3.500 con người trong bệnh viện Bạch Mai không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp.
Tối 28/3, Bộ Quốc phòng đã cho nhiều xe chở 631 người nhà bệnh nhân đến vùng cách ly. Việc này rất quan trọng, nó giúp giảm mật độ người trong bệnh viện qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm.
Ngay trong đêm 28/3, Quân đội đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai dựng lên một bệnh viện dã chiến trong khuôn viên bệnh viện. Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.
GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: "Chúng tôi cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân của bệnh viện, chỉ cho phép những người có liên quan vào. Số lượng người có mặt tại Bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500 người.
Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Chúng tôi vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục".
GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, quyết sách trong 2 ngày qua của Bệnh viện Bạch Mai là "nội bất xuất ngoại bất nhập". Tình trạng bên trong bệnh viện hiện nay vẫn tốt. Người bệnh được nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo. Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc và hiện còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ.
Trong hoàn cảnh bị cách ly, BV đã nhờ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ. Như hiện tại, 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp.
BV cũng đối mặt với vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, đang bị phong tỏa.
Để có các xuất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, BV đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp xuất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các xuất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…
Nhiều người đang xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang COVID-19 đến, vì thế họ né tránh. Thậm chí, có 1 bác sĩ dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang.
"Hiện chúng tôi vui mừng được thông báo với bà con, với người bệnh và anh em đồng nghiệp, rằng những nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Như vậy, rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm", GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.