9 hiện tượng kỳ lạ có thật mà ngỡ như trong phim viễn tưởng

Trên thế giới còn rất nhiều điều bí ẩn lạ lùng đến nỗi chúng ta không thể tin được nó có thật. Một hòn đá chảy máu, hay một bông hồng cát... đều chứng minh cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của tự nhiên là vô hạn.

1. Con mắt trên sa mạc

'Con mắt' đặc biệt này có tên gọi là Cấu trúc Richat, nằm trên sa mạc Sahara, gần thị trấn Ouadane thuộc miền trung nước Mauritania ở Tây Phi.

Với hình dạng trông giống như một con mắt khổng lồ nên nó còn được gọi là 'Con mắt của Sahara' hay 'Con mắt xanh của châu Phi', là một kết cấu địa chất hình elip nổi lên giữa sa mạc.

Với đường kính 50km, công trình tự nhiên này là kết quả của sự xói mòn đất từ cuối thời kỳ Nguyên sinh cho đến giữa thời kỳ Sa thạch Ordovicia.

Đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguồn gốc của cấu trúc kỳ lạ này.

2. Núi lửa màu xanh

Quần thể núi lửa Ijen ở huyện Banyuwangi, thuộc tỉnh Đông Java, Indonesia, từ lâu đã nổi tiếng với những dòng dung nham có màu xanh lạ lùng.

Nó là kết quả của quá trình oxy hóa, khi những luồng khí sulfuric từ bên dưới các lớp đất đá phun lên, gặp oxy trong không khí và bị đốt cháy ở nhiệt độ 360°C, tạo ra những dòng dung nham có màu xanh.

Nằm ngay kế bên ngọn núi nửa này là một hồ chứa đầy lưu huỳnh, được hình thành từ một miệng núi lửa từ thời xa xưa. Chính điều đó đã tạo nên những đợt phun trào núi lửa màu xanh suốt nhiều năm qua.

Trời càng tối, những ngọn lửa trông càng huyền ảo và kỳ vĩ, tựa như những vũ công váy xanh điêu luyện nhảy nhót giữa đêm đen.

Hiện tại, Ijen được ghi nhận là khu vực có nhiều lửa lưu huỳnh nhất trên thế giới. 

3. 'Hòn đá' chảy máu

Thoạt nhìn nó trông như một tảng đá, nhưng thực ra nó là một sinh vật sống có tên Pyura chilensis, sinh sống rất nhiều trên các bãi biển của Chile và Peru.

Thân thể của sinh vật này rất mềm, được bao bọc xung quanh bởi một lớp vỏ cứng như đá, phải dùng cưa mới có thể cắt đứt được.

Mặc dù trông có vẻ khá đáng sợ nhưng loài sinh vật này lại được đánh bắt rất nhiều để chế biến thực phẩm. Thịt của nó có thể nấu chín hoặc ăn sống.

4. Bánh xe tuyết

Hiện tượng lạ lùng này xảy ra khi những lớp tuyết bị gió thổi và bắt đầu cuộn tròn, sau đó chúng tiếp tục được gió đẩy lăn trên mặt đất hoặc lăn xuống đồi, trên đường đi cuốn theo những lớp tuyết khác, trở nên to dần và tạo thành hình bánh xe.

Những bánh xe tuyết này có thể nhỏ bằng quả bóng tennis, nhưng cũng có thể to lớn hơn cả một chiếc xe ô tô.

Không giống như những quả bóng tuyết do con người tạo ra, những bánh xe tuyết này được tạo thành từ gió.

Vì lõi của bánh xe tuyết là những lớp đầu tiên được hình thành, nên chúng cũng là lớp yếu nhất và mỏng nhất, rất dễ dàng bị gió thổi bay tạo thành hình dạng bánh xe.

5. Cầu vồng màu trắng

Hiện tượng này cũng tương tự như cầu vồng sau mưa, có điều nó không được tạo thành từ những hạt mưa mà từ sương mù.

Cầu vồng trắng được tạo ra khi ánh sáng mặt trời chiếu vào những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù ở góc độ phù hợp.

Vì những giọt nước trong sương mù có kích thước rất nhỏ (nhỏ hơn 0,05mm), nên cầu vồng được tạo thành từ sương mù có màu sắc rất nhạt, đôi khi nó chỉ có một màu trắng. 

6. Hoa hồng cát

Đây không phải là bông hoa mà chỉ là một cấu trúc được hình thành từ những tinh thể thạch cao và barit có trộn lẫn với những hạt cát, được tìm thấy tại những vùng sa mạc khô cằn trên thế giới.

Những tinh thể này sắp xếp theo một cấu trúc đặc biệt, trông giống như những cánh hoa, vì thế chúng còn có tên là hoa hồng sa mạc.

Trung bình, đường kính của một bông hồng sa mạc rơi vào khoảng 1,3 - 10cm. Cụm bông hồng lớn nhất từng được tìm thấy có chiều cao 99cm và nặng hơn 454kg.

7. 'Mì tuyết'

Một người đàn ông ở Hämeenlinna, Phần Lan, đã phát hiện ra những sợi tuyết trông giống như những sợi mì xuất hiện ở hồ gần nhà anh.

Thậm chí, sau đó anh có thể lấy và tách được những sợi tuyết này ra, thu thập chúng làm thành các quả cầu tuyết.

Các nhà khoa học cho rằng các sợi tuyết này có thể được hình thành bởi các chuyển động của gió và nước trước khi băng tuyết chuẩn bị tan chảy.

8. Băng tròn

Đá tròn còn được gọi là đĩa băng hoặc chảo đá, là một hiện tượng tự nhiên rất hiếm xảy ra khi nước di chuyển chậm ở nhiệt độ đóng băng.

Các nhà khoa học không biết chính xác cách thức hình thành những đĩa băng này nhưng có thể chúng hình thành trong các dòng xoáy nơi các mảng băng mỏng xoay tròn và dần dần kết dính lại với nhau.

Đường kính của vòng tròn có thể thay đổi rất nhiều từ chỉ một vài feet đến 50 feet (hơn 15 mét).

9. Hòn đá tự di chuyển

Thung lũng Chết (Death Valley) là một thung lũng dài và hẹp thuộc khu vực phía Đông sa mạc Mojave, California.

Đây là cũng là vùng đất có địa hình thấp nhất, khí hậu khô và nóng nhất tại Bắc Mỹ.

Nổi bật tại nơi đây là một chiếc hồ khô, diện tích lớn với những hòn đá có khả năng tự di chuyển và để lại phía sau nó những vệt dài trên nền đất nứt nẻ.

Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải cho sự di chuyển của các hòn đá như do ảnh hưởng của từ trường, gió lốc, những lớp tảo trơn, lớp băng mỏng...

Tuy nhiên, hiện tượng này đến nay vẫn là một bài toán bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Lam/giadinhmoi.vn

Tin liên quan