Dưới đây là những sai lầm phổ biến khi dạy con có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai.
1. Phạt trẻ trước mặt người khác
Đôi khi cha mẹ do bực bội mà quát tháo, thậm chí phạt trẻ trước mặt người khác. Tuy nhiên cha mẹ không quan tâm đến sự có mặt của những người xung quanh, còn trẻ lại rất để ý.
Làm trẻ xấu hổ nơi đông người sẽ giảm sự tự tin của trẻ.
2. Ảnh hưởng từ quá khứ
Những việc xảy ra với chúng ta khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới cách dạy con của chính chúng ta sau này. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của bố mẹ.
Điều quan trọng là học được từ lỗi sai và bảo vệ thế hệ sau khỏi những tác động tiêu cực.
Ví dụ, ngày nay chúng ta đều biết hình phạt bằng đòn roi chỉ gây hậu quả tiêu cực, nhưng nhiều cha mẹ vẫn dùng cách này để dạy con và lấy lý do là trước đây cha mẹ họ cũng làm như vậy.
Chúng ta không nên biện hộ cho những sai lầm của mình bằng câu nói "Ngày xưa bố mẹ tôi làm thế, nên tôi cũng làm thế."
Thay vào đó, chúng ta càn cố gắng trở thành người phá vỡ vòng luẩn quẩn này.
3. Quá kìm chế cảm xúc
Nếu cha mẹ không thường xuyên ôm trẻ, bày tỏ tình yêu thương với trẻ, trẻ có thể bị cô lập cảm xúc với gia đình.
Khi cha mẹ không lắng nghe hoặc không quan tâm cảm xúc và ý khiến của con, trẻ sẽ cử xử giống chúng ta đối với người khác.
Trẻ sẽ khó thân thiết, tin tưởng người khác, kết bạn hay lập gia đình trong tương lai.
4. Những thói quen xấu
Cha mẹ là tấm gương dành cho con trẻ. Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa những thói quen của mẹ và tình trạng thừa cân của con.
Với những bà mẹ có lối sống lành mạnh, nguy cơ béo phì ở trẻ thấp hơn 75%. Những thói quen tốt mà cha mẹ sẽ ảnh hưởng tích cực tới con gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, không uống rượu bia hoặc uống rất ít.
5. Bù đắp quá mức
Ác cảm với cách bản thân từng bị người lớn dạy dỗ có thể khiến các cha mẹ dạy con theo cách trái ngược hoàn toàn. Mặc dù điều họ làm có thể mang ý tốt, nhưng quá mức lại gây hậu quả xấu.
Ví dụ, người từng bị cha mẹ áp đặt quá nhiều sẽ cố gắng cho con cái họ càng được tự do càng tốt. Tuy nhiên sự bù đắp quá mức này không hẳn là tốt cho con cái: con có teher cảm giác bị bỏ mặc, không được cha mẹ quan tâm.
6. Quá chiều chuộng, quá bao bọc
Cha mẹ thường coi con mình là độc nhất vô nhị và cố gắng làm điều tốt nhất cho con. Nhưng với phần còn lại của thế giới, con chỉ là một đứa trẻ bình thường.
Nếu con quen với việc được bao bọc, chiều chuộng quá mức, con có thể trở nên ích kỷ, coi mình là trung tâm, không biết giao lưu với mọi người.
Những đứa trẻ được chiều chuộng quá mức sẽ gặp thất vọng khi trưởng thành phải tự lập, sống ngoài vòng tay của cha mẹ và không biết cách giải quyết vấn đề.
Chúng cũng dễ sợ hãi, không dám chịu trách nhiệm hay bước khỏi vòng an toàn - chẳng hạn gặp gỡ người mới hay bắt đầu kinh doanh.
7. Đổ vỡ niềm tin
Cha mẹ cần có những quy tắc nhất định đối với hành vi của trẻ, tuy nhiên trẻ cũng cần hiểu rằng mình có thể tin tưởng cha mẹ. Với trẻ em, nhất là ở tuổi vị thành niên, niềm tin ấy rất dễ đổ vỡ nếu cha mẹ không kiểm soát được cảm xúc và dọa sợ trẻ.
Trẻ sẽ phát triển tốt hơn nếu gia đình là một bến đỗ an toàn mà trẻ có thể yên tâm từ đó đi khám phá thế giới.
8. Hành vi hung hăng
Trẻ học cách xử lý vấn đề bằng cách quan sát cha mẹ đối phó với khó khăn, mà đôi khi chính trẻ là yếu tố gây nên rắc rối cho cha mẹ.
Cha mẹ cư xử thô lỗ, thể hiện cảm xúc tiêu cực với trẻ sẽ khiến trẻ không biết cách quản lý cơn giận.
9. Trốn tránh vấn đề của trẻ
Người lớn cho rằng một trong những cách tốt nhất để "chấm dứt" vấn đề là quên nó đi. Nhưng thực ra làm thế mọi việc vẫn không được giải quyết.
Sau một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa cha mẹ và con cái, bạn cần cố gắng giải quyết vấn đề và lấy lại niềm tin của con.
Để làm điều này, bạn cần bình tĩnh, nói chuyện một cách bình đẳng, tỏ thái độ tôn trọng với con. Hãy lắng nghe con để con biết rằng bạn quan tâm cảm nhận của con và cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của con.
Sau đó hãy cho con biết cảm xúc của bạn, giải thích lý do vì sao bạn tức giận. cuối cùng nói xin lỗi với con.
Bằng cách này, bạn sẽ lấy lại sự tin tưởng của con thay vì trở thành "kẻ thù".
(Theo Bright Side)