Người mắc Hội chứng ruột kích thích, hay còn có tên gọi là bệnh đại tràng co thắt, nếu không nhận thức đúng về bệnh có thể gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là 5 sai lầm cần tránh khi mắc phải Hội chứng ruột kích thích.
Là Chủ nhiệm khoa Nội soi Chẩn đoán - BV Trung ương Quân đội 108, Tổng Thư ký Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam, PGS. TS. BS Vũ Văn Khiên tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân có triệu chứng mắc Hội chứng ruột kích thích mỗi ngày. Từ thực tế khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Khiên nhận xét: “Bác sĩ phải có trách nhiệm gieo niềm tin về khả năng chung sống với bệnh và hướng dẫn cụ thể để bệnh nhân không mắc phải những sai lầm đáng tiếc”.
Sau nhiều năm điều trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (còn có tên gọi khác là đại tràng co thắt), bác sĩ Khiên tổng kết: “Sai lầm phổ biến nhất của các bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích là không hiểu mình mắc bệnh gì, từ đó dẫn đến quá lo lắng về bệnh”.
Các bác sĩ điều trị hội chứng ruột kích thích đều có chung nhận xét này. Điều này một phần có thể do hội chứng này còn tương đối mới ở Việt Nam.
Bác sĩ Vũ Văn Khiên lý giải: “Trước, Hội chứng ruột kích thích chủ yếu xuất hiện ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ, khoảng gần chục năm trở lại đây, hội chứng này xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Nguyên nhân có thể do cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực gây căng thẳng, dẫn đến nhiều người mắc bệnh”.
Trong số các bệnh nhân đến khám tại BV Trung ương Quân đội 108, bác sĩ Vũ Văn Khiên cho rằng có một tỉ lệ lớn bệnh nhân rất hoang mang lo lắng. Họ không biết mình mắc bệnh gì mà đau bụng quằn quại, đi ngoài có khi cả chục lần/ngày, hoặc ngược lại đau bụng nhưng không đi ngoài được, táo bón cả tuần liền...
Những người này đi khám thường hỏi bác sĩ: “Không biết tôi bị bệnh gì, tôi có bị ung thư không?”.
Hội chứng ruột kích thích liên quan đến hệ thần kinh (trục thần kinh não-ruột) vì thế bệnh nhân càng lo lắng, sợ hãi thì bệnh càng nặng.
Theo bác sĩ Vũ Văn Khiên, để xóa bỏ vòng luẩn quẩn này, cách duy nhất là bác sĩ cần “gieo niềm tin” cho bệnh nhân ngay từ khâu chẩn đoán bệnh.
Cụ thể, bác sĩ cần “giáo dục” bệnh nhân về bệnh: Sau khi được khám lâm sàng và xét nghiệm đầy đủ, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích, bác sĩ cần nói rõ đây là chứng bệnh không có tổn thương, không có u ở đại tràng (ruột già), không dẫn đến ung thư đại trực tràng. Bệnh không nguy hiểm tuy nhiên cần điều trị kiên trì, lâu dài, kết hợp giữa thuốc và điều chỉnh lối sống, chế độ ăn, giảm căng thẳng.
Ngoài sai lầm nêu trên, các bệnh nhân cũng cần lưu ý tránh những sai lầm trong quá trình điều trị như:
- Không tuân thủ phác đồ điều trị: có những bệnh nhân điều trị một thời gian thấy chưa khỏi đã chán nản, mất hi vọng, tự ý bỏ thuốc, hoặc tự ý chuyển từ thuốc Tây y sang Đông y. Theo bác sĩ Khiên, việc kết hợp sử dụng thuốc Đông y có thể đem lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên nên theo phác đồ nhất định, tránh dùng thuốc bừa bãi.
“Đây là chứng bệnh cần điều trị lâu dài, bệnh thường bị tái phát nếu bệnh nhân không uống thuốc kiên trì” – bác sĩ Khiên khuyến cáo.
- Giữa bệnh nhân và bác sĩ không có sự trao đổi với nhau: Theo bác sĩ Vũ Văn Khiên, bệnh nhân nên duy trì việc trao đổi thông tin với bác sĩ trong quá trình điều trị Hội chứng ruột kích thích. Trong quá điều trị, có thể phải ghi lại cả nhật ký về ăn uống, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống...
Một số thức ăn có thể không hại với người bệnh này, nhưng với người bệnh khác lại gây đầy bụng, chướng hơi, đau bụng trầm trọng. Việc duy trì liên hệ với bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân hiểu đúng về bệnh và có những điều chỉnh trong ăn uống, dùng thuốc, chăm sóc sức khỏe.
- Suy nghĩ nhiều: Bệnh nhân có tâm trạng lo lắng, căng thẳng (về bệnh, về công việc hay những vướng mắc trong gia đình) sẽ khó điều trị khỏi bệnh ruột kích thích. Nếu bệnh nhân lo lắng kéo dài thì cần được kết hợp điều trị bởi bác sĩ tâm thần kinh, cho thuốc an thần nhẹ, giúp điều hòa nhu động ruột.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Theo hướng dẫn của bác sĩ Vũ Văn Khiên, bệnh nhân cần tránh rượu bia, không ăn các thức ăn chua cay, không ăn uống thất thường... Đây là những yếu tố làm nặng hơn Hội chứng ruột kích thích.
Những sai lầm trong khám, chữa Hội chứng ruột kích thích như trên hoàn toàn có thể tránh được, từ đó đẩy lùi bệnh, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Hiểu thế nào cho đúng về tác dụng của thực phẩm chức năng với hội chứng ruột kích thích?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc hiện nay có nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là “chữa khỏi” chứng ruột kích thích, thực hư của những lời quảng cáo này ra sao?
PGS. TS. BS Vũ Văn Khiên cho rằng nếu tiêu thụ các thực phẩm chức năng được cấp phép bởi cơ quan nhà nước, đảm bảo về chất lượng thì cũng rất tốt, giúp bổ dưỡng cơ thể, tăng cường miễn dịch cho người mắc chứng ruột kích thích.
Tuy nhiên, giá cả của các loại thực phẩm chức năng như thế nào cũng là vấn đề quan trọng. “Bệnh nhân Việt Nam nhiều người chưa đủ điều kiện kinh tế để dùng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích. Bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng vì điều này. Hội chứng ruột kích thích không nguy hiểm, không gây ung thư, tuy nhiên chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Thuốc đặc trị còn chưa có, vậy nên thực phẩm chức năng chỉ là để hỗ trợ thêm thôi” – bác sĩ Khiên nhìn nhận.