Nắng nóng, người lớn đưa bé ra suối chơi cho mát nhưng bé bị con vắt dài tới 5cm chui vào mũi.
Anh P.V.H ( 30 tuổi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) cho biết, sáng 22/6, anh đưa con trai 3 tuổi đến khám tại Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ do con trai thường xuyên chảy máu mũi đỏ tươi kèm ngạt liên tục.
Trước đó, anh cũng đã đưa con đi khám tại phòng khám tư trên địa bàn huyện Yên Lập thì được chẩn đoán bị viêm mũi và được kê thuốc uống. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc 3 ngày, tình trạng bệnh không giảm, khi bé ngủ gia đình thấy trong mũi có vật lạ di động nên đưa trẻ đến khám tại Trung tâm Sản Nhi.
Khi bệnh nhi tới khám tại khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt – Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ, các bác sĩ đã nội soi, phát hiện dị vật trong mũi trái của bé và đã gắp thành công một con vắt (Tiếng địa phương gọi là đấc) trong mũi bé. Con vắt dài tới 5 cm và vẫn còn sống.
Gia đình cho biết, mấy ngày nắng nóng, gia đình có đưa bé ra suối chơi cho mát, có lẽ đây là nguyên nhân khiến con vắt chui vào mũi bé.
Sau khi gắp được con vắt ra ngoài, tình trạng sức khỏe bé trai hoàn toàn ổn định và được xuất viện về nhà ngay.
Các bác sĩ tại Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ cho biết: Tình trạng đỉa/vắt chui vào và ký sinh trong cơ thể không phải hiếm gặp. Đỉa/vắt rừng thường sống ở các khe suối, lúc còn nhỏ, kích thước chúng chỉ khoảng vài milimet.
Khi người hoặc các loài động vật xuống suối tắm hoặc uống nước, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và sống ký sinh ở đó.
Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những người đi rừng cần hạn chế uống nước khe, suối để tránh đỉa, vắt chui vào cơ thể.