các bà mẹ, khiến nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi quá sức khi có con cái trong nhà.
Việc cả bố và mẹ cùng nhau chia sẻ việc chăm sóc con cái không chỉ làm giảm bớt áp lực cho người phụ nữ, mà còn giúp tình cảm gia đình thêm bền chặt, tình cảm giữa con cái và bố mẹ thêm cân bằng hơn.
Đồng thời, có sự chăm sóc của cả bố và mẹ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện hơn.
Nuôi con đã mệt, chịu áp lực kinh tế trong quá trình nuôi con còn mệt hơn.
Nhiều bậc phụ huynh chỉ lo nghĩ sao cho con mình có đầy đủ mọi thứ tốt nhất mà không để ý đến kinh tế trong gia đình, khiến các phương diện khác của cuộc sống bị tiết chế vì đã 'trót' chi tiêu cho con quá nhiều.
Nuôi con là một quá trình khó khăn và tốn kém không ít, nhưng bố mẹ vẫn nên cân nhắc để vừa nuôi con thành người vừa không phải chịu áp lực kinh tế, gây mệt mỏi cho cả gia đình.