9 dấu hiệu cho thấy bạn đang bị trầm cảm theo mùa, 4 đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh

Khi thấy những thay đổi đáng kể trong tâm trạng và hành vi của mình mỗi khi chuyển mùa, rất có thể bạn đã bị trầm cảm theo mùa.

Thường xuyên chán nản, mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ... là những dấu hiệu cảnh báo bị trầm cảm theo mùa. Ảnh minh họa

Thường xuyên chán nản, mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ... là những dấu hiệu cảnh báo bị trầm cảm theo mùa. Ảnh minh họa

Trầm cảm theo mùa là gì?

Theo ThS.BS Nguyễn Kim Anh, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần.

Các biểu hiện của trầm cảm điển hình thường gồm:

- Khí sắc trầm (nét mặt của người bệnh rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều thậm chí mất hết nếp nhăn).

- Mất mọi quan tâm hay thích thú (ví dụ một người trước đây thích đọc báo, xem phim nhưng giờ đây mất hết các sở thích đó, làm các việc đó nữa)

- Giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động (người có thể than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân bệnh lí cơ thể nào, thậm chí chỉ với một công việc rất nhẹ nhàng họ cũng cần một sự tập trung lớn).

Các triệu chứng tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần.

Trầm cảm theo mùa là một loại trầm cảm được đặc trưng bởi mô hình tái diễn theo mùa. Chứng bệnh này thường điển hình ở quần thể vùng khí hậu có sự thay đổi rõ rệt về mùa trong năm. Mùa đông được báo cáo có dấu hiệu bệnh tăng lên, các biểu hiện của bệnh với các triệu chứng kéo dài khoảng 4 đến 5 tháng mỗi năm.

Dấu hiệu của trầm cảm theo mùa

Các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm theo mùa bao gồm những triệu chứng trầm cảm và một số triệu chứng khác nhau đối với trầm cảm theo mùa kiểu mùa đông và kiểu mùa hè.

Theo bác sĩ Kim Anh, khi bạn có các triệu chứng sau, trong thời gian từ 2 tuần trở lên, có khả năng bạn đang bị trầm cảm.

Các triệu chứng trầm cảm nặng có thể bao gồm:

  • Cảm thấy chán nản hầu như cả ngày, gần như mỗi ngày
  • Mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng yêu thích
  • Trải qua những thay đổi về khẩu vị hoặc cân nặng
  • Có vấn đề với giấc ngủ
  • Cảm thấy chậm chạp hoặc tăng họat động hơn bình thường
  • Giảm năng lượng
  • Cảm thấy vô vọng hoặc vô giá trị
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung
  • Thường xuyên có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử

 Các triệu chứng của trầm cảm kiểu mùa đông gồm:

  • Ngủ quá giấc
  • Ăn quá nhiều, đặc biệt là thèm đồ ăn có nhiều carbohydrate (đồ ngọt, tinh bột, ngũ cốc…)
  • Tăng cân
  • Xa lánh xã hội (cảm giác như “ngủ đông”) 

Các triệu chứng của trầm cảm kiểu mùa hè bao gồm:

  • Khó ngủ (mất ngủ)
  • Chán ăn, dẫn đến sụt cân
  • Bồn chồn và kích động
  • Lo lắng
  • Các kiểu hành vi bạo lực 

Ai có nguy cơ mắc trầm cảm theo mùa?

Hàng triệu người trưởng thành có thể bị trầm cảm theo mùa, mặc dù nhiều người có thể không biết mình mắc bệnh. Một số người có nguy cơ cao mắc trầm cảm theo mùa gồm:

  • Trầm cảm theo mùa gặp nhiều hơn ở phụ nữ so với nam giới và phổ biến hơn ở những người sống gần Bắc bán cầu hơn, nơi có thời gian ban ngày ngắn hơn vào mùa đông.
  • Trầm cảm theo mùa gặp phổ biến hơn ở những người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực.
  • Người bị trầm cảm theo mùa có xu hướng mắc các rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu hoặc rối loạn hoảng sợ.
  • Trong gia đình có người thân mắc các bệnh tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm nặng hoặc tâm thần phân liệt thì các thành viên khác dễ có nguy cơ bị trầm cảm theo mùa.

Hiện, có 2 phương pháp chính để điều trị trầm cảm theo mùa là liệu pháp tâm lý và hóa dược. Với những trường hợp nặng, ví dụ có ý tưởng tự sát, loạn thần, chống đối ăn, kích động… cần được nhập viện điều trị sớm.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính