Tất cả những gì chúng ta làm cũng chỉ là để tìm kiếm thứ gọi là “Hạnh Phúc”. Nhưng để có được hạnh phúc liệu có cần làm những điều to tát xa vời?
Sẽ có một khoảnh khắc bất chợt nào đó trong đời, như khi đang đứng chờ chuyến xe buýt sớm cho kịp giờ làm việc hay kiệt sức giữa những deadline… câu hỏi ấy sẽ bật ra trong đầu bạn “Mình có đang hạnh phúc không?”
Chỉ cần thực hiện 9 điều giản dị sau đây, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc là một thứ hoàn toàn nằm trong tầm với.
Bạn có nhớ bản danh sách dài dằng dặc của kế hoạch thay đổi bản thân, các dự định siêu “khủng” bạn đề ra đầu năm không? Liệu bạn đã thực hiện được bao nhiêu trong số đó?
Rất đơn giản, dự án Hạnh phúc của bạn chỉ cần bắt đầu từ những viên gạch nhỏ mà thôi.
Không thức quá khuya. Theo các nghiên cứu khoa học giấc ngủ trong khoảng thời gian 10h – 2h đêm là giấc ngủ tuyệt vời nhất, không để bản thân đói quá hay no quá, và uống đủ nước.
Nghe có vẻ thật ngược đời, nhưng để hạnh phúc, điều trước tiên bạn cần làm là phải biết cách đón nhận nỗi buồn, hay thậm chí là cả những cơn tức giận.
Có rất nhiều những cuốn sách self-help dạy ta cách sống sao cho thật vui vẻ, các đoạn quảng cáo luôn đầy rẫy hình ảnh những người luôn tươi cười hạnh phúc, và nếu họ có buồn thì cũng chỉ là trước khi được sử dụng sản phẩm thần thánh nào đó mà thôi.
Có vẻ như điều này ám chỉ rằng xã hội chúng ta đang sống là một xã hội không – chấp – nhận – nỗi – buồn.
Việc cố tình lờ đi nỗi buồn hay những cơn giận sẽ chỉ khiến chúng luôn âm ỉ và chực chờ bùng phát vào lúc nào đó.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc thường xuyên kiềm chế cơn giận sẽ có thể dẫn đến những hành vi gây hấn thụ động – một dạng “nói không đi đôi với làm” – khi mà ngoài mặt ta tỏ ra vui vẻ nhưng trong từng lời nói đều mang ý công kích và chống đối.
Ví dụ như việc âm thầm chịu đựng vị sếp khó tính từ năm này qua tháng khác sẽ khiến ta làm việc với thái độ “cho có” hoặc bùng nổ giận dữ vào ngay buổi họp của công ty chẳng hạn.
Đã bao lần bạn bỏ qua một cơ hội nghề nghiệp nào đó chỉ vì cảm thấy chưa đủ sẵn sàng? Đã bao lần bạn từ chối một ai đó chỉ vì chưa phải lúc thích hợp để yêu đương?
Nhưng liệu bao giờ là thích hợp và khi nào thì bạn mới đủ sẵn sàng? Đáng tiếc là chúng ta sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi ấy.
Ngay từ hôm nay, hãy bắt đầu mỗi ngày với một điều gì đó mới mẻ bạn thích từ lâu nhưng chưa bao giờ thử bắt đầu.
Một trò chơi mới, một chuyến đi, một món ăn lạ… những điều nho nhỏ ấy sẽ thả mỗi ngày một vài đồng xu hạnh phúc vào “ngân hàng hạnh phúc” của chúng ta.
Đôi khi chúng ta chọn cách nuông chiều bản thân với một bữa no nê hay một ly rượu mạnh để xua đi nỗi buồn.
Trong một chốc lát, cảm giác thỏa mãn ấy có thể khiến tâm trạng ta tốt lên thật. Nhưng hậu quả đến ngay sau đó – cân nặng tăng lên hay cơn đau đầu kéo dài đến tận sáng hôm sau – sẽ khiến cảm giác tội lỗi và thất vọng với bản thân còn chồng chất lên nỗi buồn trước đó.
5. Dùng tiền để “mua” hạnh phúc
Có một câu nói vui rằng “Hạnh phúc không thể mua được bằng tiền, nhưng có thể mua được bằng rất nhiều tiền”.
Tuy hạnh phúc không đồng nghĩa với sự giàu có về vật chất, nhưng nó có thể hỗ trợ chúng ta để đạt được ít nhất 3 tầng cơ bản trong tháp nhu cầu Maslow (nhu cầu duy trì sự sống, nhu cầu được an toàn ổn định, nhu cầu được công nhận bởi xã hội).
Tiền không thể mua được tình cảm trong mối quan hệ của bạn với người thân, nhưng nó có thể giúp bạn và gia đình có một chuyến đi du lịch để trải nghiệm nhiều niềm vui với nhau hơn.
Tiền có thể không mua được kiến thức, nhưng nó có thể cho bạn những khóa học kĩ năng hữu ích. Tiền có thể không mua được tình yêu, nhưng sự ổn định về kinh tế sẽ khiến bạn có thể dành nhiều thời gian vun đắp tình cảm của mình hơn.
Nói một cách thẳng thắn, để học được lối sống hạnh phúc, bạn cũng cần phải học cách tiêu tiền.
Khi đứng trước mỗi quyết định, giả dụ là quyết định đơn giản như mua một chiếc điện thoại mới, trên đời này luôn có hai kiểu người – người thỏa mãn và người đòi hỏi.
Kiểu người thứ nhất sẽ ra quyết định mua ngay khi gặp chiếc điện thoại thỏa mãn những yêu cầu mong muốn.
Kiểu người thứ hai thì không, họ không thể đưa ra quyết định trước thử qua tất cả những lựa chọn trước mắt.
Và để có một cuộc sống hạnh phúc thật sự, đôi khi ta cũng cần bỏ qua những thứ nhất định, bởi thứ điều có hạn và không thể lấy lại được chính là Thời gian.
Vấn đề của việc tập thể dục, đó là ta luôn đặt ra những mục tiêu quá lớn ngay trong ngày đầu tiên.
Lên youtube, gõ “Bài thể dục giảm mỡ bụng” và ta sẽ có hàng trăm video hướng dẫn, nhưng ta sẽ nhanh chóng nản lòng sau vài ngày tập với kết quả là vòng bụng y nguyên và toàn thân đau nhức.
Tập ít nhưng thường xuyên sẽ tốt hơn là việc thỉnh thoảng mới tập. Bạn cần ghi nhớ điều này để có thể giữ vững chu trình luyện tập của mình.
Nếu bạn thử đếm số thời gian thực sự mình dành cho Facebook mỗi ngày, con số đó sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên.
Nghiên cứu trên 32 triệu tài khoản Facebook ở Anh cho thấy trung bình mỗi tài khoản online trên Facebook 26,5 giờ mỗi tháng.
Đó là số liệu khi phải chia bớt thời gian cho mạng xã hội với các trang Tumblr, Twitter, Instagram… nhưng với người dùng Việt Nam nói chung, con số ấy có lẽ còn lớn hơn thế.
Facebook nói riêng hay các mạng xã hội nói chung đã làm trỗi dậy trong ta nỗi sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó – có thể là một lời nhắc, một sự kiện “hot”, một cuộc “chém gió” hay ho hoặc cuộc vui nào đó của bạn bè… - cảm giác sợ bị đặt ngoài lề ấy khiến ta không thể ngừng kiểm tra Facebook mỗi khi có thể.
Không những thế, Facebook còn khiến ta luôn vô tình so sánh bản thân với người khác. Đa số chúng ta sẽ luôn chỉ đưa những thứ hay ho nhất trong cuộc sống của mình lên mạng.
Vì vậy, vậy khi lướt Facebook, ta cảm tưởng như tất cả mọi người đều đang có một ngày không thể hoàn hảo hơn.
“Mạng xã hội có thể làm dấy lên sự so sánh với những người có vẻ ở “chiếu trên” trong xã hội, khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân mình” - Timothy Bono, giảng viên khoa Tâm lý học tại ĐH Washington cho biết.
Ở trên thì nói rằng cần biết cách đón nhận nỗi buồn, ở dưới thì cho rằng nên ngừng than thở, điều này có mâu thuẫn quá không? Ranh giới giữa việc thừa nhận cảm xúc của bản thân và “bi kịch hóa” chúng thường rất mong manh.
Nhưng hãy nhớ lại xem, bạn đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi suốt ngày phải nghe những lời than thở lặp đi lặp lại của ai đó hay chưa?
Bạn có từng nghĩ rằng “thời gian đó cậu hoàn toàn có thể dùng để giải quyết những vấn đề ấy kia mà”?
Nếu bạn không muốn người khác trút những cơn mưa than vãn xuống đầu bạn, vậy tại sao lại phải làm thế với bản thân mình?
Ngay bây giờ, bạn có thể liệt kê 5 khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy tệ nhất gần đây và 5 khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất gần đây không?
Nếu bạn cảm thấy việc nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc mất nhiều thời gian hơn, có lẽ bạn sẽ cần đến “Bản danh sách hạnh phúc”.
“Bản danh sách hạnh phúc” là gì? Đó là tất cả những khoảnh khắc bạn cảm thấy vui vẻ hay hài lòng về bản thân mình.
Hãy kiếm cho mình một cuốn sổ nhỏ và ghi lại bất cứ khoảnh khắc nào như thế, là một cuộc nói chuyện với bạn bè, một món ăn thật ngon, một lời khen khiến bạn cảm thấy tự tin hơn, một người lạ dễ mến bạn tình cờ gặp, cảm giác hài lòng khi vừa hoàn tất một công việc nào đó…
Tất cả những điều nhỏ nhặt như thế sẽ khiến bạn nhận ra rằng, bên cạnh những lúc cảm thấy tồi tệ thì bạn cũng đã có nhiều niềm vui đấy chứ?
“Hạnh phúc không phải là đích đến, đó là cả chuyến đi” – mỗi người đều sẽ có chuyến đi của riêng mình, dù bắt đầu sớm hay muộn, đi chậm hay nhanh, thì điều quan trọng hơn hết – chính là việc bạn đã quyết định khởi hành.