Bác sĩ Nhi Trung ương lý giải vì sao không nên cho trẻ dưới 3 tuổi xem điện thoại, iPad

Nhiều bậc bố mẹ do bận rộn nên thường xuyên cho con nhỏ dùng thiết bị điện tử khi còn bé mà không hề biết đó là nguyên nhân gây nên những bệnh nguy hiểm.

Biểu hiện của trẻ bị tăng động giảm chú ý là gì?

Bác sĩ Vũ Ngân Quỳnh, BV Nhi Trung ương cho biết: Tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi hiếu động quá mức và giảm khả năng tập trung. Nếu trẻ không được điều trị tốt thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Quan sát ở nhà, nơi công cộng, ở trường/lớp trẻ thường xuyên có những biểu hiện sau:

Tăng hoạt động: Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên; Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo hoặc rời bỏ chỗ ngồi ở nơi cần ngồi yên; Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi; Khó khăn khi phải chờ đợi hoặc phải xếp hàng chờ theo thứ tự.

Giảm chú ý: Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài; Không cẩn thận, không chú ý tỉ mỉ, hay gây sai sót; Ít tuân theo sự hướng dẫn, hay làm mất đồ dùng, đồ chơi; Thường hay bỏ dở việc này để làm sang việc khác; Trẻ không duy trì chú ý được lâu so với trẻ bình thường cùng tuổi.

Nếu các biểu hiện kéo dài trên sáu tháng và xuất hiện trước 7 tuổi, cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và quan hệ của trẻ ở gia đình, trường học, trẻ có thể bị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý.

BV Nhi Trung ương mới tổ chức cuộc họp mặt với các gia đình có con tăng động giảm chú ý.

Nhiều bố mẹ vẫn chưa nhận biết đâu là một đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động thông thường, đâu là trẻ mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Dấu hiệu nhận biết mà bố mẹ cần lưu tâm: Ở nhà, trẻ nghịch ngợm, luôn tay luôn chân, không thể dừng lại hoạt động dù bố mẹ đã yêu cầu nhiều lần, hoạt động tự do. Không tập trung nên không nhớ được bố, mẹ vừa nói/yêu cầu con làm việc gì.

Ở lớp không tuân thủ theo sự sắp xếp của cô giáo, ví dụ ở bậc mầm non hoặc lớp 1, không ngồi đúng chỗ sắp xếp, trong giờ học nhưng vẫn luôn chạy lăng xăng khắp lớp, khả năng nhớ bài học rất kém, không nắm được kiến thức bài.

Số trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý ngày càng tăng

Thông tin với PV Gia Đình Mới, bác sĩ CK II Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm thần (BV Nhi Trung ương) cho biết, tăng động giảm chú ý là 1 mảnh rất nhỏ mà khoa Tâm thần đang điều trị. Trong đó vấn đề trẻ tăng động giảm chú ý phát hiện ngày càng tăng trong thời gian gần đây.

Trong năm 2020 có tới hơn 25.000 lượt cháu bé có vấn đề sức khỏe tâm thần đến khám tại khoa. Vài năm gần đây, thường ở mức trên 20.000 lượt. với 3 mảng lớn là chậm phát triển trí tuệ, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ.

Gần đây BV cũng phát hiện nhiều trẻ đến khám gặp các vấn đề khác nữa như lo âu trầm cảm, rối loạn hành vi, khó khăn về ngôn ngữ, thích ứng cuộc sống. Do đó, chúng tôi hết sức cân nhắc trong chẩn đoán.

Các cha mẹ hiện nay cũng đã để ý, lưu tâm tới những vấn đề rối loạn phát triển ở trẻ trong đó có tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý nên khi còn thấy con có những biểu hiện như quá nghịch ngợm, hiếu động đã đưa trẻ đến khám. Tuy nhiên để chẩn đoán trẻ có thực sự mắc hội chứng tăng động giảm chú ý không thì chúng tôi chỉ chẩn đoán khi trẻ ngoài 4 tuổi, đặc biệt là đối với trẻ ở lứa tuổi tiền lớp 1, trẻ thay đổi môi trường từ mẫu giáo vào lớp 1.

Để chẩn đoán trẻ có tăng động giảm chú ý hay không, các bác sĩ sẽ quan sát qua ít nhất 4 môi trường: Lấy thông tin cha mẹ (người trong gia đình), bác sĩ tâm thần khám, đánh giá tại phòng khám; làm bảng trắc nghiệm dành cho cha mẹ và có bảng trắc nghiệm đối với giáo viên.

Kết hợp 4 nguồn đó mới chẩn đoán được bé có tăng động giảm chú ý hay không. Khi có kết quả, lúc đó mới quyết định tới việc điều trị cho bé như thế nào, có cần dùng thuốc hay không hay chỉ cần theo dõi cho bé, hướng dẫn bố mẹ trong việc đồng hành điều trị cùng bé.

Không nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử dưới 3 tuổi

Bác sĩ Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, khó khăn về ngôn ngữ. Một trong yếu tố nguy cơ cao là việc trẻ dưới 3 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử.

Bác sĩ CK II Thành Ngọc Minh khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 3 tuổi dùng thiết bị điện tử.

Việc dùng thiết bị điện tử ở Châu Âu đã cấm trẻ nhỏ dùng từ rất lâu, trẻ từ 3 tuổi trở xuống không bao giờ được dùng thiết bị điện tử, thậm chí với trẻ vào lớp 1 cũng không dùng các thiết bị điện tử. Nhưng ở Việt Nam nhiều bậc bố mẹ vẫn cho trẻ nhỏ xem, sử dụng bởi thiết bị điện tử khiến trẻ ngồi im một chỗ, các trang mạng, đoạn video rất sinh động, khiến trẻ cuốn hút.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần biết, xem các thiết bị điện tử là giao tiếp một chiều, khiến trẻ rất khó phát triển ngôn ngữ, vì trẻ chỉ nghe, không phản hồi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, tốt nhất không nên cho trẻ dùng thiết bị điện tử như điện thoại, iPad, tivi, máy tính...

Việc trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị điện tử là một trong các yếu tố nguy cơ gây nên khó khăn cho trẻ trong phát triển ngôn ngữ, trong học tập, các mối quan hệ xã hội.

Về điều trị trẻ tăng động giảm chú ý, bác sĩ Minh cho biết, thời điểm vàng là thời điểm ngay khi phát hiện trẻ mắc hội chứng, càng sớm càng tốt. Trong điều trị  việc dùng thuốc là 1 sự cần nhắc vì việc dùng thuốc sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.

Vai trò của bố mẹ đặc biệt quan trọng: Bố mẹ phải lên kế hoạch cụ thể với con vì trẻ tăng động giảm chú ý có thể làm vài việc cùng lúc nhưng không việc nào đạt kết quả. Do đó, bố mẹ cần lên danh sách các việc trong sinh hoạt hoặc các bài tập trong việc học theo thứ tự để trẻ làm theo.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan