Trẻ con giống tờ giấy trắng, việc chúng trở thành người như thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của cha mẹ. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu sau, cha mẹ phải chấn chỉnh lại ngay.
Bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên, việc yêu thương và chiều chuộng con quá mức lại khiến con trở nên ngang ngược, ương bướng. Đã có rất nhiều trường hợp, chỉ vì cách giáo dục không đúng của cha mẹ mà biến con thành đứa trẻ hư hỏng.
Vì thế, bên cạnh việc chăm sóc, cha mẹ cũng cần phải tìm cho mình phương pháp uốn nắn, dạy con đúng đắn. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây, cần cứng rắn rèn giũa, không nên lơ là, chặc lưỡi cho qua kẻo hối hận về sau.
Trẻ không bao giờ nói ''cảm ơn''
Ngoài những từ giao tiếp thông thường thì việc dạy trẻ nói ''cảm ơn'' là điều quan trọng bậc nhất mà cha mẹ nên lưu ý. Cảm ơn không chỉ với người ngoài mà ngay cả với cha mẹ. Bé nhận thức được việc biết ơn người đã giúp đỡ mình, sinh ra mình là thể hiện sự tôn trọng của bé dành mọi người, đặc biệt là ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Lời cảm ơn của trẻ cần được xuất phát và dạy dỗ đồng hành những việc trong cuộc sống, cha mẹ phải gương mẫu lấy bản thân mình làm gương cho con. Cha mẹ cần dạy cho bé học nói cảm ơn khi ai đó giúp đỡ mình, khi ai đó cho mình thứ gì, khi ai đó nhường nhịn mình việc gì...
Thực tế, có rất ít bậc cha mẹ dạy trẻ điều này. Bởi vì yêu con, nên cứ mặc nhiên làm mọi việc cho con và coi đó như là cách thể hiện tình yêu, sự quan tâm. Dần dần, trẻ sẽ thấy việc mẹ dậy từ sớm chuẩn bị cơm nước cho mình, chăm nom mình từ những việc nhỏ nhất là điều đương nhiên, trẻ coi việc những người xung quanh giúp đỡ mình là việc ngẫu nhiên. Không tỏ thái độ trân trọng, cảm ơn. Từ đó trẻ không biết được rằng, để được thừa hưởng những điều đó, trẻ cần phải có thái độ cảm ơn, trân quý.
Một đứa trẻ không biết nói cảm ơn sẽ không bao giờ thấu hiểu được sự hi sinh, tình yêu của cha mẹ. Lớn lên sẽ ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân, thử hỏi cha mẹ liệu có cậy nhờ được không?
Không bao giờ nhận lỗi khi làm sai
Có nhiều đứa trẻ do được cưng chiều, cung phụng quá mức nên luôn cho rằng mình là nhất, mình là trung tâm vũ trụ, chẳng coi ai ra gì, ngay cả với ông bà, cha mẹ cũng tỏ ra bất cần, thiếu lễ độ.
Bởi vậy mới nói, sau việc học nói ''cảm ơn'', chính là lời ''xin lỗi''. Nếu một đứa trẻ không bao giờ chịu nhận sai, thậm chí chăm chăm tìm cách đổ lỗi cho người khác thì rất có thể khi lớn lên, chúng sẽ không cư xử tốt với cha mẹ.
Nguyên nhân là do chúng được cưng chiều từ nhỏ, đã quen với sự nuông chiều đó, mọi thứ mình được nhận đều là nghiễm nhiên và có sai sót gì thì người nhận lỗi cũng không phải là mình. Những đứa trẻ như thế thường không biết nghĩ cho cha mẹ, đặt mình ở vị trí người khác để nhận ra cái sai của bản thân.
Một đứa trẻ như thế khi ra xã hội cũng sẽ bị mọi người ghét bỏ. Không ai có thể sống trong một tập thể mà cứ khăng khăng cho rằng mình là nhất cả.
Thường xuyên cãi lời cha mẹ
Cãi lại lời cha mẹ là thói quen của hầu hết trẻ thơ, đó cũng là trạng thái tâm sinh lý bình thường, được coi là một giai đoạn phát triển về nhận thức của đứa trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần phải dạy cho con hiểu rằng, bên cạnh việc phát triển tư duy cá nhân, việc cãi lời cha mẹ thực chất là hành vi không đúng mực, là thể hiện sự không tôn trọng cha mẹ của mình, người đang mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho chính mình.
Nếu trẻ cãi lời nhưng có những quan điểm cá nhân, hãy nghe trẻ trình bày để nhìn nhận lại vấn đề. Còn trường hợp hễ cha mẹ nói gì là cãi lấy được, thậm chí thể hiện thái độ chống đối thì cha mẹ cần tìm hiểu rõ lý do tại sao, điểm sai nằm ở cách dạy của mình hay ở chính đứa con. Để từ đó trẻ có thái độ hợp tác hơn với những gì cha mẹ nói.
Không nên sử dụng đòn roi để ép trẻ nghe lời. Bởi như vậy sẽ khiến trẻ chai lỳ, chống đối, khi lớn lên sẽ rất khó bảo, thậm chí chúng không bao giờ coi trọng lời cha mẹ nữa.
Luôn phải ''hối lộ'' có điều kiện trẻ mới chịu làm việc
Đây là lỗi sai hầu hết các bậc cha mẹ đều phạm phải, ví dụ: cho con dùng điện thoại bé mới ăn, cho con ăn kẹo con mới ngoan, cho con tiền cho mới đi học, mua quần áo đẹp con mới nghe lời....
Việc tặng cho con những món quà là rất cần thiết để khích lệ trẻ cố gắng, nhưng nếu thường xuyên tiếp diễn việc này thì cha mẹ cần xem xét lại. Bởi trẻ sẽ cho rằng, chúng không có nghĩa vụ phải làm những việc đó nếu không có thứ gì đáp trả.
Hối lộ cho trẻ là một giải pháp ngắn hạn mang lại hậu quả nguy hiểm, bởi khi nó trở thành chuẩn mực, con của bạn sẽ bắt đầu kỳ vọng vào những phần thưởng tốt hơn trước khi đồng ý thực hiện nhiệm vụ. Khi không được như mong muốn, trẻ sẽ tỏ thái độ, không nghe lời và tìm cách chống đối.
Vì thế, không nên hối lộ trẻ một cách thái quá mà cần phải phân định rõ ràng, việc nào trẻ có trách nhiệm phải làm và việc nào trẻ sẽ được thưởng vì cố gắng, nỗ lực của mình.