Một bệnh nhân sốt xuất huyết bị hạ tiểu cầu về 0, bác sĩ lý giải nguyên nhân

Hạ tiểu cầu là hậu quả của sốt xuất huyết dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chảy máu, xuất huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội), bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân (57 tuổi, Hà Nội) bị giảm tiểu cầu xuống 0 do mắc sốt xuất huyết.

Người bệnh cho biết, cách đây một tuần, đột nhiên thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt cao 39 độ. Sau uống thuốc hạ sốt, người bệnh đã giảm sốt, tuy nhiên người còn đau ê ẩm nhiều.

Đến ngày thứ 3 sau sốt, trong lúc đi đánh răng thấy máu tươi chảy ra ồ ạt. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào BVĐK huyện Thanh Oai thăm khám, tại đây kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu 0 G/L, ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên BVĐK Đống Đa điều trị.

Bệnh nhân được truyền dịch để tăng cô đặc máu, cầm máu, truyền khối tiểu cầu ngay lập tức. 3 ngày sau, tiểu cầu ông T. tăng lên 28 G/L, cầm máu. Tới chiều 17/10, sau gần 7 ngày điều trị, tiểu cầu ông tăng lên 146 G/L, đạt mức bình thường, sức khoẻ ổn định, được ra viện.

Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu xuống 0 do mắc sốt xuất huyết.

Vì sao khi mắc sốt xuất huyết lại hạ tiểu cầu?

Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu của một người khỏe mạnh là từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L; Mức nghiêm trọng là 10 - 20 G/L.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150G/l bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; Tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; Tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi. Nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời, bệnh nhân có thể bị xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu mắt…), xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, lách…) hoặc thậm chí là có biến chứng xuất huyết não dẫn tới tử vong.

“Một trong hậu quả của sốt xuất huyết là tình trạng giảm tiểu cầu. Việc đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chảy máu, xuất huyết. Đây là hậu quả không phải hay gặp nhưng đôi khi gặp thậm chí với mức độ tương đối nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong trường hợp như vậy, bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu. Việc truyền tiểu cầu có chỉ định giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm nguy hiểm và trở về cuộc sống bình thường”, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.

Các biểu hiện của giảm tiểu cầu hết sức đa dạng từ nhẹ đến nặng:

– Xuất huyết trên da: các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng…

 – Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn.

 – Xuất huyết nặng:

 + Thoát huyết tương qua thành mạch, kéo theo mất nước

 + Chảy máu mũi nặng

 + Ra máu âm đạo nặng

 + Xuất huyết trong cơ và phần mềm

 + Xuất huyết nội tạng (dạ dày, gan, lách, phổi, thận…), xuất huyết não

 + Xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, tiểu ít…

 + Suy hô hấp, suy tim, gan hoặc các cơ quan khác.

 Nếu có các biểu hiện trên người bệnh mau chóng đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan