Ngày 20/8 Trung tâm Nội soi – BV Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học chuyên ngành Nội soi Tiêu hóa dành cho Điều dưỡng – kỹ thuật viên.
PGS.TS. Phạm Đức Huấn - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội và GS.TS. Đào Văn Long - Tổng thư ký Hội Tiêu hóa Việt Nam, Nguyên Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết đây là một trong số ít các Hội nghị chuyên ngành nội soi tiêu hóa ở Việt Nam dành cho Điều dưỡng – Kỹ thuật viên.
Những sai sót quản lý khử khuẩn dụng cụ
Nội soi tiêu hoá là một phương tiện cần thiết để chẩn đoán chính xác và điều trị các bệnh lý đường tiêu hoá.
Thông qua quá trình nội soi, bác sĩ sẽ có được chẩn đoán bệnh và phương pháp điều trị thích hợp.
Trong báo cáo quản lý các sai sót y khoa liên quan đến nội soi và đảm bảo an toàn bệnh nhân tại TT Nội soi tiêu hóa, bệnh viện ĐH Nagoya (Nhật Bản), chỉ rõ việc quản lý hồ sơ xử lý, rửa và khử khuẩn dụng cụ thường gặp phải các vấn đề như:
-Dây soi không thể được vô khuẩn bằng hấp nhiệt.
-Dịch đọng trên bề mặt dây soi ngăn cản quá trình giáng hóa protein và ức chế việc khử khuẩn.
-Các chất khử khuẩn dung cho dây soi có nguy cơ gây độc với con người và môi trường, quy trình rửa không hợp lý có thể gây hậu quả do những thành phần không được khử khuẩn.
-Dây soi tá tràng có cấu tạo phức tạp, khó để rửa và khử khuẩn hoàn toàn (bệnh viện này đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng được ghi nhận).
-Ngoài ra, việc nhầm lẫn bệnh nhân rất phổ biến. Điều dường cần nhận diện bệnh nhân bằng cách hỏi thông tin cá nhân để xác nhận và kiểm tra đặc điểm nhận diện bệnh nhân nói có phù hợp hay không.
Các bệnh nhân tới nội soi cần trả lời các câu hỏi tại nơi nội soi: lần cuối ăn và uống nước, tiền sử bệnh tật, đến bệnh viện bằng phương tiện gì để phục vụ cho việc gây mê, có sử dụng thuốc chống đông không cho các vấn đề về chảy máu, có tiền sử nghiện chất gì để tương tác thuốc mê...
Vì vậy, để giảm bớt cảm giác khó chịu khi nội soi, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ trước khi nội soi, bệnh nhân nên được cho ngủ để giảm bớt căng thẳng và đặc biệt, ống soi phải đảm bảo vệ sinh.
Tất cả giúp bác sĩ đưa ra chỉ định nội soi đúng đối tượng, đúng thời gian để giảm tải nội soi.
Cẩn thận nhiễm khuẩn trong nội soi
Bác sĩ Bạch Thanh An, Trưởng khoa Nội soi, bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi tiêu hoá.
Nội soi cần đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và chống lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và môi trường.
Bác sĩ Bạch Thanh An đưa ra quy trình: Sau khi nhân viên y tế rút ống soi ra khỏi bệnh nhân thì ống soi được xử lý ngay tại chỗ và kiểm tra độ rò rỉ.
Sau đó, ống soi được làm sạch thủ công bằng cách khử khuẩn thử công hoặc khử khuẩn bằng máy.
Với những sai sót dễ gặp phải trong việc nội soi tiêu hoá, nếu các nhân viên y tế không tuân thủ các quy định chuẩn thì bác sĩ khó tìm ra bệnh và thậm chí chính nhân viên y tế sẽ bị lây nhiễm.
Khử khuẩn, cách nào?
Bà Chua Puay Hoon Sherry, điều dưỡng lâm sàng trung tâm nội soi Bệnh viện đa khoa Singapore đưa ra xu hướng tái xử lý dụng cụ nội soi.
Theo đó, trung tâm nội soi nơi bà làm việc có 2 luồng riêng biệt: khu tái xủ lý dụng cụ bẩn bằng cách làm sạch thủ công và khu vực xử lý dụng cụ sạch.
Vấn đề trong rửa và khử khuẩn dụng cụ nội soi cũng được quan tâm trong hội nghị. Việc này được thực hiện thống nhất trong việc tìm nguyên nhân nhiễm khuẩn đặc biệt nếu có bùng phát nhiễm khuẩn, giúp đảm bảo chất lượng của toàn bệnh viện.
Còn trung tâm nội soi tiêu hoá Việt Nam – Nhật Bản và khoa tiêu hoá, bệnh viện Bạch Mai đưa ra các yêu cầu đối với khu vực khử khuẩn:
Phòng khử khuẩn cần được thiết kế nằm tách biệt với phòng nội soi, diện tích phòng đủ rộng và thông thoáng để tránh nguy cơ hoá chất bay hơi, đường đi trong khu vực khử khuẩn cần thiết kế 1 chiều từ vùng bẩn đến vùng sạch hơn để tránh lây nhiễm chéo giữa các dụng cụ sạch và bẩn.
Ngoài việc hiểu rõ quy trình khử khuẩn, nhân viên khử khuẩn cần được trang bị phương tiện phòng hộ đầy đủ và phù hợp: áo choàng dài tay, mũ, kính, khẩu trang, găng tay dài đến khuỷu.
Những ai cần thực hiện nội soi tiêu hoá?
- Những bệnh nhân thường xuyên có những triệu chứng như khó tiêu, ợ nóng, đau thượng vị, buồn nôn hoặc nôn, khó nuốt, nôn hay đi ngoài ra máu và một số triệu chứng khác được cho là xuất phát từ phía đường tiêu hóa trên.
Dựa vào kết quả nội soi, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác hoặc loại bỏ một số bệnh được nghi ngờ như: viêm thực quản, viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày và tá tràng…
- Những bệnh nhân cần dùng nội soi để điều trị những bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa trên: Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa (nội soi để cầm máu), bệnh nhân cần cắt bỏ khối u hay polyp ở dạ dày, nong giãn các vị trí bị chít hẹp ở đường tiêu hóa trên, loại bỏ dị vật hoặc bệnh nhân cần thiết phải đặt ống để mở dạ dày ra da (để bơm thức ăn vào dạ dày).
- Những bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày – tá tràng: để đánh giá tình trạng của dạ dày hoặc tá tràng.
Bệnh nhân chuẩn bị thế nào khi nội soi tiêu hóa?
Để thực hiện nội soi dạ dày người bệnh chuẩn bị rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần nhịn ăn trước khi soi ít nhất 6 giờ, có thể uống nước nhưng là nước lọc và lượng ít.
Với bệnh nhân nội soi đại tràng cần sự chuẩn bị phức tạp hơn để lòng đại tràng sạch hết phân, khi nội soi bác sĩ sẽ có thể thấy rõ lòng đại tràng.
Bệnh nhân nên tránh ăn những thức ăn có nhiều chất xơ và rau trong vài ngày, trước khi nội soi. Bệnh nhân có thể ăn nhẹ vào buổi tối (ít nhất 2 giờ trước khi uống thuốc).
Uống thuốc làm sạch ruột vào khoảng từ 7 – 9 giờ tối. Tốt nhất là nên để lạnh thuốc trước khi uống.
Sau khi nội soi tiêu hóa, bệnh nhân cần lưu ý:
Sau khi nội soi tiêu hóa, bệnh nhân sẽ có thể còn cảm giác đau họng sau khi soi dạ dày, hoặc giảm cảm giác đau quặn bụng sau khi soi đại tràng. Các cảm giác này sẽ giảm dần trong ngày.
Sau nội soi, nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc an thần sẽ được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp. Khi đã ổn định, bệnh nhân sẽ trở lại phòng bệnh hoặc về nhà nếu ngoại trú.
Bệnh nhân nên có người nhà đưa về, không tự đi xe về vì có thuốc ngủ có thể làm bệnh nhân không tỉnh táo khi lái xe.
Không nên ăn uống bất kỳ một thứ gì trong vòng một giờ sau nội soi hoặc trước khi có sự đánh giá của bác sĩ.
Nếu không có quyết định khác từ bác sĩ, bệnh nhân có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường sau khi nội soi.
Nếu bệnh nhân có thực hiện các thủ thuật như sinh thiết, cắt polyp, bác sĩ sẽ dặn bệnh nhân những dấu hiệu cần theo dõi nếu có biến chứng, chẳng hạn đau bụng ngày càng nhiều, bụng trướng căng, hoặc đi tiểu ra máu. Khi có các triệu chứng trên cần phải tái khám lại ngay.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Cảnh báo những sai sót thường gặp trong nội soi tiêu hoá tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].